Phá rừng phòng hộ trồng cao su

Việc tỉnh Tây Ninh loại khỏi quy hoạch 365 ha trong số 29.000 ha rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng để chuẩn bị giao tiếp cho nhà máy xi măng Fico đã gây bức xúc trong dư luận (Pháp Luật TP.HCM đã có bài phản ánh). Mới đây chúng tôi lại phát hiện khu rừng phòng hộ đang bị xà xẻo nghiêm trọng.

Lớp lớp cao su giữa lõi rừng phòng hộ

Giữa tháng 10, nắng vùng biên gay gắt, chúng tôi lần theo những vết xe máy cày (dùng để chở nông sản, phân bón...) vào sâu trong cánh rừng phòng hộ hơn 29.000 ha.

Vượt qua hơn 2 km san sát cây rừng, thảm thực vật dày chúng tôi gặp ngay khu đất trống khoảng 30 ha trồng cao su xen mì. Lội bộ hơn 2 km qua cái rẫy này, chúng tôi lại xuyên qua một khoảnh rừng mỏng hơn 1 ha lại gặp một vườn cao su chủ nhân đã lắp chén để hứng mủ. Kế đám cao su rộng hơn 10 ha này là một rẫy mì nằm cạnh tán rừng.

Anh Đ. - người dẫn đường liên tục hối chúng tôi phải tranh thủ buổi trưa đi các khoảnh rừng khác, nếu đi buổi chiều sẽ bị chủ rẫy phát hiện. Tuy nhiên, trong nhiều ngày đi các khoảnh rừng chúng tôi không gặp được chủ rẫy mà thỉnh thoảng gặp vài xe máy cày chở phân vào rẫy. Một người lái máy cày cho biết chỉ làm thuê cho người khác, chúng tôi ngỏ ý muốn mua rẫy nhưng thanh niên này tỏ vẻ nghi ngờ rồi bỏ đi.

Đi tiếp vào cánh rừng gần Nhà máy xi măng Fico, nhiều cây rừng bị chặt, đốt cháy nham nhở. Gần đó, một rẫy mì khoảng 5 ha hiện ra. Khu rừng trống hoác, những cây cổ thụ còn sót lại trơ trọi, sắp chết khô vì gốc bị gọt gần hết vỏ. Có cây nằm chỏng chơ phơi nắng hay bị đốt cháy rụi.

Phá rừng phòng hộ trồng cao su ảnh 1

Trong lõi rừng phòng hộ, mì và cao su “vô chủ” mọc xanh tốt. Ảnh: NĐ

Phá rừng phòng hộ trồng cao su ảnh 2

Cây rừng bị hạ để lấy đất làm rẫy. Ảnh: NĐ

Ông L., một người tìm thuốc Nam cho biết: Những rẫy mì này không phải ai vào trồng cũng được. Thỉnh thoảng tôi thấy có ô tô chạy vào khu rẫy rồi chạy ra. Họ ngồi trong xe nên tôi chẳng biết là ai. Người dân nhận khoán trồng rừng và bảo vệ rừng chỉ dám trồng xen mì dưới tán rừng trồng chứ chẳng ai dám xộc vô lõi rừng hạ cây trồng mì, cao su đâu.

Đi sâu vào các khoảnh rừng, nhiều rẫy cao su, mì liên tiếp hiện ra. Mất nhiều ngày nhưng chúng tôi không thể biết ai là chủ nhân của những rẫy mì, cao su bí ẩn này. Hỏi người dân địa phương, họ cho hay: Làm rẫy trong lõi rừng thì phải là người rành địa bàn và phải được “che chở” mới không bị phát hiện, xử lý.

“Sẽ cho kiểm tra”

Trao đổi với chúng tôi về những vườn cao su, mì trong lõi rừng, ông Lê Minh Thuần, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh), cho biết: Tại BQL rừng có nhiều hộ dân nhận khoán trồng rừng, bảo vệ rừng và họ được trồng xen mì dưới tán cây trồng. Tuy nhiên, có hộ dân tìm cách tỉa thưa rừng, phá rừng để trồng mì, cao su. Việc này BQL rừng cũng đã phát hiện nhiều trường hợp và báo cáo Chi cục Kiểm lâm tỉnh để trình UBND tỉnh xử phạt hành chính. “Về việc báo phản ánh có nhiều diện tích trong lõi rừng phòng hộ, BQL rừng sẽ kiểm tra các khoảnh rừng xem đó có phải là khu rừng dân được giao để trồng rừng nhưng trồng sai mục đích. Cũng không có chuyện cán bộ làm rẫy trong lõi rừng đâu, có thể các hộ trồng rừng đã lén trồng trong khu đất trống. Chúng tôi sẽ kiểm tra để xử lý ngay. Những vụ vi phạm trong việc trồng rừng và phá rừng đã bị tỉnh xử phạt nặng rồi”.

Theo thống kê của BQL khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, trong bốn tháng qua có 25 hộ dân hợp đồng trồng rừng đã chặt cành, tỉa nhánh cây rừng để trồng xen hoa màu sai quy định với diện tích hơn 126 ha bị phát hiện, xử phạt.

Địa bàn rộng nên không phát hiện

Chúng tôi đã trao đổi với ông Tạ Văn Đáo, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, việc rừng phòng hộ lại bị ai đó trồng cao su nhưng không bị phát hiện.

. Người dân cho rằng nhiều cán bộ nhận khoán đất rừng phòng hộ để trồng rừng nhưng thực ra họ chỉ trồng mì và cao su?

+ Chỉ có một số cán bộ thôi. Trước đây họ có vi phạm, trồng rừng không đúng quy định nhưng đã được phát hiện, xử lý. Đặc thù ở rừng phòng hộ này là trồng theo băng, khoảng cách 25 m có xen cây rừng nên cây rừng lẩn khuất trong rẫy.

. Nhưng nhiều rẫy mì, cao su lọt thỏm trong lõi rừng mà không thấy bất kỳ cây rừng nào, có nhiều cây rừng bị chặt và đốt, thưa ông?

+ Nếu vậy thì người trồng rừng đã vi phạm. Sở sẽ chỉ đạo kiểm tra xử lý ngay.

. Vậy theo ông không còn cán bộ nào trồng rừng sai quy định nữa?

+ Hiện chưa phát hiện trường hợp nào. Hầu hết là giao khoán cho dân, cán bộ chỉ là số ít. Tôi chưa nghe và chưa nhận được báo cáo có cán bộ phá rừng trồng mì và cao su trong lõi rừng. Gần đây, BQL rừng có báo cáo về hai cán bộ nhận trồng rừng nhưng trồng không đúng quy định.

. Họ đã trồng lại rừng chưa, thưa ông?

+ Hai cán bộ trồng rừng sai đã nghiêm túc trồng lại rừng rồi. Nếu họ vi phạm tiếp, sẽ xử lý theo quy định. Riêng việc trồng cao su, mì trong lõi rừng, Sở sẽ cho kiểm tra và kiên quyết xử phạt, thu hồi đất. Sở sẽ làm rõ trách nhiệm của BQL rừng... nhưng cũng nên thông cảm cho anh em vì diện tích quản lý rộng (hơn 29.000 ha), có sơ sót.

NGUYỄN ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm