Nói cho dân thông sẽ có hẻm thoáng

Quận 3 (TP.HCM) đang thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, trong đó có việc mở rộng các hẻm nhỏ. Vậy bằng cách nào quận 3 thực hiện được chương trình này? Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Tuấn, Bí thư Quận ủy quận 3.

Cán bộ xuống dân khơi dậy nguồn lực

. Phóng viên: Thưa ông, vừa qua người dân tám phường trên địa bàn quận 3 đã sẵn sàng hiến đất mở rộng 34 tuyến hẻm, ông đánh giá sao về việc này?

+ Ông Trần Trọng Tuấn: Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc người dân sẵn lòng cùng chính quyền tham gia cải tạo, chỉnh trang đô thị bằng cách hiến đất mở hẻm là nghĩa cử rất cao đẹp. Cũng xin nói rõ, chủ trương mở rộng hẻm không phải mới mà phường 3, quận 3 đã làm từ 10 năm trước. Đây cũng không phải ý tưởng riêng của quận 3 mà được chúng tôi học tập từ quận Phú Nhuận.

Đảng bộ và chính quyền quận 3 coi người dân là chủ thể trong việc cải tạo, chỉnh trang đô thị, cùng chính quyền hướng tới đích nâng cao chất lượng sống của từng người, từng hộ gia đình, khu phố…

Ông Trần Trọng Tuấn, Bí thư Quận ủy quận 3, nói: "Đảng bộ và chính quyền quận 3 coi người dân là chủ thể trong việc cải tạo, chỉnh trang đô thị". Ảnh: VIỆT HOA

. Nhà, đất của quận 3 hiện có giá trị rất cao, mỗi mét vuông đất trong hẻm có khi cũng lên đến cả trăm triệu đồng. Làm cách nào để quận 3 có thể vận động được hàng ngàn hộ dân hiến hàng ngàn mét vuông đất để mở rộng hẻm?

+ Quận 3 xác định trước khi mở rộng mỗi con hẻm thì phải chuẩn bị kỹ công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân. Làm sao để người dân nhìn thấy lợi ích to lớn cho chính mình, gia đình mình của việc mở rộng hẻm. Từ đó từng người dân, gia đình thấy được sau mở rộng hẻm thì chất lượng cuộc sống của mình, cộng đồng được nâng cao…

. Vậy cách làm cụ thể, thực tế như thế nào để dân nghe, dân tin, dân tự hiến nhà, hiến đất?

+ Sau khi khảo sát tổng thể, quận sẽ chọn, thực hiện mở rộng trước các hẻm có nhu cầu bức bách và có tính khả thi nhất. Chẳng hạn đó là các hẻm dưới 3,5 m, hệ thống dây điện, dây cáp chằng chịt, hệ thống thoát nước đã xuống cấp gây ngập khi mưa hoặc triều cường, việc lưu thông của người dân gặp nhiều bất tiện. Hoặc khi hữu sự như cấp cứu hoặc cháy nổ, rất khó để xử lý và hậu quả để lại cũng rất nghiêm trọng… Đây chính là các hẻm chính quyền rất muốn mở rộng mà lòng dân cũng rất mong mỏi... Sau khi chọn xong hẻm thì lập dự án, xác định quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư và thống nhất kế hoạch trong đảng ủy, UBND phường rồi mới triển khai công tác vận động người dân.

Quá trình vận động, cán bộ không phải mời người dân lên phường truyền đạt ý chí từ phía mình mà chính lãnh đạo phường phải xuống tận từng nhà dân, nghe dân nói nguyện vọng, vướng mắc của bà con. Xuống một lần không gặp thì xuống nhiều lần, xuống một lần dân chưa đồng thuận thì phải tiếp tục xuống nhiều lần, kể cả ngoài giờ, thứ Bảy, Chủ nhật… cho đến lúc nào dân thông mới thôi.

Khi dân thông rồi, bước sang khâu tổ chức thực hiện thì thay vì lẳng lặng làm, quận 3 đã tổ chức thành ngày hội hiến đất mở rộng hẻm để cổ vũ tinh thần người dân khi chịu một phần thiệt thòi của gia đình mình để đem lại lợi ích cộng đồng. Ngày hội sẽ tạo được dư luận xã hội, tạo sự lan tỏa để tiếp tục thực hiện các tuyến hẻm tiếp theo. Cũng có trường hợp như 59 hộ dân tại hẻm 359 Lê Văn Sỹ, chỉ còn ba hộ chưa đồng thuận nhưng quận vẫn quyết định khởi công. Khi có tới 90% hộ dân ủng hộ, tháo dỡ tường rào hoặc một phần nhà, đất thì đã tạo hiệu ứng lan tỏa, đồng thuận tới các hộ còn lại.

Người dân tại hẻm 359 Lê Văn Sỹ đang dời vị trí cổng nhà mình vào trong để nhường một phần đất mở rộng hẻm. Ảnh: VIỆT HOA

Hẻm rộng, giá nhà lên cao

. Yếu tố quan trọng nhất để người dân đồng thuận theo ông là gì?

+ Đó chính là bài toán về lợi ích. Làm sao để giải quyết hài hòa lợi ích giữa người dân - xã hội - Nhà nước. Sẽ rất khó thuyết phục bà con nếu chỉ thấy có lợi ích từ một phía. Cán bộ phải chứng minh để người dân thấy hẻm đang từ 1,5 m với đủ thứ bất tiện, khi mở rộng ra 5-6 m sẽ thoáng hơn, đi lại thuận tiện hơn, buôn bán kinh doanh cũng tốt hơn. Bên cạnh đó, không gian của hẻm cũng được cải thiện như thay vì dây điện, dây cáp chằng chịt trên cao sẽ được ngầm hóa toàn bộ. Hệ thống thoát nước được cải tạo, mặt đường được nâng cấp. Có những yếu tố này thì giá trị nhà, đất của người dân trong hẻm cũng sẽ tăng cao. Thực tế có những hẻm khi chưa mở rộng thì mỗi mét vuông giá khoảng 50-60 triệu đồng nhưng sau khi mở rộng thì giá tăng gấp đôi, gấp ba...

Khi dân hiến một phần đất, quận hỗ trợ kinh phí để sửa lại nhà cửa do ảnh hưởng của việc hiến đất mở rộng hẻm. Kinh phí để đầu tư hệ thống thoát nước, cải tạo mặt đường, ngầm hóa dây điện, dây cáp viễn thông… là do quận bỏ ra. Vừa qua quận 3 đã thực hiện thành công việc mở 21 hẻm theo cách này.

1.172 là số hộ dân sẵn sàng giao gần 9.400 m2 đất để quận 3 mở rộng 34 hẻm từ trung bình 1,5 m lên 5-6 m; giá trị nhà, đất trên ước tính 450 tỉ đồng. 

Thực tế khi thực hiện hẻm này, dân hẻm khác cũng thắc mắc sao chưa đến hẻm mình. Đọc các phản hồi trên trang web của quận, nhiều người dân ở các hẻm khác cũng mong muốn sớm mở rộng hẻm, hoặc người dân cũng nhắn tin cho lãnh đạo quận đề nghị mở rộng hẻm nơi mình đang ở. Tôi cho rằng đây chính là sự lan tỏa rất lớn cho việc mở rộng hẻm, chỉnh trang đô thị trên địa bàn quận 3.

. Quận 3 còn rất nhiều con hẻm nhỏ khác cần được mở rộng, chỉnh trang để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Kế hoạch tới đây của quận là gì?

+ Hiện quận đang rà soát và chia thành ba loại hẻm: Đối với các loại hẻm nhỏ, hẻm cụt thì giao các phường vận động để người dân tự mở rộng. Loại thứ hai là hẻm nhỏ thì phường đứng ra cùng người dân làm, kinh phí sẽ một phần của phường, một phần người dân đóng góp. Thứ ba là các hẻm liên phường, giáp ranh giữa các phường, có đặc điểm như 34 tuyến hẻm nêu trên thì phải lập dự án, vận động người dân hiến đất và đầu tư bằng nguồn ngân sách quận.

. Thưa ông, quận 3 có cách nào để các hẻm được mở nhanh, đồng bộ…?

+ Quận 3 sẽ sớm ban hành quy chế tổ chức thực hiện chương trình hiến đất mở rộng hẻm. Nếu không có quy chế thì sẽ không phân định trách nhiệm rõ ràng giữa các đơn vị có liên quan, dẫn đến nơi làm nhanh, nơi làm chậm. Quy chế sẽ xác định nội dung công việc của từng giai đoạn, kể cả sau khi khởi công xong, phường làm gì, chủ đầu tư làm gì, dân làm gì và công khai để người dân biết. Sau khi mở rộng rồi cũng phải kiên trì để người dân tiếp tục thực hiện tuyến hẻm văn minh, sạch đẹp.

. Xin cám ơn ông.

Dân chờ đã lâu, nay sẵn sàng hiến đất

Bà Nghiêm Thị Kim Liên, 359/21 Lê Văn Sỹ, cho biết hẻm 359 hiện nay chỉ có 2 m, rất chật chội, đi lại rất khó khăn. Ngay cả việc quay đầu xe cũng khó nữa nên người dân mong mở rộng hẻm từ lâu lắm rồi. Khoảng 10 năm trước, phường cũng có vận động một lần và lúc đó bà Liên đã đồng ý nhưng còn hơn một nửa hộ dân không đồng thuận nên phải tạm ngưng. “Nay thấy phường làm lại, tôi tham gia liền. Nhà tôi mất khoảng 4 m nhưng đối với tôi việc đó cũng không quan trọng bằng con hẻm được mở rộng và thông thoáng” - bà Liên nói. Còn ông Nguyễn Văn Long, 359/13 Lê Văn Sỹ, cho biết hẻm mở rộng, đi lại dễ dàng, thông thoáng, sạch đẹp thì chính nhà, đất của mình cũng có giá trị hơn nhiều lần. “Quan trọng nhất, khi hẻm được mở rộng thì đi lại sẽ an toàn hơn, lỡ xảy ra cháy nổ hay nhà có người già đau yếu, xe vô cũng thuận tiện hơn nhiều” - ông Long nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm