NLĐ kiện đòi bồi thường hơn 3 tỉ đồng

Theo hồ sơ, đầu tháng 10-2009, bà H. và Công ty K. ký hợp đồng lao động chính thức với nội dung bà H. làm việc tại chi nhánh Công ty K. ở Hà Nội với chức danh trưởng phòng pháp lý, thời hạn một năm, mức lương gần 53 triệu đồng/tháng. Đến cuối tháng 7-2010, công ty chuyển bà H. qua làm trưởng bộ phận phát triển quỹ đất với mức lương mới hơn 99 triệu đồng/tháng. Bốn tháng sau, công ty họp cổ đông thống nhất giải thể bộ phận này. Hai tháng sau, bà H. nhận được thông báo của công ty đề nghị chuyển bà qua làm nhân viên pháp chế với mức lương mới hơn 9,5 triệu đồng/tháng, nếu không, công ty sẽ thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng với bà H. Bà H. đồng ý chuyển công việc nhưng đề nghị phải giữ mức lương cũ. Tháng 4-2011, công ty ra văn bản chấm dứt hợp đồng lao động với bà H. và thanh toán các khoản theo luật định.

Sau đó, bà H. nộp đơn khởi kiện công ty tại TAND quận Phú Nhuận (nơi công ty đặt trụ sở). Theo bà, công ty lấy lý do giải thể bộ phận quỹ đất để chấm dứt hợp đồng với bà là trái luật nên công ty phải nhận bà trở lại làm việc và bồi thường cho bà các khoản tiền lương trong 25 tháng không làm việc (gần 2,5 tỉ đồng), lương tháng 13 hai năm 2010 và 2011 (khoảng 200 triệu đồng), tiền phép năm (gần 40 triệu đồng), tiền thưởng năm 2010 bốn tháng (gần 400 triệu đồng)...

Công ty K. khẳng định việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp do thay đổi cơ cấu ở đây là đúng luật theo khoản 1 Điều 17 BLLĐ.

Xử sơ thẩm, TAND quận Phú Nhuận nhận định sau tháng 9-2010, hợp đồng lao động của bà H. đã trở thành hợp đồng không xác định thời hạn. Việc thay đổi cơ cấu, giải thể bộ phận của bà H. trong công ty được thực hiện đúng với luật doanh nghiệp. Việc công ty ra văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với bà H. là đúng trình tự, luật định... Từ đó, tòa bác yêu cầu của bà H.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm