THỨ TRƯỞNG BỘ GTVT NGUYỄN HỒNG TRƯỜNG:

“Phải tự giác đóng phí bảo trì đường bộ”

“Phải tự giác đóng phí bảo trì đường bộ” ảnh 1
“Trong các quy định hiện hành về Quỹ Bảo trì đường bộ không có khoản chi để bồi thường cho người dân nếu tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra” - ông Nguyễn Hồng Trường (ảnh), Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết bên lề Hội nghị tổng kết ngành GTVT, ngày 10-1.

. Có nhiều ý kiến thắc mắc: Thu phí bảo trì đường bộ để lấy tiền sửa chữa đường. Nhưng khi đường xuống cấp, không được sửa chữa kịp thời dẫn đến TNGT thì người dân lại không được Quỹ Bảo trì đường bộ bồi thường?

+ Chất lượng đường đúng là một trong các yếu tố gây ra TNGT. Nhưng như chúng ta đã biết, trong số các nguyên nhân dẫn tới TNGT, thứ nhất là từ ý thức người đi đường, thứ hai là do lỗi của người điều khiển phương tiện và thứ ba mới đến chất lượng đường.

Bản chất của Quỹ Bảo trì đường bộ là thu phí từ người tham gia giao thông để phục vụ cho công tác duy tu, sửa chữa đường. Còn TNGT lại liên quan tới vấn đề bảo hiểm. Ở nước ta và các nước trên thế giới cũng vậy, người dân đều phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, khi xảy ra TNGT cơ quan bảo hiểm sẽ chi trả.

“Phải tự giác đóng phí bảo trì đường bộ” ảnh 2

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, dự kiến trong năm 2013 sẽ thu phí được khoảng 50%-70% tổng số xe máy. Ảnh: HTD

. Những ngày qua việc thu phí đối với ô tô khá suôn sẻ. Tới đây, việc giao cho phường, xã thu phí với xe máy liệu có thuận lợi?

+ Hằng năm các phường, xã vẫn thực hiện thu thuế đất và các loại thuế phí khác. Do đó giao cho họ thêm nhiệm vụ thu Quỹ Bảo trì đường bộ là phù hợp vì họ có thể thống kê chính xác số xe máy. Hơn nữa, phí thu được từ xe máy để lại cho địa phương, địa phương phải trực tiếp thu là rõ rồi. Chúng tôi cũng đã tính tới quyền lợi cho các tổ chức thu. Cấp phường sẽ được giữ lại 10%, cấp xã là 20% tổng số phí thu được để động viên, khuyến khích họ thực hiện tốt việc thu phí.

Ngoài ra, người dân cũng nên tự giác chấp hành đóng phí, trên cơ sở có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các hộ dân. Tôi đoán rằng thời gian đầu có thể lúng túng nhưng sau đó mọi việc sẽ thực hiện tốt. Dự kiến trong năm 2013 sẽ thu phí được khoảng 50%-70% tổng số xe máy, các năm tiếp theo tăng dần thêm.

. Nhiều người sống ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng rất kém nhưng vẫn phải đóng phí. Vậy trong bao lâu nữa họ sẽ có một hạ tầng giao thông tốt hơn?

+ Bất kỳ một người dân nào trong cuộc đời sẽ phải đi trên rất nhiều tuyến đường. Cho nên việc đóng phí không chỉ cho bản thân mình sử dụng, mà còn đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chắc chắn không có một giải pháp nào công bằng được cho mọi người. Chúng ta tính tới lợi ích của người dân, đồng thời người dân cũng phải có trách nhiệm trong đóng góp cho quỹ này.

Sau rà soát, nhiều dự án giảm hàng ngàn tỉ đồng vốn đầu tư

Năm 2013 được Bộ GTVT tiếp tục xác định là năm siết chặt kỷ cương, chất lượng, tiến độ thực hiện các công trình giao thông. Để thực hiện mục tiêu trên, tại Hội nghị tổng kết ngày 10-1, Bộ GTVT đề nghị các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm túc một số giải pháp để quản lý giá thành xây dựng ngay từ giai đoạn lập thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, sau khi tiến hành rà soát thì tổng mức đầu tư của một số dự án đã giảm mạnh. Điển hình như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giảm 3.000 tỉ đồng; dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành giảm 8.464 tỉ đồng… Từ kết quả trên, Bộ GTVT yêu cầu năm 2013 cần thực hiện tốt công tác quản lý đấu thầu, xây dựng giá gói thầu hợp lý, phản ánh đúng thực tế chi phí xây dựng. Đặc biệt, phải khắc phục triệt để tình trạng lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm, yếu kém về tài chính dẫn đến công trình, dự án phát sinh chi phí do chậm trễ tiến độ. Những nhà thầu vi phạm về tiến độ, chất lượng công trình phải được xử lý nghiêm.

THÀNH VĂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm