Phát hiện thêm hàng trăm hồ sơ thương binh giả

Ngày 20-12, nguồn tin Pháp Luật TP.HCM cho biết sau khi trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự, Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản kiến nghị biện pháp xử lý đối với các hồ sơ thương binh giả tại Bộ tư lệnh Quân khu 3.

520 hồ sơ nghi không đảm bảo pháp lý

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH qua trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự và phối hợp với các đơn vị quân đội xác minh trên 2.650 hồ sơ thương binh được xác lập trên giấy tờ gốc và bản sao danh sách quân nhân bị thương (DSQNBT) đã phát hiện 520 hồ sơ thương binh nghi vấn không đảm bảo pháp lý. Trong đó 420 hồ sơ được xác lập trên giấy tờ gốc và 100 hồ sơ xác lập trên bản sao DSQNBT.

Cơ quan chức năng khẳng định trong 520 hồ sơ nghi vấn trên có 164 hồ sơ khai man, giả mạo, tẩy xóa nội dung cũ viết lại nội dung mới.

Cụ thể, hồ sơ hưởng chế độ thương binh của ông Nguyễn Thanh Huy (62 tuổi, ngụ quận Lê Chân, TP Hải Phòng) có hình dấu xác nhận bằng mắt thường mang tên Trung đoàn 68. Kết quả trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự cho thấy hình dấu gốc mang tên Trung đoàn 232 và giấy chứng nhận bị thương cấp cho ông Nguyễn Xuân Thủy (66 tuổi). “Đặc biệt, phần chữ in phôi của tài liệu trong hồ sơ thương binh của ông Huy hình thành bằng các hạt mực laser. Từ đó cho thấy giấy tờ này được cấp cho một thương binh khác nhưng sau đó bị tẩy xóa và viết tên ông Huy…” - nội dung kết luận của bộ này nêu rõ.

Các cơ quan chức năng cũng phát hiện hồ sơ của ông Bùi Hữu Phường (66 tuổi, ngụ xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) bị tẩy xóa bằng chất lỏng và viết tên ông Phường lên tên ông Xô. “Khi kiểm tra, tài liệu còn tồn tại chữ viết ghi thông tin người khác trước khi có các nội dung của ông Phường…” - Bộ LĐ-TB&XH dẫn kết quả giám định.

Tương tự, kết quả giám định hồ sơ thương binh ông Trần Đình Thử (62 tuổi, ngụ xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cho thấy tại mục các vết thương ghi “bị sức ép mìn chống tăng, bắp chân trái, bỏng độ 3 ở hai chân, tay và mặt” vẫn còn tồn tại chữ viết ghi thông tin vết thương lồng ngực do sập hầm, rối loạn nhịp tim… Trường hợp này cũng tẩy xóa giấy tờ gốc, viết tên ông Thử lên để hưởng chế độ thương binh.

Cạnh đó, qua xác minh tại các đơn vị quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH cũng phát hiện các ông Đào Văn Chưởng (60 tuổi), Nguyễn Văn Thành (61 tuổi)… đều ngụ ở Hải Phòng không có tên trong DSQNBT… Đặc biệt, trong các hồ sơ thương binh giả được xác lập theo DSQNBT này đều tập trung ở một số địa bàn như huyện An Lão, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng).

Bản báo cáo và danh sách mới của Bộ LĐ-TB&XH về hồ sơ thương binh giả. Ảnh: V.LONG. Ảnh chụp tài liệu dưới nguồn sáng UV 365 nm cho thấy tại vị trí ghi họ tên “Nguyễn Văn Hải” tồn tại chữ viết ghi thông tin trước là “Hà Huy Thông”. Ảnh: IT

Thu hồi hơn 21 tỉ đồng

Với các sai phạm trên, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu Bộ tư lệnh Quân khu 3 khẩn trương ban hành quyết định thu hồi quyết định công nhận thương binh và trợ cấp thương tật. Đồng thời bộ yêu cầu Bộ tư lệnh Quân khu 3 chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự TP Hải Phòng tiến hành các thủ tục thu hồi giấy chứng nhận bị thương đối với 182 trường hợp được xác định là khai man, giả mạo giấy tờ gốc hoặc không có tên trong DSQNBT.

Bộ LĐ-TB&XH cũng lưu ý Bộ tư lệnh Quân khu 3 khi tiến hành các bước trên cần chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự TP Hải Phòng phối hợp với Sở LĐ-TB&XH TP Hải Phòng thông báo bằng văn bản đến từng đối tượng về sai phạm của hồ sơ.

“Trường hợp cần thiết tổ chức đối thoại trực tiếp với đối tượng để giải thích rõ về sai phạm của hồ sơ, đối tượng không đủ điều kiện để tiếp tục hưởng trợ cấp ưu đãi. Không để phát sinh tình trạng đơn thư do đối tượng không hiểu lý do bị đình chỉ chế độ…” - Bộ LĐ-TB&XH đề nghị.

Bộ cũng yêu cầu Sở LĐ-TB&XH TP Hải Phòng ban hành quyết định đình chỉ trợ cấp và thu hồi số tiền đối tượng đã hưởng sai nộp lại cho ngân sách nhà nước với tổng số tiền phải thu hồi là trên 21 tỉ đồng.

Quân khu 7 còn tồn gần 200 hồ sơ thương binh giả

Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành do bà Đàm Thị Minh Thu, Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, làm trưởng đoàn đã làm việc với Bộ tư lệnh Quân khu 7, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, đoàn thanh tra nhận thấy đến thời điểm hiện tại vẫn còn 58 trường hợp chưa có kết quả xử lý. Bộ LĐ-TB&XH cũng kiến nghị Bộ tư lệnh Quân khu 7 sớm ban hành quyết định thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp thương tật đối với 141 trường hợp hồ sơ thương binh giả.

“Trong đó 111 trường hợp đã được xác định sử dụng tài liệu giả mạo để lập hồ sơ và 30 trường hợp được xác lập hồ sơ trên cơ sở bản sao DSQNBT nhưng kết quả xác minh đối tượng không có tên trong danh sách lưu tại đơn vị…” - Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ.

Không có Đoàn 558, Quân khu 9

Theo kết luận của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã ban hành quyết định hủy hồ sơ thương binh khai man của ông Trịnh Huy An (ngụ xã Đắc Nhau, huyện Bù Đăng, Bình Phước). Do hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh có giấy chứng nhận thương binh của Đoàn 558/Quân khu 9 nhưng thực tế Quân khu 9 không có Đoàn 558… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm