Nợ nần khiến bệnh viện lao đao

Người dân đến nộp sổ bảo hiểm y tế và nhận thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Theo ghi nhận, năm 2012 tại TP.HCM có 12 cơ sở y tế vượt trần bảo hiểm y tế tuyến 2 (bệnh nhân nơi khác chuyển đến và bệnh nhân vượt tuyến) hơn 28 tỉ đồng chưa được thanh toán. Năm 2013, tiếp tục có bảy cơ sở y tế vượt trần tuyến 2 hơn 29 tỉ đồng, hiện đang đợi được thanh toán.

Kêu cứu

Đứng đầu danh sách là Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Theo bệnh viện này, bệnh nhân bảo hiểm y tế đến điều trị nội trú tại bệnh viện được Bảo hiểm xã hội TP.HCM thanh toán theo giá trần bình quân là 8,4 triệu đồng/bệnh nhân. Trong khi chi phí bình quân cho một bệnh nhân nội trú ở bệnh viện lại cao hơn nhiều. Điều này làm trần thanh toán của bệnh viện tăng cao: năm 2012 vượt trần hơn 5,8 tỉ đồng, năm 2013 vượt hơn 17,5 tỉ đồng. Số tiền vượt trần hai năm qua gần bằng kinh phí nhà nước cấp cho bệnh viện trong năm 2014 (hơn 27 tỉ đồng).

Một lãnh đạo của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP cho biết bệnh viện bị vượt trần số tiền lớn như vậy là do bệnh nhân bảo hiểm y tế ngày càng đông, mức lương cơ bản nhà nước cũng tăng lên hai lần (vào tháng 5-2012 và tháng 7-2013), điều này khiến số tiền bệnh nhân được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao tăng lên tương ứng. Đơn cử, bệnh nhân đến thay khớp háng toàn phần và khớp háng lưỡng cực theo giá cũ được thanh toán là 33,2 triệu đồng nhưng theo giá mới là 42 triệu đồng, chênh lệch đơn giá là 8,8 triệu đồng. Sau đó, theo mức lương cơ bản tăng lần thứ hai, các loại khớp háng toàn phần, khớp háng lưỡng cực, khớp gối, dụng cụ cột sống từ 33,2 triệu đồng tăng lên 46 triệu đồng. Chênh lệch giữa giá cũ và mới là 12,8 triệu đồng. Thế nhưng trần thanh toán cho bệnh viện không được nâng lên tương ứng theo lương cơ bản tăng. Ngoài ra, bệnh viện còn phải mổ và sử dụng rất nhiều dụng cụ kỹ thuật cao cho bệnh nhân bảo hiểm y tế, nhận điều trị cả những bệnh nhân nặng diện bảo hiểm y tế vượt tuyến đến điều trị.

Trong một văn bản “kêu cứu” mới đây, giám đốc bệnh viện là bác sĩ Trần Thanh Mỹ nói do chưa được thanh toán tiền vượt trần nên bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn như thiếu kinh phí để trả nợ tiền thuốc, vật tư y tế, đó là chưa kể nhiều hoạt động khác của bệnh viện bị đình trệ. Một cán bộ phòng tài chính kế toán của bệnh viện cho biết hiện bệnh viện đang nợ tiền dụng cụ của khoảng 20 công ty, còn nợ tiền thuốc hàng chục tỉ đồng của rất nhiều công ty khác.

Tương tự, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng bị vượt trần tuyến 2 số tiền hơn 7,2 tỉ đồng (năm 2012 và 2013) và đang gặp rất nhiều khó khăn. Nợ nần dẫn đến việc cung cấp thuốc từ các công ty dược không ổn định, làm ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Bệnh viện này đang đề nghị Bảo hiểm xã hội TP thanh toán lại hơn 7,2 tỉ đồng để có tiền thanh toán cho các công ty dược.

Liên bộ mới giải quyết được

Theo một lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, nguyên nhân vượt trần bảo hiểm y tế là do các bệnh viện tại TP.HCM triển khai mới một số khoa, dịch vụ kỹ thuật, liên doanh, liên kết... Số bệnh nhân nặng tăng hơn so với trước, chi phí chênh lệch giữa mức hưởng dịch vụ kỹ thuật cao của năm trước so với lương cơ sở chênh nhau... cũng làm bệnh viện bị vượt trần.

Theo lãnh đạo này, Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã phối hợp với Sở Y tế TP thẩm định khoản vượt trần của các bệnh viện. Về đề nghị xin thu tiền bệnh nhân và để bệnh nhân tự thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội TP cho biết Bảo hiểm xã hội VN đã cử đoàn thẩm định xem xét và phải chờ liên bộ Y tế - Tài chính giải quyết. Bảo hiểm xã hội TP cũng xác nhận một số bệnh viện hiện đang gặp khó khăn do chi phí vượt trần khá cao. “Chúng tôi xin ý kiến Bảo hiểm xã hội VN cho Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tạm ứng 50% kinh phí bảo hiểm y tế để trả nợ tiền thuốc, vật tư tiêu hao cho các công ty nhưng Bảo hiểm xã hội VN chưa có ý kiến về việc này” - vị lãnh đạo này nói.

Theo Bảo hiểm xã hội TP, cơ quan này đã xem xét giải trình về nguyên nhân vượt trần năm 2012 của các bệnh viện và chấp nhận thanh toán số tiền vượt trần hơn 28 tỉ đồng. Riêng số tiền hơn 29 tỉ đồng vượt trần của năm 2013 còn đang thẩm định. Bảo hiểm xã hội TP khẳng định theo quy định hiện hành, tiền vượt trần thuộc thẩm quyền giải quyết của liên bộ Y tế - Tài chính.

Theo LÊ THANH HÀ (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm