Phạt nặng lỗi dẫn đến tai nạn giao thông

“Không chấp hành tín hiệu đèn giao thông là hành động xấu trong văn hóa giao thông. Đây còn là hành vi nguy hiểm dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đáng tiếc nên chúng tôi sẽ tập trung xử phạt. Song song với biện pháp tuyên truyền, chúng tôi sẽ sử dụng biện pháp nghiệp vụ, dùng camera, bố trí các tổ CSGT ghi hình xử lý các trường hợp vi phạm”. Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.HCM, nhấn mạnh tại buổi giao lưu trực tuyến “Tăng mức phạt giao thông: Vì sao?” do Pháp Luật TP.HCM tổ chức hôm 1-8.

Buổi giao lưu nhằm giải đáp các thắc mắc của bạn đọc liên quan đến Nghị định 46/2016 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông có hiệu lực từ ngày 1-8. Công ty Võng xếp Duy Lợi và Công ty Cổ phần Ánh Dương (Vinasun) là hai đơn vị tài trợ chính.

Phạt lỗi vượt đèn vàng, xây dựng văn hóa giao thông

Theo ông Nguyễn Văn Chương, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, Nghị định 46/2016 có nhiều thay đổi. Việc báo phối hợp tổ chức giao lưu trực tuyến nhằm giải đáp các thắc mắc, băn khoăn của bạn đọc về các quy định mới chẳng hạn như việc xử phạt lỗi vượt đèn vàng ngang vượt đèn đỏ. Điều này giúp người dân, các doanh nghiệp vận tải tuân thủ luật giao thông, góp phần giảm thiểu ùn tắc, tai nạn.

Bạn đọc Nguyễn Thị Kim Ngân (phường 5, quận 11, TP.HCM) kể, trong một lần đi đến ngã tư Âu Cơ - Lạc Long Quân (quận 11) thì gặp đèn sắp chuyển sang đỏ, liền rồ ga thì bị CSGT xử phạt 300.000 đồng. Chị Ngân hỏi: “Việc xử phạt này diễn ra trước khi Nghị định 46/2016 có hiệu lực thì có phù hợp?”.

Trung tá Huỳnh Trung Phong trả lời: “Thời điểm bạn nêu diễn ra trước ngày 1-8 thì áp dụng Nghị định 171/2013 và hành vi của bạn là không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông nên bị xử phạt như trên là đúng”.

Trung tá Phong nhấn mạnh Nghị định 46/2016 đã gộp hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” và hành vi vượt đèn đỏ thành một hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”. “Sự thay đổi này không lớn. Mức phạt lỗi vượt đèn vàng bằng vượt đèn đỏ là do tình hình giao thông diễn biến phức tạp, ý thức người tham gia giao thông chưa tốt. Việc xử phạt này sẽ xây dựng văn hóa giao thông, nâng ý thức tham gia giao thông chấp hành tín hiệu đèn giao thông và có tác dụng lớn trong việc đảm bảo an toàn giao thông” - Trung tá Phong nói.

Một trường hợp bị Đội CSGT Bàn Cờ xử phạt ngay trong ngày quy định xử phạt mới có hiệu lực. Ảnh: THANH TUYỀN

Trung tá Huỳnh Trung Phong (đứng), Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt, CA TP.HCM phát biểu tại buổi giao lưu. Ảnh: HTD

Phạt nặng lỗi dẫn đến TNGT

Bạn đọc Lê Bá Tình (huyện Hóc Môn) cho hay ông biết tửu lượng mình kém nên trong một tiệc vui với bạn bè cách đây vài ngày ông chỉ uống một chai bia nhỏ. Sau đó ông chạy xe máy về nhà thì bị CSGT Tân Sơn Nhất đo nồng độ cồn rồi phạt 750.000 đồng, tạm giữ xe máy và bằng lái. “Tôi uống có một chai bia thôi nhưng mức phạt quá nặng như trên liệu có phù hợp?” - ông Tân thắc mắc.

Nhiều bạn đọc khác cũng cho rằng mức phạt tiền đối với vi phạm nồng độ cồn, tốc độ vốn đã rất rát, sao quy định mới vẫn tăng? Nếu nói là để răn đe, giảm thiểu TNGT sao không có các chế tài khác mạnh hơn như tịch thu xe, xử lý hình sự?

Theo Trung tá Phong, vi phạm của bạn đọc Tình diễn ra trước ngày 1-8 nên dựa vào Nghị định 171/2013 để xử phạt như trên là đúng. “Việc xác định mức độ vi phạm nồng độ cồn căn cứ vào máy đo, không phải dựa vào số lượng rượu bia uống” - Trung tá Phong nói.

Cũng theo Trung tá Phong, nhiều vụ TNGT xảy ra là do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Nghị định 46/2016 tăng mức phạt đối với một số hành vi, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng điện thoại di động là đúng trọng tâm. “Không thể chấp nhận việc một người nào đó đã uống rượu bia mà tiếp tục lái xe. Trong sáu tháng đầu năm 2016, tại TP.HCM có 92 vụ TNGT có 85 người chết mà nguyên nhân do người lái xe máy tự gây tai nạn. Hầu hết vụ TNGT này có liên quan đến nồng độ cồn” - ông Phong thông tin.

Trung tá Phong cũng đánh giá mức phạt theo Nghị định 46/2016 đối với vi phạm nồng độ cồn khá cao so với trước. Tuy vậy, CSGT TP không phải chăm chăm xử phạt mà sẽ thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền để người dân sợ vi phạm, sợ bị xử phạt. Điều này sẽ rất hữu ích để người dân tự bảo vệ được tính mạng, tài sản của mình và người khác khi tham gia giao thông.

Phạt người lái, người ngồi không thắt dây an toàn

Tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Quang Tiến, Giám đốc pháp chế của Công ty Cổ phần Ánh Dương (Vinasun), cho biết hãng taxi Vinasun luôn nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn nhưng nhiều người không nghe. “Khách hàng là thượng đế nên nếu họ được nhắc nhở mà không chấp hành thì phạt họ chứ không nên phạt tài xế” - ông Tiến đề nghị.

Theo Trung tá Huỳnh Trung Phong, Nghị định 46/2016 buộc người ngồi trên ô tô tại nơi có dây an toàn phải thắt dây. Nếu không thì tài xế lẫn người ngồi đều bị phạt. Quy định này được áp dụng từ ngày 1-1-2018 nên đề nghị các hãng taxi thường xuyên tuyên truyền, tạo thói quen để không phải vi phạm, tránh bị xử phạt.

Phạt lỗi vượt đèn vàng theo mức mới

Hôm qua (1-8), CSGT TP.HCM và Hà Nội đã bắt đầu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt theo Nghị định 46/2016. Theo ghi nhận, trong thời gian ngắn buổi sáng cùng ngày, tại giao lộ Nguyễn Đình Chiểu - Lý Thái Tổ (quận 3, TP.HCM), Đội CSGT Bàn Cờ đã xử lý hơn 10 trường hợp đi không đúng phần đường, làn đường… Nhiều người vi phạm chưa biết quy định mới.

Cùng ngày, PC67 Hà Nội cũng ra quân xử phạt nhiều hành vi vi phạm về giao thông, trong đó đáng chú ý là việc xử phạt lỗi vượt đèn vàng theo quy định mới. Tại khu vực ngã tư Trần Phú - Điện Biên Phủ (Ba Đình, Hà Nội) chỉ trong vòng ít phút, CSGT đã phát hiện hàng chục trường hợp vi phạm. Nhiều người cho hay có biết quy định mới nhưng do vội hoặc không kịp xử lý tình huống nên đã vi phạm.

THANH TUYỀN - TUYẾN PHAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm