Nhức đầu chuyện sung công tang, tài vật

Rất nhiều lý do: Không gặp được đương sự, chi phí cho việc định giá tài sản sung công lớn hơn gấp nhiều lần giá trị của tài sản…

Mấy năm trước, cơ quan thi hành án thị xã C., tỉnh N. đã phải khổ sở khi thi hành một bản án của TAND thị xã này bởi họ đã phải tốn công, tốn sức, tốn tiền thành lập cả một hội đồng chỉ để định giá… một chiếc SIM điện thoại.

Lập hội đồng định giá… một chiếc SIM

Cụ thể, tháng 5-2005, xử vụ TDN cùng đồng phạm chống người thi hành công vụ, TAND thị xã C. quyết định: “Trả lại cho bị cáo một điện thoại di động loại Samsung, tịch thu phát mãi sung quỹ nhà nước một SIM điện thoại số 0913…”. Theo tòa, đây là chiếc sim bị cáo đã dùng gọi cho đồng bọn để cùng thực hiện tội phạm nên không thể trả lại hoặc tiêu hủy được.

Nhận bản án, cơ quan thi hành án thị xã dở khóc dở cười bởi theo luật, phải xác định giá trị của chiếc SIM điện thoại này để sung công. Vì không ai có thể tự ra giá cho chiếc SIM nên cơ quan thi hành án không còn cách nào khác là phải tổ chức cả một hội đồng định giá với đầy đủ ban bệ. Hội đồng này xác định giá trị của chiếc SIM là 200.000 đồng. Dĩ nhiên, chi phí cho việc định giá (lấy từ ngân sách) lớn hơn gấp nhiều lần số tiền 200.000 đồng trên.

Vất vả như vậy nhưng sau đó cơ quan thi hành án tổ chức bán đấu giá thì không một ai chịu đăng ký mua chiếc SIM điện thoại đó cả. Một chấp hành viên đã phải ngao ngán lắc đầu: “Vụ việc này không chỉ gây rắc rối cho cơ quan thi hành án mà còn làm thâm hụt ngân sách. Quá mệt!”.

Nhức đầu chuyện sung công tang, tài vật ảnh 1

Khó tìm tung tích

Khi quyết định tuyên sung công tài sản, cơ quan thi hành án cũng phải thông báo cho đương sự biết. Từ chuyện này, cơ quan thi hành án gặp một vướng mắc không nhỏ là rất khó xác định địa chỉ của đương sự. Đến khi xác định được rồi thì cũng trần ai, chưa chắc giải quyết xong.

Chẳng hạn tháng 8-2008, cơ quan thi hành án quận 10 (TP.HCM) tổ chức thi hành bản án của TAND quận đối với hai bị cáo Cao Minh Thái Dương, Nguyễn Thị Ánh Tuyết can tội trộm cắp tài sản. Dương và Tuyết bị tòa buộc phải nộp gần 40 triệu đồng để sung công. Khi thụ án, họ không giam chung một nơi nên cơ quan thi hành án phải lặn lội đi tìm.

Qua ban chỉ huy công an quận, cơ quan thi hành án biết hai phạm nhân bị giam ở trại giam Cây Cầy và An Phước (thuộc V26 Bộ Công an). Theo quy định, cơ quan thi hành án phải gửi công văn đến trại giam đề nghị tống đạt quyết định thi hành án và giấy báo tự nguyện thi hành án cho hai phạm nhân. Phía trại giam có văn bản trả lời cơ quan thi hành án là nơi đây không có chức năng tống đạt những giấy tờ trên. Đồng thời, trại giam cũng thông báo rằng nếu cán bộ thi hành án muốn làm việc với phạm nhân trong trại thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của V26. Sau đó, cơ quan thi hành án gửi công văn đề nghị V26 hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa được hồi âm nên vụ việc cứ mãi giậm chân tại chỗ.

Thiếu cơ chế phối hợp

Đó là nhận định của ông Lê Hữu Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án quận 10 (TP.HCM), khi nói về sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thi hành án.

Trước hết, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, tòa phải chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án, trong đó có các giấy tờ liên quan đến việc xử lý tang, tài vật cho cơ quan thi hành án nhưng nhiều khi tòa không chuyển hoặc chuyển không đầy đủ.

Tương tự, Luật Thi hành án dân sự quy định khi người phải thi hành án chuyển trại giam, được miễn giảm án, miễn chấp hành hình phạt hoặc đã chết thì giám thị trại giam phải có văn bản thông báo cho cơ quan thi hành án biết. Trên thực tế quy định này hầu như không được thực hiện nên khi cơ quan thi hành án cần liên hệ với người được thi hành án thì rất khó khăn.

Theo nhiều chấp hành viên, còn một thực tế là khi giải quyết án, vì thiếu kho bãi nên cơ quan chức năng phải thuê người trông coi, bảo quản tang, tài vật. Gặp trường hợp vụ án bị kéo dài, đến khi chuyển giao sang cơ quan thi hành án sung công thì tài sản đã hư hỏng, mục nát, mất giá trị sử dụng. Khi phát mãi, số tiền thu được không đủ trả thù lao cho người trông giữ, lúc đó cơ quan thi hành án lại phải lấy tiền từ ngân sách để chi trả…

Sửa cho hợp lý

Tôi thừa nhận rằng có những bản án rất éo le, khi tòa tuyên trả một số tang, tài vật có giá trị rất nhỏ, người nhận thì ở xa hoặc đang phải thụ án nên gây khó cho cơ quan thi hành án, tốn kém cho ngân sách. Nhiều lúc chấp nhận tốn công, tốn sức thì lại không thể thi hành được vì nhiều lý do khách quan khác. Tất cả những thực tế này là nguyên nhân dẫn đến hàng ngàn vụ thi hành án tồn đọng mỗi năm và kéo dài dai dẳng.

Tuy nhiên, về nguyên tắc bản án tuyên như thế nào thì cơ quan thi hành án vẫn phải thi hành. Đó cũng là cái khó trong hoạt động nghiệp vụ của chúng tôi. Rất mong các cơ quan có thẩm quyền cũng nhìn nhận ra để sửa đổi quy định cho hợp lý nhất.

Trước mắt, có thể sửa đổi ngay là đối với những tang, tài vật có giá trị quá nhỏ thì tòa nên cân nhắc tuyên tiêu hủy hết.

Ông NGUYỄN THANH THỦY, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án, Bộ Tư pháp

Cướp giật tang vật

Tháng 1-2010, trong lúc đang bị Công an xã Đức Phú, Mộ Đức (Quảng Ngãi) lấy lời khai tại trụ sở, Trần Đức Duy đã giật số tiền tang vật 1,4 triệu đồng rồi bỏ chạy nhưng bị bắt ngay lập tức. Trước đó, Duy lẻn vào một nhà hàng xóm lấy trộm sợi dây chuyền vàng và 700.000 đồng. Ngoài ra, Duy còn là thủ phạm của nhiều vụ trộm cắp khác.

Biển thủ tang vật

Tháng 7-2009, Công an tỉnh Long An đã tước danh hiệu đối với hai đại úy Nguyễn Trọng Nhân và Nguyễn Văn Đơ, cảnh cáo, buộc xuất ngũ với thiếu úy Lương Xuân Thảo (đều là cán bộ Công an huyện Thủ Thừa).

Trước đó, ba cán bộ này đã phối hợp với Công an huyện Bến Lức bắt Đặng Hoàng Tú khi Tú đang trên đường bỏ trốn sau khi trộm cắp xe máy. Công an khám người Tú có 2,9 triệu đồng và một điện thoại Nokia nhưng khi lập biên bản, ba cán bộ này không hề đề cập đến. Đến khi Tú bị đưa ra xét xử (lãnh hai năm tù), Tú và gia đình đã khiếu kiện...

Trộm tang vật

Tháng 10-2007, Vũ Trọng Việt, nguyên cán bộ Phòng Thi hành án dân sự tỉnh Lai Châu, đã lẻn vào kho vật chứng của cơ quan trộm hơn 8,1 kg thuốc phiện và 2,6 kg heroin. Thiên bất dung gian, hành vi  của Việt đã bị công an phát hiện.  

Tham ô tang vật

Tháng 8-2007, TAND quận Ninh Kiều đã phạt Nguyễn Thu Hà, nguyên thủ quỹ TAND tỉnh Cần Thơ, ba năm tù về tội tham ô tài sản. Từ năm 1996 đến tháng 10-1998, lợi dụng nhiệm vụ, Hà đã đem bán tang vật của một vụ án là một nhẫn vàng, một nhẫn kim cương và một đôi bông tai trị giá hơn 98 triệu đồng…

THANH TÙNG - TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm