Phấn đấu đến 15-9 kiểm soát được dịch bệnh trên toàn quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Chúng ta tiếp tục dành nhiều thời gian, công sức cho phòng chống dịch” - Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày 6-9 và nhấn mạnh phải nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới.

Chống dịch đi đúng hướng

Theo Thủ tướng, COVID-19 bùng phát lần thứ tư đã ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội tám tháng, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe nhân dân, gây thiệt hại về con người, tác động tới tâm lý xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh, nhất là công nghiệp và dịch vụ bị ảnh hưởng lớn nhất. Tuy nhiên, tình hình tám tháng cơ bản ổn định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ
thường kỳ tháng 8. Ảnh: VGP

Vừa qua, công tác phòng chống dịch đã chuyển hướng từ tập trung sang kết hợp giữa tập trung và phân cấp. Theo đó, lãnh đạo chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu, còn tổ chức thực hiện vừa tập trung vừa phân cấp, nhất là chú trọng phân cấp tới xã, phường, thị trấn.

Nhắc lại cuộc họp ngày 5-9 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, Thủ tướng khẳng định công tác phòng chống dịch đang đi đúng hướng, phải tổ chức thực hiện cho tốt, nhất là ở cấp xã và tiếp tục tập trung nhiều công sức, thời gian cho phòng chống dịch.

“Phải nhanh chóng kiểm soát tình hình để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng kế hoạch kịch bản để phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới” - Thủ tướng yêu cầu.

Tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn đinh, lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, an ninh lương thực được bảo đảm. Dịch vụ công nghệ, dịch vụ trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử có bước phát triển tích cực. Hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh được đẩy mạnh.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT TRẦN QUỐC PHƯƠNG báo cáo tại phiên họp 

Giãn cách xã hội phải đạt được mục tiêu

Phát biểu kết luận, Thủ tướng khẳng định: Tinh thần vì dân, lắng nghe dân, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp (DN) ngày càng lan tỏa rộng hơn đến các cấp, ngành, địa phương.

Theo Thủ tướng, trong hơn bốn tháng qua, với những biện pháp quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân cả nước, chúng ta đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. 

Về cơ bản, đến nay chúng ta kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại các địa phương phía Nam nhưng công tác phòng chống dịch ở một số địa phương còn bất cập, hạn chế mà chủ yếu nằm ở khâu thực hiện.

Tình trạng lơ là, chủ quan, không thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định về giãn cách xã hội vẫn còn, thực hiện “bốn tại chỗ” một số nơi làm chưa tốt, chưa triệt để, nhất là về trang thiết bị, vật tư y tế; việc huy động và phân bổ các nguồn lực còn lúng túng, hiệu quả chưa cao.

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới cần thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ, giải pháp chống dịch COVID-19, nhất là thực hiện các công điện 1099 và 1102 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng nhắc: Giãn cách xã hội là quyết định; thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt; điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu; vaccnie, thuốc điều trị là chiến lược; bảo đảm an dân, an ninh trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng; phương châm đặt ra là bảo vệ vững chắc vùng xanh, xanh hóa vùng vàng, thu hẹp vùng đỏ.

“Phấn đấu đến ngày 15-9 cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh theo Nghị quyết 86/NQ-CP ở tất cả địa phương” - Thủ tướng nói và yêu cầu nghiên cứu kỹ, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn Việt Nam để chuẩn bị các biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh, giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn…

“Chúng ta phải hy sinh nhiều lợi ích khi thực hiện giãn cách xã hội; các lực lượng và người dân đã, đang rất vất vả, khó khăn thì phải làm thật nghiêm, thật chặt để đạt mục tiêu, để sự vất vả, hy sinh này không vô nghĩa” - Thủ tướng nói.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm, nâng cao trách nhiệm các cấp về chống dịch, bảo đảm lưu thông lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và hàng hóa khác, không để ách tắc; thực hiện nghiêm nguyên tắc “một cung đường - hai điểm đến” và an toàn dịch bệnh trong sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng cũng yêu cầu không để người dân bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm, bảo đảm được an ninh trật tự, an toàn xã hội; phát huy tối đa vai trò của hệ thống thông tin cơ sở, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học và phải lan tỏa tinh thần chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân…

Lúc này phải đoàn kết, lắng nghe, tôn trọng nhau

Trong các chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ trên diện rộng.

Việc điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

Có phương án điều hành ngân sách nhà nước phù hợp với tình hình cụ thể, vừa đáp ứng nhu cầu cấp bách vừa giải quyết vấn đề lâu dài. “Phải có biện pháp thu phù hợp với tình hình khi người dân và DN gặp khó khăn, có cách làm tốt hơn, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số, thu thuế trực tuyến để tránh thất thu và an toàn về phòng chống dịch” - Thủ tướng lưu ý.

“Trong lúc khó khăn này, phải biến nguy thành cơ, cơ hội để đánh giá quản trị quốc gia, cơ hội đánh giá cán bộ, cơ hội chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Càng trong lúc này càng phải đoàn kết, thống nhất, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể để thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng, huy động tối đa các nguồn lực, nguồn lực bên trong là cơ bản, quyết định, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá” - Thủ tướng nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm