Nhiều “quan xã” tiếp tay mua bán trẻ em

Trong ngày đầu tiên xử vụ làm hồ sơ giả đưa hàng trăm trẻ ra nước ngoài, TAND tỉnh Nam Định đã dành đến bốn tiếng để xét hỏi nguyên giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Trực Ninh Vũ Đình Khản. Trả lời tòa, Khản khai không chỉ chi tiền cho các trạm trưởng trạm y tế mà còn chi cả cho các chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng công an, phó công an ở nhiều xã trong tỉnh để hợp pháp hóa hàng trăm bộ hồ sơ giả.

Giúp mẹ để bán con

Ban đầu, Khản liên tục đổ cho nguyên phó giám đốc Trung tâm Trực Ninh Trương Văn Phúc (đã bỏ trốn, đang bị truy nã) là người chịu trách nhiệm về các khoản thu chi, nhận tiền hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài. Đồng thời, Khản quanh co, biện bạch: “Việc bị cáo nhận các bà mẹ mang thai ngoài ý muốn về trung tâm nuôi, chờ sinh cũng chỉ là giúp đỡ người có hoàn cảnh éo le, cưu mang nhân đạo”. (Chỉ riêng tại xã Việt Hùng, với chức vụ là giám đốc Trung tâm Trực Ninh kiêm trạm trưởng trạm y tế xã, Khản đã “gom” 50 sản phụ đó về sinh nở rồi để con lại cho trung tâm.)

Tòa đã bác bỏ ngay lời biện hộ này khi nhận xét quy chế hoạt động của Trung tâm Trực Ninh không cho phép tiếp nhận người có hoàn cảnh éo le mà chỉ được phép tiếp nhận bốn loại đối tượng là trẻ em mồ côi, người tàn tật, người già cô đơn, người tâm thần. Hơn nữa, cơ quan chủ quản (UBND huyện Trực Ninh) mới là cơ quan có thẩm quyền quyết định tiếp nhận các đối tượng vào trung tâm chứ không phải giám đốc trung tâm. Mục đích của việc này, theo bị cáo đã khai tại cơ quan điều tra là cho người nước ngoài làm con nuôi để có tiền tài trợ chứ không phải cứu giúp.

Kết quả điều tra cho thấy trong ba năm, Trung tâm Trực Ninh đã nhận tổng cộng khoảng hai tỷ đồng và 67 ngàn USD của các cá nhân, tổ chức nước ngoài tài trợ nhưng chỉ nhập vào quỹ 2,3 tỷ đồng, còn lại Khản, Phúc để ngoài quỹ. Trước những chứng cứ này, Khản đã phải thừa nhận hành vi phạm tội, khai rằng chính mình là người đã đưa hồ sơ rồi hướng dẫn các trưởng trạm y tế hợp thức thành “trẻ em bị bỏ rơi” để cho người nước ngoài.

Ăn nhậu + phong bì = chữ ký xác nhận

Khản khai nhận thủ đoạn để hợp thức hóa các bộ hồ sơ cho trẻ sơ sinh là lập sẵn các bộ hồ sơ mẫu, đưa tên, tuổi, giới tính, ngày tháng năm sinh của trẻ chuyển cho các trạm trưởng trạm y tế để họ viết vào hồ sơ. Còn tên tuổi, địa chỉ của sản phụ là do các các trạm trưởng tự bịa ra rồi xin chữ ký xác nhận của chủ tịch, phó chủ tịch hoặc trưởng, phó công an xã.

Khi đã có hồ sơ xác nhận trẻ bị bỏ rơi, Khản đã làm thủ tục khai sinh và tổ chức tiếp nhận về trung tâm nuôi dạy. Tới khi UBND tỉnh Nam Định có quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em làm con nuôi, Khản đã đưa trẻ đến cơ quan chức năng để bàn giao.

Tại tòa, Khản khai khi đi làm hồ sơ, có những trường hợp chỉ phải mời các cán bộ liên quan đi ăn nhưng cũng có những trường hợp phải chi tiền từ vài trăm đến vài triệu đồng. Thời gian đầu, Khản và Phúc chỉ phải chi vài trăm ngàn đến một triệu đồng/hồ sơ, từ năm 2006 trở đi thì phải chi từ một đến hai triệu đồng, thậm chí có những trường hợp phải chi nhiều hơn.

Không chỉ các trạm trưởng trạm y tế, Khản còn phải cậy nhờ cả đến các chủ tịch, phó chủ tịch hoặc trưởng, phó trưởng công an xã. Trong đó, tại xã Xuân Ngọc (Xuân Trường), Khản đã phải chi cho trưởng công an xã bốn triệu đồng cho một bộ hồ sơ. Tương tự tại xã Xuân Hùng (Xuân Trường), xã Nam Hồng, Nam Mỹ, Nam Thắng (Nam Trực)..., Khải cũng được các trưởng công an xã tiếp tay trong việc làm giả hồ sơ.

Với thủ đoạn trên, trong ba năm 2005-2008, Khản và Phúc đã trực tiếp làm 164 bộ hồ sơ giả để đưa trẻ đi nước ngoài.

Ngày mai (23-9), tòa tiếp tục xét hỏi các bị cáo còn lại.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm