Ô tô điện không dễ ra phố

“Thí điểm sử dụng ô tô điện trên một số tuyến đường khu vực trung tâm” là chủ trương vừa được UBND TP.HCM đưa ra. Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đây là vấn đề mới với hàng loạt vướng mắc không dễ gỡ trong thời gian ngắn.

Chưa có chuẩn lưu thông

Theo Luật Giao thông đường bộ, ô tô điện không phải là loại phương tiện được lưu thông trên đường bộ. Đến nay Việt Nam cũng chưa có tiêu chuẩn về sản xuất, lắp ráp và quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và môi trường đối với phương tiện này.

Ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho hay ô tô điện chỉ được phép chạy trong phạm vi hẹp như công viên, nhà máy. Các nước cũng không cho phép ô tô điện chạy ngoài đường công cộng. Cục Đăng kiểm không có chủ trương và cũng không xây dựng tiêu chuẩn cho loại xe này.

“Qua kiểm tra các ô tô điện nhập khẩu cho thấy vết thắng phải kéo dài tới trên 10 m thì xe mới dừng hẳn, trong khi ô tô cùng số chỗ chỉ 2-3 m. Độ chiếu sáng của đèn pha ô tô điện cũng chỉ bằng một nửa xe ô tô... Đó là lý do vì sao các nước không cho loại xe này lưu thông trên đường bộ” - ông Giao nói.

Ô tô điện không dễ ra phố ảnh 1

Tại TP.HCM, hiện ô tô điện chỉ lưu thông trong các bến xe, công viên, khu du lịch. Trong ảnh: Ô tô điện chạy trong khuôn viên Bến xe Miền Đông. Ảnh: L.ĐỨC

Không thể “thí điểm” mãi

Theo ông Dương Hồng Thanh, quan điểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam là khá cứng. Nhiều năm qua ô tô điện vẫn được một số tỉnh, thành cho chạy trên đường bộ nhưng phải mang nhãn “thí điểm”. Đến nay việc thí điểm đã kéo dài, do vậy Cục Đăng kiểm cần ngồi lại với các địa phương để xây dựng những quy định về kỹ thuật, môi trường cho phù hợp để loại xe ô tô này lưu thông đúng pháp luật.

Cũng theo ông Thanh, thực ra xe điện chủ yếu dùng để đưa đón du khách thay thế cho xích lô, vốn đã bị cấm chạy ở các khu trung tâm, phố du lịch. Tốc độ của ô tô điện rất thấp, chỉ 20 km/giờ, ở nhiều nơi có khi chỉ chạy được 10-15 km/giờ. Với tốc độ như thế thì đặt ra những lo ngại về an toàn khi lưu thông là hơi quá.

“Cục cứ nói loại xe này chưa có tiêu chuẩn để kiểm tra về an toàn môi trường, kỹ thuật mãi sao được? Vì về môi trường, loại xe này chạy bằng bình điện, có phát ra khí thải đâu mà phải kiểm. Còn về an toàn kỹ thuật thì đúng là độ vững kết cấu khung gầm của loại xe này khá yếu. Nếu vậy thì cục cứ đưa ra tiêu chuẩn cụ thể đi để các nhà sản xuất và sử dụng tuân theo”- ông Thanh nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Toản, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), đề nghị: “TP đã giao Samco nghiên cứu, tiếp cận công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô điện... Nhưng đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có các tiêu chuẩn về sản xuất, lắp ráp loại xe này, nhất là với các xe sẽ đem ra chạy trên đường bộ. Vì thế, Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm phải sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường để các nhà sản xuất có cơ sở thực hiện”.

Đà Nẵng: Cấp biển số tạm cho ô tô điện

Từ tháng 3-2012, Đà Nẵng đưa 15 ô tô điện vào vận chuyển du khách trên một số tuyến đường du lịch nhất định như Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa, Trường Sa. Các xe này được Công an TP cấp biển số tạm thời. Do ô tô điện chưa được đăng kiểm nên sáu tháng/lần Sở GTVT phải cử người xuống kiểm tra hệ thống thắng và lốp. Từ khi hoạt động đến nay, ô tô điện chưa gây ra sự cố giao thông nào. Lực lượng CSGT và thanh tra giao thông vẫn thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm của ô tô điện như chở quá tải, đậu đỗ sai quy định, chạy sai lịch trình…

“Bộ GTVT nên sớm có các quy định rõ ràng về hoạt động của loại xe này. Cùng đó đề ra một số tiêu chí để kiểm định ô tô điện, tiến tới cho đăng ký cấp biển số” - Sở GTVT Đà Nẵng kiến nghị.

TẤN TÀI

Hà Nội: Ô tô điện được người dân ưa thích

Theo ông Nguyễn Công Anh, Giám đốc Trung tâm Xe điện, Công ty Cổ phần Đồng Xuân, đến nay ô tô điện Hà Nội đã hoạt động thí điểm được gần ba năm (từ tháng 7-2010). Hiện công ty có 30 xe, mỗi xe chở khoảng 1.500 khách/ngày, chạy qua 28 tuyến phố và xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Từ khi hoạt động đến nay, ô tô điện chưa gây ra một vụ TNGT nào.

Ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết: Ô tô điện được người dân phố cổ và du khách khá ưa thích bởi thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn. Trong tháng 7, quận sẽ tổng kết việc thí điểm xe điện, từ đó đề xuất với TP có quyết định chính thức về việc nhân rộng loại xe này.

TRỌNG PHÚ

Luật Giao thông đường bộ đã quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, thành trong việc tổ chức, quản lý giao thông đường bộ trong phạm vi quản lý. Vì vậy, các tỉnh, thành muốn cho xe điện hoạt động trên đường công cộng thì phải tự chịu trách nhiệm!

ÔngTRỊNH NGỌC GIAO, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam

Hiện Sở GTVT đang nghiên cứu hai dạng ô tô điện: dạng theo lộ trình và dạng theo nhu cầu. Dạng thứ nhất sẽ quy định các điểm dừng, đậu đón khách, lộ trình di chuyển để các lực lượng chức năng theo dõi, kiểm soát. Dạng thứ hai là đưa đón theo nhu cầu của các đoàn khách với thời gian và điểm đi - đến tùy chọn.

Ông DƯƠNG HỒNG THANH,  Phó Giám đốc Sở GTVT

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm