“Phải biết xấu hổ vì chậm, hủy chuyến bay”

Theo ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, sáu tháng đầu năm tỉ lệ các chuyến bay bị chậm là 20,9%, hủy chuyến là 3,2%, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2013. Những hãng để xảy ra chậm chuyến nhiều là Jetstar Pacific (43%), VietJet (42%) và Vietnam Airlines là 12%. “Đây là một tỉ lệ rất cao khiến hành khách không hài lòng. Cộng vào đó, thái độ, văn hóa ứng xử phục vụ hành khách sau khi chuyến bay bị chậm, hủy chưa chu đáo khiến hành khách càng bức xúc thêm” - ông Thanh nhận xét.

90% do lỗi của ngành hàng không

Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc chậm, hủy chuyến bay, ông Thanh cho rằng 90% là do lỗi của ngành hàng không, còn lại một phần do thời tiết và các yếu tố khách quan khác.

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines lại nói: Việc chậm, hủy chuyến bay tăng trong thời gian vừa qua do thời tiết, chim va đập và công tác điều hành. Ông Lưu Đức Khánh - Giám đốc điều hành VietJet cũng nhìn nhận để xảy ra chậm, hủy chuyến xuất phát từ các yếu tố hạ tầng, nhà ga, cất cánh. Còn nguyên nhân từ hãng chủ yếu là kỹ thuật và tỉ lệ không nhiều. “VietJet không có chuyện chậm, hủy chuyến vì dồn chuyến, dồn khách. Bởi tỉ lệ hành khách đi lại đúng giờ của hãng luôn rất đông” - ông Khánh nói.

Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Nếu Cục Hàng không chưa thay đổi tư duy thì khó giải quyết được tình trạng chậm, hủy chuyến bay”. Ảnh: THÀNH VĂN

Không hài lòng với giải thích của các hãng, ông Thăng chỉ thẳng: “Vì dồn khách nên máy bay mới đầy khách như thế”. “Nguyên nhân chính dẫn đến hủy chuyến, chậm chuyến tăng là do dồn khách để tăng doanh thu. Các ông ít khách nên các ông chờ khách, dồn khách rồi nói dối do thời tiết, kỹ thuật. Giống như xe buýt, xe khách, ông ít khách nên ông lòng vòng bắt khách. Máy bay không lòng vòng được vì không đi được nên ông đỗ ở sân bay chờ khách, dồn khách” - ông Thăng nói.

Theo ông Thăng, đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng và bản thân ông phải liên tục xin lỗi hành khách vì máy bay chậm chuyến, hủy chuyến. “Chúng ta phải biết xấu hổ vì chậm, hủy chuyến nhiều đến như vậy. Đó là thái độ coi thường, thiếu tôn trọng hành khách. Chúng ta vẫn nói khách hàng là thượng đế thế mà cứ bắt thượng đế lang thang ở sân bay vì chậm chuyến, hủy chuyến” - ông Thăng lưu ý.

Không để hòa cả làng

“Nếu Cục Hàng không chưa thay đổi tư duy thì khó giải quyết được tình trạng này. Chậm, hủy chuyến như thế mà các ông vẫn vui vẻ thì còn lâu mới thay đổi được”. Từ ý này, ông Thăng đề nghị Cục Hàng không, Vụ Vận tải và các đơn vị có liên quan kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của mình khi để xảy ra tình trạng trên. Ông Thăng cũng đề nghị các cơ quan quản lý xây dựng các biện pháp chế tài thích đáng để xử phạt các hãng hàng không để xảy ra tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến.

Đối với các hãng hàng không, ông Thăng yêu cầu đặt lợi ích, niềm tin của khách hàng lên trên hết. “Các anh dồn khách, dồn chuyến thì có thể được một chuyến bay đông khách nhưng sau đó các anh sẽ bị mất hết niềm tin từ khách hàng. Do đó, cần phải thấy rằng để xảy ra tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến là nỗi xấu hổ và không được để xảy ra tình trạng này nữa” - ông Thăng quả quyết.

Trước sự quyết liệt của Bộ trưởng Thăng, VietJet cam kết trong tháng 8 sẽ giảm ngay một nửa chuyến bay bị chậm và đến tháng 9 sẽ đạt được tỉ lệ 95% chuyến bay đúng giờ. Tương tự, Jetstar Pacific cũng cam kết đến tháng 11 sẽ đạt được tỉ lệ 85% chuyến bay đúng giờ.

THÀNH VĂN

Kỷ luật chín người vì bay Đà Lạt lại đến Cam Ranh

Ngày 11-7, Cục Hàng không Việt Nam đã có kết luận chính thức về sự cố máy bay của VietJet chở hành khách đi Đà Lạt nhưng lại đến “nhầm” sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) vào ngày 19- 6. Theo đó, Cục Hàng không kết luận nguyên nhân do VietJet JC vi phạm quy trình thực hiện thủ tục nộp kế hoạch bay không lưu; không thực hiện việc thông báo thông tin thay đổi kế hoạch khai thác cho tổ lái… Tổ bay của chuyến bay VJ8575 vi phạm quy trình chuẩn bị chuyến bay theo quy định… Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước về hàng không cũng có nhiều khiếm khuyết, vi phạm về thủ tục chấp thuận và triển khai kế hoạch bay không lưu…

Cục Hàng không quyết định xử lý đối với chín người, trong đó đình chỉ giấy phép của cơ trưởng Pavel Ondrej, cơ phó Amin Hassiri, tiếp viên trưởng Phan Thị Hương Trang, giám đốc Trung tâm điều hành bay và các cán bộ, nhân viên của cơ sở thủ tục bay Nội Bài, kiểm soát viên không lưu… Đồng thời, chuyển Thanh tra Hàng không thực hiện các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Cục Hàng không cũng tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan về công tác giám sát việc lập và triển khai kế hoạch bay tại cảng hàng không, sân bay, việc thanh tra bay đối với hãng hàng không…

Hoãn chuyến bay đến hai ngày

Ngày 25-6, nhiều hành khách của chuyến bay từ TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đi TP.HCM lúc 11 giờ 50 của hãng Jetstar Pacific Airlines đã khốn khổ vì chuyến bay bị hoãn hơn 7 giờ (đến 19 giờ 10 mới bay) do trục trặc kỹ thuật. Điều bức xúc là trong bảy giờ hoãn bay, hành khách phải vạ vật tại cảng hàng không Buôn Ma Thuột nhưng không có một sự phục vụ nào từ nhân viên của hãng.

Tối 9-2, 180 hành khách của chuyến bay VJ8635 từ sân bay Vinh vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) hết sức bức xúc sau khi nhận được thông báo từ hãng VietJet Air rằng chuyến bay không thực hiện được do thời tiết xấu. Theo đó, hành khách tự trở về nhà hoặc thuê khách sạn ở và sẽ được chuyển sang chuyến bay VJ9635 trong ngày hôm sau.

Ngày 17-2, chuyến bay mang nhãn hiệu số VJ8882 Đà Nẵng - Hà Nội dự kiến khởi hành lúc 18 giờ 20 nhưng sau nhiều lần trì hoãn và cuối cùng đã bị hoãn sang đến 9 giờ 35 ngày 19-2-2014.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm