“Phân biệt đối xử” về tiền sử dụng đất

Mới đây, UBND TP đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị về việc thu tiền sử dụng đất ở cho phần vượt hạn mức diện tích giao đất ở của hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, ngay trong kiến nghị này cũng chưa giải quyết rốt ráo ách tắc hiện nay.

Chỉ gỡ vướng cho đất ở

Theo đó, TP kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất cho phần vượt hạn mức đất ở là bằng hai lần giá đất do UBND TP quy định và công bố hằng năm. Hệ số này chỉ áp dụng cho trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (công nhận quyền sử dụng đất ở) của hộ gia đình, cá nhân đối với đất đang có hiện trạng là đất ở.

Theo TP, hệ số này chưa thật sự sát giá thị trường nhưng phù hợp với khả năng tài chính của người dân, phù hợp với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ngoài ra, áp dụng hệ số này không tăng đột ngột tiền sử dụng đất phải nộp cho phần vượt hạn mức.

“Phân biệt đối xử” về tiền sử dụng đất ảnh 1

Toàn bộ diện tích vượt hạn mức đất ở đều được TP kiến nghị cho nộp hai lần bảng giá đất ở khi hợp thức hóa. Ảnh: HTD

Nếu kiến nghị này thành hiện thực, TP sẽ sửa đổi QĐ 64/2011 về hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất ban hành cách đây vài tháng. Theo đó, người dân sẽ được phép nộp tiền sử dụng đất theo hệ số hai lần cho toàn bộ phần đất ở vượt hạn mức chứ không giới hạn trong 50% diện tích hạn mức trước đây. Điều này sẽ gỡ vướng cho nhiều trường hợp khi hợp thức hóa quyền sử dụng đất ở về tiền sử dụng đất.

Chuyển mục đích: Phải thẩm định

Tuy nhiên, hiện TP có hàng ngàn hồ sơ bị ách khi xin chuyển mục đích sử dụng đất có diện tích vượt hạn mức đất ở mà theo kiến nghị của TP thì họ vẫn phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường, tức phải đi thẩm định.

Theo lý giải của TP, với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất mà cho áp dụng hệ số hai lần với phần diện tích vượt hạn mức thì sẽ nảy sinh phức tạp: Chuyển mục đích sử dụng đất có diện tích rất lớn, tràn lan, có thể dẫn đến tình trạng phân lô hộ lẻ, lợi dụng chính sách thu tiền sử dụng đất để hưởng chênh lệch, gây thất thoát ngân sách Nhà nước, đầu cơ đất đai và sau này gây ảnh hưởng nặng cho TP về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Tuy nhiên, TP chưa làm rõ diện tích đất bao nhiêu là “rất lớn” vô hình trung đã đánh đồng nhu cầu chính đáng của người dân khi xin chuyển mục đích sử dụng đất vượt hạn mức vài mét vuông với những “đầu nậu” đầu cơ đất đai hàng ngàn, hàng chục ngàn mét vuông, gây khó khăn cho người dân.

Thống kê của các chi cục thuế, có trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất vượt hạn mức đất ở “lố” vài chục mét vuông, vài mét vuông, nhỏ hơn nhiều so với trường hợp công nhận quyền sử dụng đất ở vẫn bị nhốt chung một rọ: phải thẩm định giá nếu muốn nộp tiền. Đó là chưa kể hiện nay vẫn chưa có quy trình, hướng dẫn việc thẩm định nên cả cơ quan chức năng lẫn người dân đều khổ!

Đánh đồng là chưa phù hợp

+ Ông Mai Văn Vương có hơn 233 m2 đất ở phường Linh Đông, quận Thủ Đức được chuyển mục đích sử dụng đất ở và cấp giấy từ năm 2010. Tuy nhiên, do vượt hạn mức đất hơn 33 m2 (theo QĐ 64/2001 về hạn mức đất ở của TP thì hạn mức đất ở tại TP là 200 m2) nên tới nay ông không nộp được tiền sử dụng đất. Diện tích đất này khó có thể thuộc trường hợp “dẫn tới tình trạng phân lô hộ lẻ, đầu cơ đất đai, hưởng chênh lệch…” nhưng vẫn bị ách tắc.

+ Bà Vũ Thị Thanh Hà chuyển nhượng khoảng 250 m2 tại Thủ Đức. Vì không thể nộp tiền sử dụng đất nên không làm thủ tục được khiến bà phải đền hợp đồng cả trăm triệu đồng. “Giờ chúng tôi cũng không biết phải làm sao để được nộp tiền sử dụng đất. Sẽ “oan” nếu xếp tôi chung với đầu cơ, phân lô hộ lẻ. TP cần xác định diện tích chuyển mục đích sử dụng đất ở theo hướng bắt buộc phải làm hạ tầng, phải thẩm định theo giá thị trường để nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất ở với diện tích 1.000 m2 trở lên…” - bà Hà nói.

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm