Phân cấp, phân quyền nhưng vẫn phải hỏi lên trên

Chiều 24-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Chính quyền địa phương và Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.

ĐB Phạm Viết Lượng (Bình Phước) tán đồng với ý kiến thẩm tra của UB Pháp luật của Quốc hội và đề nghị: Phải làm rõ nhiệm vụ của Thủ tướng, Chính phủ và các bộ, đồng thời phải kiểm soát được quyền lực.

ĐB Phạm Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng: Cần phải làm rõ nhiệm vụ của Thủ tướng, Chính phủ và các bộ trưởng, từ đó các địa phương mới không phải xin ý kiến nhiều. Ảnh: CHÂN LUẬN

“Trong báo cáo tổng kết nói chức năng có chồng chéo nhưng đề xuất sửa đổi là mờ nhạt. Nhiều vấn đề bức xúc tưởng chừng ở một bộ là có thể giải quyết được nhưng thực tế rất nhiều khê. Cuối cùng lên tới Thủ tướng mới giải quyết được”, ĐB Lượng nói.

ĐB Lượng nhận định: Hiện đã phân cấp cho địa phương nhưng địa phương vẫn phải xin ý kiến. “Rất tốn kém, phiền hà, mất thời gian. Tỉnh xin ý kiến bộ, bộ xin ý kiến các bộ khác, rất phiền hà”, ĐB Lượng nói.

ĐB Lượng đề nghị, luật phải quy định rõ nếu địa phương xin ý kiến thì phải có thủ tục đơn giản, thời gian nhanh để tránh tình trạng “bộ này bảo các bộ khác chưa có ý kiến thì mình cũng chưa”.

“Thủ tướng đã phân công cho các bộ, cấp dưới quyết định. Nhưng họ quyết định thế nào chưa chắc đã được kiểm tra, giám sát cho đến khi thanh tra, kiểm tra, xử lý mới chỉ ra. Tức là nhiều quyền lực đã bị lạm dụng và không công khai minh bạch. Tôi đồng tình với cơ quan thẩm tra là phải rà soát lại những cái này”, ĐB Lượng nói.

Trong báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị các ĐB thảo luận 4 vấn đề về sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ. Trong đó, nổi lên hai vấn đề là nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ và nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm