Phải xử nghiêm con cháu cán bộ buôn lậu

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra ngày 8-4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và trốn thuế ngày càng quy mô hơn, manh động, nghiêm trọng, nhất là tình trạng buôn ma túy, xăng dầu, gia cầm chứa mầm bệnh.

Nhiều cơ quan quản lý làm ngơ

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Các bộ, ngành và địa phương phải có trách nhiệm xây dựng phương án chống buôn lậu, gian lận thương mại một cách chủ động. Bí thư, chủ tịch tỉnh phải có trách nhiệm quản lý chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn bởi ai buôn lậu thì chính quyền, công an đều biết; phải quy trách nhiệm rõ ràng, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”. Đồng thời xử lý nghiêm con cháu cán bộ buôn lậu, kể cả trong trường hợp con cháu gọi điện thoại xin hàng lậu.

Theo Phó Thủ tướng, nạn buôn lậu diễn ra trên địa bàn cả nước, từ thành thị đến nông thôn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó nguyên nhân khách quan là do nước ta có đường biên giới dài nên khó kiểm soát nhưng nguyên nhân chủ quan là pháp luật có nhiều kẽ hở; chính quyền địa phương buông lỏng quản lý; một số ngành chức năng biết việc của mình nhưng làm ngơ, vô trách nhiệm. “Chống buôn lậu có nhiều lực lượng như công an, biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường tiến hành đánh mọi lúc mọi nơi, đánh trong đánh ra, ngăn chặn từ bên ngoài nhưng sự phối hợp giữa các ngành chưa tốt. Thậm chí một số cán bộ thiếu đạo đức, phẩm chất và nghiệp vụ. Việc chống buôn lậu chưa đạt yêu cầu với nhân dân và Nhà nước” - Phó Thủ tướng nêu thực tế.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cũng cho rằng hàng buôn lậu hiện nay rất đa dạng từ cái tăm cho đến giấy vệ sinh, thực phẩm bẩn, xăng dầu, vàng. Trong khi đó ở một số nước, với mặt hàng thực phẩm sạch chỉ sử dụng hàng trong nước, còn nước ta cái gì cũng cho nhập.

 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng không thể có chuyện 600 bánh heroin “nhảy dù” xuống được. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG

Không lơ là, sao hàng lậu tràn lan?

Đồng tình với quan điểm của ngành công an, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhìn nhận vấn đề quan trọng là niềm tin của nhân dân với Nhà nước về chống buôn lậu. Việc chống buôn lậu chưa đủ mạnh, ngay Chính phủ đôi lúc cũng chưa làm quyết liệt. Điều cốt yếu là công tác chống buôn lậu từ nội địa.

Ông Cung dẫn chứng trong lần đi kiểm tra biên giới ở Tây Ninh, Long An, bộ đội biên phòng ở đây kêu chống buôn lậu không xuể; biên giới lo chống không hết còn ở TP.HCM thì lượng tiêu thụ hàng lậu rất lớn. “Có cầu ắt có cung, nội địa làm mạnh tay thì hàng lậu làm sao có cửa để xâm nhập thị trường” - ông Cung nêu quan điểm.

Là cơ quan thường trực ban chỉ đạo chống buôn lậu, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: Thực trạng cho thấy không ngành nào, địa phương nào nhận mình yếu trong chống buôn lậu nhưng hàng hóa nhập lậu vẫn tràn lan. Vấn đề là các ngành và địa phương có thực sự làm hay không. “Vụ 600 bánh heroin lọt ở sân bay Tân Sơn Nhất là ví dụ. “Con ruồi đi qua còn biết, sao con voi đi qua lại không biết?”.

TRÀ PHƯƠNG

 

Không thể chậm hơn được nữa!

Tại cuộc họp, Văn phòng Chính phủ đã công bố Quyết định 389 của Thủ tướng về việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 thay thế cho 127 trước đây). Ban chỉ đạo 389 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng ban; Bộ trưởng Tài chính làm phó ban thường trực. Văn phòng Ban chỉ đạo sẽ được chuyển giao từ Bộ Công Thương sang Bộ Tài chính và đặt tại Tổng cục Hải quan. Ban chỉ đạo 389 cũng sẽ được thành lập ở các tỉnh, TP trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ kỳ vọng với việc thành lập mới ban chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu trong năm 2014 (bao gồm một phó thủ tướng và bốn ủy viên Trung ương Đảng là các bộ trưởng Tài chính, Công Thương và hai thứ trưởng Công an, Quốc phòng) sẽ tăng cường quản lý và xử lý buôn lậu hiệu quả hơn. Bởi Ban chỉ đạo 127 trước đây tuy có nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng việc phát hiện tình trạng buôn lậu còn hạn chế, xử lý chưa tận gốc. Bộ Công Thương là cơ quan thường trực nhưng chỉ phối hợp, không chỉ đạo được các bộ khác trong công tác chống buôn lậu.

“Với quan điểm buôn lậu, kinh doanh trái phép là bước cản cho sự phát triển, tình hình buôn lậu đã tương đối nghiêm trọng và không thể chậm hơn được nữa. Chính phủ nhận thấy buôn lậu, hàng giả làm thất thu ngân sách trong nước, suy yếu nền kinh tế. Việc nâng cấp Ban chỉ đạo 127 trước đây sẽ quyết liệt làm mạnh, dù bất cứ ai bao che buôn lậu đều bị xử lý” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.