Nước rỉ rác đe dọa môi trường Đồng Nai

Khoảng cách giữa các hồ nước rỉ rác đen ngòm với hồ nước sạch dẫn ra sông chỉ là một bờ bao bằng đất mỏng. Mưa lớn, nước rác tràn bờ là khó tránh khỏi. Đó là cảnh tượng đang hiện hữu tại bãi rác Đồng Mu Rùa (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), một trong hàng chục bãi rác tạm ở Đồng Nai đang để lại những mối lo lớn cho môi trường.

Nước đen ngòm, chực tràn ra sông

Sau những cơn mưa cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2016, người nuôi tôm, nuôi cá ở sông Thị Vải (đoạn giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu) đứng ngồi không yên vì nguy cơ ô nhiễm nguồn nước từ bãi rác Đồng Mu Rùa càng ngày thấy rõ. “Nuôi tôm quan trọng nhất là nguồn nước. Nếu nước rác tràn ra sông, mình không theo dõi, bơm vào ao thì tôm chỉ có chết” - một người nuôi tôm lo lắng chỉ vào những hồ nước đen ngòm ở bãi rác Đồng Mu Rùa.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại bãi rác này, nước rỉ rác màu đen sẫm hoặc tím than thấm ra đọng thành nhiều vũng lớn và khả năng nước rỉ rác này chứa nguồn ô nhiễm cao độ. Bởi vì dù đây là bãi chứa rác sinh hoạt tạm nhưng trong quá trình hoạt động có tiếp nhận cả rác công nghiệp lẫn chất thải nguy hại (qua bài viết “Tiền doanh nghiệp bỏ túi, rác Nhà nước lo” đã được Pháp Luật TP.HCMphản ánh).

Sau khi báo phản ánh, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phía Nam (Bộ Công an) đã bắt quả tang xe chở chất thải công nghiệp về đổ trái phép ở bãi rác này. Tiếp đến, tỉnh Đồng Nai yêu cầu đóng bãi và thu gom rác tại đây đưa về Khu xử lý chất thải rắn Bàu Cạn (huyện Long Thành) để chôn lấp hợp vệ sinh. Tại thời điểm đóng bãi, lượng rác chôn lấp ở bãi Đồng Mu Rùa ước tính khoảng 34.000 tấn. Tuy nhiên, việc thu gom rác ở bãi Đồng Mu Rùa đưa về khu Bàu Cạn chỉ diễn ra một thời gian rồi dừng và hiện ở đây vẫn còn một khối lượng rác rất lớn. Và lượng nước rỉ rác từ đó cũng phát tán ra môi trường, nhất là khi bị nước mưa lộn lẫn.

Nước rỉ rác đen ngòm ở bãi rác Đồng Mu Rùa chực chờ tràn ra môi trường. Ảnh: TR.THANH

Nguy cơ từ 47 bãi rác “không đáy”

Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai này cho biết trước năm 2011, toàn tỉnh có 47 bãi rác tạm. Các địa phương có nhiều bãi rác tạm gồm huyện Long Khánh (khoảng 60.000 tấn), huyện Thống Nhất (55.000 tấn), huyện Long Thành (40.000 tấn)… Các bãi rác này đều chôn lấp tạm bợ, không đảm bảo vệ sinh, nguy hiểm nhất là không có lót đáy chống nước rỉ rác thẩm thấu xuống đất.

Một cán bộ Sở TN&MT cho biết năm 2013 tỉnh đã có chủ trương đóng cửa các bãi rác tạm để thu gom đưa đến các bãi rác mới xây dựng để chôn lấp hợp vệ sinh, song chỉ thị xã Long Khánh là có điều kiện tương đối thuận lợi vì được xử lý tại chỗ. Còn lại, rác từ các bãi rác tạm khác phải đưa đi nơi khác xử lý với chi phí khá cao. “Nếu sử dụng đơn giá chôn lấp hợp vệ sinh tạm tính là 520.000 đồng/tấn (như bãi Kim Liên Sơn ở Long Khánh) thì chi phí xử lý rác ở các bãi rác tạm đã hơn 117 tỉ đồng” - vị này ước tính.

Mới đây, trả lời PV Pháp Luật TP.HCM, Sở TN&MT cho biết phần lớn lượng rác ở các bãi rác tạm ở tỉnh đã được thu gom, xử lý. Nhưng Sở TN&MT không đề cập đến việc xử lý nước rỉ rác phát sinh từ các bãi rác này ra sao.

Theo một lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ TN&MT, đối với các bãi chôn lấp rác tạm, ô nhiễm từ nước rỉ rác là vấn đề nghiêm trọng cần phải được xử lý triệt để. Nếu không, khi nước rỉ rác thẩm thấu xuống đất, hòa vào nước ngầm thì vô phương khắc phục.

Theo vị lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm, để ngăn nước rỉ rác thẩm thấu ra môi trường, đầu tiên phải thu gom hết rác chôn lấp tạm bợ đưa đi chôn lấp hợp vệ sinh. Với những bãi lâu năm, nước rỉ rác đã thấm ra môi trường thì phải huy động kinh phí để xử lý. Để hạn chế chi phí, không cần phải xây dựng trạm xử lý nước rỉ rác tại chỗ mà có thể thu gom đưa đi nơi khác xử lý.

Nước rỉ rác nhiều chất độc hại

Nước rỉ rác ở các bãi rác tạm là vấn đề quan trọng, cần phải ưu tiên xử lý. Bởi vì ở các bãi rác tạm, do không được kiểm soát nên họ chôn đủ loại rác có cả rác công nghiệp lẫn nguy hại. Do đó nước rỉ rác sẽ có nhiều chất độc hại có thể gây ung thư như kim loại nặng, thủy ngân, amoni…

Những chất này có nguy cơ thẩm thấu gây ô nhiễm cả nguồn nước ngầm nên rất nguy hiểm.

GS-TS LÊ HUY BÁ, chuyên gia về môi trường

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm