Phải xử lý rốt ráo vụ ông Trịnh Xuân Thanh

Hôm nay (13-9) là ngày cuối mà ông Trịnh Xuân Thanh phải có mặt theo yêu cầu của Tỉnh ủy Hậu Giang để giải quyết các vấn đề liên quan đến ông. Thông tin từ tỉnh Hậu Giang đến sáng 12-9 cho hay ông Thanh vẫn bặt vô âm tín, dù cơ quan này đã cử người ra đến tận nhà để tìm gặp.

Vậy vấn đề xử lý ông Thanh và cơ quan liên quan trong sự vụ này như thế nào, trong trường hợp ông này tiếp tục vắng mặt khi thời hạn triệu tập đã hết. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Ân (ảnh), nguyên Trưởng ban Cơ yếu của Chính phủ, nguyên Ủy viên Trung ương các khóa VI, VII, VIII về việc trên.

Phải làm rõ khoản lỗ hơn 3.200 tỉ đồng về đâu

. Phóng viên: Thưa ông, đến ngày 12-9, ông Thanh vẫn bặt vô âm tín, ngay cả Tỉnh ủy Hậu Giang cử người ra tìm ông Thanh cũng không thấy. Qua đây, ông nhận thấy điều gì?

+ Ông Đỗ Văn Ân: Việc khai trừ Đảng ông Thanh là theo quy trình. Nhưng điều dư luận trông chờ tiếp theo sau quyết định rất mạnh tay này là phải làm rõ hàng ngàn tỉ đồng đã thua lỗ có liên quan đến ông Thanh ở Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Tôi nghĩ chuyện này có liên quan đến nhiều người chứ không riêng ông Thanh. Khi vụ việc ông Thanh vỡ lở, không loại trừ khả năng ông này đã… “lánh nạn”. Vấn đề rất quan trọng hiện nay là phải đảm bảo an toàn tính mạng cho ông Thanh. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều việc khác.

. Nhưng nếu ông Thanh không xuất hiện nữa thì việc xử lý phải tiến hành thế nào?

+ Đúng là việc ông Thanh không xuất hiện nữa là một trở ngại. Nhưng với những gì còn lại, việc xử lý các cá nhân, tập thể liên quan vẫn có thể tiến hành được theo quy định của pháp luật.

Ông Trịnh Xuân Thanh trong một buổi họp ở tỉnh Hậu Giang. Ảnh: HOÀI THANH

Nếu ông Thanh xuất hiện thì sẽ có những căn cứ xác thực để làm rõ những sai phạm, đặc biệt là những thất thoát hàng ngàn tỉ đồng kia. Hàng ngàn tỉ đồng ấy vì sao thất thoát, được chi cho những ai, vào việc gì… tất cả phải làm sáng tỏ.

. Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương kết luận việc đưa ông Thanh về Hậu Giang giữ các chức vụ khác nhau có nhiều vấn đề cần làm rõ. Vậy trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến những vấn đề này cần được xử lý ra sao?

+ Chỉ đạo của Tổng Bí thư về vụ việc của ông Thanh đã yêu cầu kiểm điểm tất cả cá nhân, tập thể có liên quan như Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương, Tỉnh ủy Hậu Giang…

Tôi tin mọi việc sẽ phải được xử lý rốt ráo, bởi lẽ những công bộc của dân đều phải chịu trách nhiệm về những công việc của mình trước nhân dân, trước Đảng, kể cả khi đã về hưu.

Vấn đề nằm ở chỗ người thực hiện quy trình

. Sau vụ việc này, theo ông điều quan trọng nhất cần đặt ra là gì?

+ Theo tôi vấn đề quan trọng nhất là công tác tổ chức cán bộ. Một người cứ mỗi lần có sai phạm, để xảy ra thất thoát lãng phí thì lại được thăng quan tiến chức, rõ ràng có những vấn đề liên quan rất nhiều đến công tác tổ chức cán bộ.

. Thưa ông, như ông vừa nói, ông Thanh càng sai phạm càng lên chức. Vậy liệu có nên xem lại quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong hệ thống chính quyền hay không?

+ Quy trình không có vấn đề gì cả, quy trình không có tội. Nhưng vấn đề nằm ở những người thực hiện quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Quy trình đặt ra trên giấy rất khoa học, chặt chẽ. Nhưng những người triển khai quy trình “có vấn đề” mới là… vấn đề. Người ta hay nói “đúng quy trình” nhưng thực sự người ta có làm đúng quy trình hay không lại là vấn đề khác. Như trường hợp ông Thanh, để xảy ra thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng mà vẫn được đề bạt, bổ nhiệm… thì quả là có vấn đề.

Tới đây, phải tuyển lựa được nhiều hơn những người tài cho đất nước, không để những phần tử cơ hội lọt vào hệ thống chính trị như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

. Xin cám ơn ông.

Ngày 16-9, UBKT Trung ương làm việc với Hậu Giang

Sáng 12-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Công Lý, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết: “Đến thời điểm này vẫn chưa xác định được ông Thanh đang ở đâu. Tuần rồi Tỉnh ủy đã ra nhà riêng của ông ở Hà Nội để thăm hỏi nhưng vẫn không gặp. Ông Thanh vẫn chưa hồi đáp thư triệu tập của Tỉnh ủy Hậu Giang gửi cho ông ngày 8-9 trước đó”.

Trước tình hình này, ông Lý cho hay Tỉnh ủy Hậu Giang yêu cầu ngày 13-9 ông Thanh phải có mặt ở Hậu Giang để làm rõ những nội dung trong đơn mà ông Thanh gửi cho Tỉnh ủy, trong đó có chuyện xin ra khỏi Đảng, như trong thời hạn đã đề ra trong văn bản triệu tập.

Ông Lý cũng cho hay theo kế hoạch, ngày 16-9, đại diện UBKT Trung ương sẽ vào Hậu Giang để triển khai quyết định của Ban Bí thư về việc khai trừ Đảng đối với ông Thanh. Ông nói thêm đây là việc triển khai nội bộ nên sau khi tiến hành xong Tỉnh ủy Hậu Giang sẽ chủ động thông tin với báo chí.

Về thông tin đang gây xôn xao trên mạng xã hội rằng ông Thanh đang ở Đức, ông Lê Công Lý cho biết Tỉnh ủy không có cơ sở trả lời về chuyện này.

Trước đó, ngày 9-9, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định khai trừ khỏi Đảng đối với ông Thanh. Theo đó, chức vụ tỉnh ủy viên của ông Thanh cũng không còn nữa. Về mặt chính quyền, tuy không còn là phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhưng ông Thanh vẫn là công chức của tỉnh này.

Liên quan đến vụ ông Thanh, Thủ tướng đã giao Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ kiểm tra, làm rõ các vấn đề.

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm