Phạt biệt thự bỏ hoang: Khó khả thi, ít hiệu quả

Đề xuất xử phạt biệt thự bỏ hoang của Bộ Tài chính (Pháp Luật TP.HCMngày 26-5 đã thông tin) đã nhận được nhiều ý kiến của các chủ đầu tư và chuyên gia. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng chủ trương này khó thực hiện được.

Nhà nước khỏi “xót ruột giùm”

“Việc một người có khả năng mua đất, xây nhà sau đó đến ở hoặc không ở là chuyện thường tình trong xã hội. Vậy lấy cớ gì để phạt nếu người ta không có nhu cầu sử dụng hay bán căn nhà đó?” - ông Lê Văn Tú, Giám đốc Công ty Phát triển nhà Bình Dân (TP.HCM), nêu quan điểm. Theo ông Tú, quản lý đất bằng cách bắt buộc người mua đất phải cất nhà hoàn chỉnh, xong rồi phải ở nếu không sẽ bị phạt như Bộ Tài chính đề xuất thì… “hơi bị kỳ”. Thay vào đó, chỉ nên quy định người có càng nhiều nhà thì nộp thuế càng cao.

Ông Lê Chí Hiếu, Giám đốc Công ty Phát triển nhà Thủ Đức, phân tích: “Nhà biệt thự là tài sản cá nhân, chủ sở hữu có quyền quyết định sử dụng hay không chứ Nhà nước đâu thể can thiệp”. Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực còn nhấn mạnh: Phạt biệt thự bỏ hoang là vi phạm pháp luật. “Người ta không muốn ở, không có nhu cầu hoặc không có khả năng hoàn thiện biệt thự nên bỏ hoang đó. Giờ đối phó với việc bị phạt, họ phải bỏ tiền ra tô trét cho hoàn chỉnh rồi thuê mướn người tới ở. Xét ra cái nào lãng phí hơn? Ngoài ra, không lẽ cơ quan nhà nước lại phải đi “rình rập” xem họ có sử dụng biệt thự hay không?” - ông Đực đặt câu hỏi.

Luật sư Huỳnh Văn Nông bình luận thêm: Thực tế chúng ta vẫn thấy những căn nhà khóa cửa để đó, cũng có khác gì biệt thự dự án bỏ hoang đâu. Hơn ai hết chủ của những tài sản này là người xót ruột nhất nếu tài sản của họ bị lãng phí chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước.

Phạt biệt thự bỏ hoang: Khó khả thi, ít hiệu quả ảnh 1

Nhiều căn hộ bạc tỉ bị bỏ hoang hàng năm nay tại khu đô thị Mỹ Đình II (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: BẢO LÂM

Phải tìm giải pháp căn cơ hơn

“Tôi cho rằng các dự án đất nền biệt thự xây dở dang rồi bỏ hoang đều có vấn đề” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh Lê Hùng nhận xét. Theo ông Hùng, có hai khả năng xảy ra: một là do chủ đầu tư dự án “cầm đèn chạy trước ôtô”, thấy thị trường đang sốt nên đầu tư hoành tráng, để rồi nửa chừng “đứt gánh”. Hai là người mua đất nền, xây dựng gần xong rồi lại bỏ dở vì lý do cá nhân. “Trong giấy phép xây dựng hoặc quyết định phê duyệt có nói rõ dự án hoặc công trình phải xây dựng trong một thời gian nhất định. Nếu không giấy phép xây dựng sẽ hết hiệu lực, dự án lâu không triển khai bị thu hồi. Do đó, cơ quan chức năng nên kiểm tra tính pháp lý của các dự án, công trình này, tìm hiểu nguyên nhân bỏ hoang là do đâu. Nếu chủ đầu tư vi phạm thì có thể vận dụng các quy định pháp luật hiện hành để xử phạt. Còn nếu người dân mua nhưng không chịu hoàn thiện, không sử dụng thì khó có thể đặt ra quy định xử phạt, mà phải tìm giải pháp khác để điều tiết” - ông Hùng nêu ý kiến.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển căn hộ Nam Long, ông Lê Huỳnh Cương Nghị, cho rằng chấn chỉnh tình trạng biệt thự bỏ hoang là việc nên làm. Tuy nhiên, “vấn đề là mục đích này có đạt được nếu đề xuất của Bộ Tài chính được ban hành hay không? Các biệt thự đều có giá trị rất lớn, phạt vài chục triệu đồng chẳng ăn thua gì. Sao các ngành chức năng không xem xét nguyên nhân xảy ra tình trạng trên để giải quyết từ cái gốc, bằng những giải pháp khác căn cơ hơn?” - ông Nghị đặt vấn đề.

Ba phương án của Bộ Tài chính

- Phương án một: Đánh thuế biệt thự bỏ hoang, mức thuế suất tùy thuộc vào thời gian bỏ hoang. Cụ thể, nếu sau ba tháng mà không đưa biệt thự vào sử dụng thì sẽ thu thuế 5% trên giá trị hợp đồng. Còn sau một năm mà biệt thự đó vẫn để hoang thì sẽ bị tính thuế 10%.

- Phương án hai: Xử phạt hành chính. Theo đó, chủ biệt thự bỏ hoang sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng/căn.

- Phương án ba: Tính thuế theo diện tích đất của căn nhà với mức thuế 0,15%/năm theo giá trị trên hợp đồng mua nhà.

Không cần ban hành nghị định

Biệt thự bỏ hoang được đề cập trong đề xuất của Bộ Tài chính có thể là nhà xây dựng trên các dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Biệt thự xây thô chưa đưa vào sử dụng nên chắc chắn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất vì chưa đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Do đó có thể dựa vào Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản để xử lý. Vì đã đủ cơ sở pháp lý nên không cần ban hành thêm nghị định phạt việc bỏ hoang biệt thự. Việc đánh thuế suất cao vào nhà để trống sẽ là một biện pháp hữu hiệu để chống tình trạng đầu cơ đất đai.

Luật sư NGUYỄN THỊ CAM, Phó Giám đốc Công ty Đất Luật

Đánh thuế trên hợp đồng

Không nên quy định người có một căn, hai căn, ba căn nhà… phải nộp các mức thuế khác nhau vì sẽ dẫn đến tình trạng bắt tay nhau giữa cơ quan thuế và người khai. Thay vào đó, khi mua một căn nhà, chủ sở hữu sẽ phải nộp một khoản thuế 1%-3% giá trị hợp đồng. Như vậy là minh bạch, rõ ràng nhất.

Ông NGUYỄN VĂN ĐỰC, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm