Phí đường bộ xe máy: Chưa thu đã thấy “ngán”

Trong các số báo qua, Pháp Luật TP.HCMđã đề cập đến những rắc rối, nhiêu khê mà người dân và cơ quan chức năng có thể gặp phải nếu thực hiện thu phí sử dụng đường bộ với xe máy. Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến của người trong cuộc.

Phí đường bộ xe máy: Chưa thu đã thấy “ngán” ảnh 1
Phương thức thu phí sử dụng đường bộ với xe máy còn nhiều vướng mắc, trong khi quy định xử phạt lại lỏng lẻo. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa) Ảnh: M.PHONG

Tốn công sức, dễ sót lọt

Để thu phí đúng và đủ đối với xe máy là không hề đơn giản. Chúng tôi có thể nắm được lượng xe máy đăng ký trên địa bàn nhưng khó biết chính xác số xe máy của người nhập cư hay mua xe cũ không sang tên. Việc đến từng hộ dân để thống kê sẽ mất nhiều công sức nhưng chưa chắc đã đầy đủ, có thể sót lọt. Ngoài ra, đa phần người dân đi làm cả ngày nên việc thống kê và thu phí chủ yếu phải làm vào buổi tối. Với những người có giờ giấc thất thường, nếu người trong nhà họ không hợp tác (theo kiểu “xe ai người nấy kê khai, đóng phí”) thì rất khó thu.

Khi nào TP có chỉ đạo cụ thể, phường sẽ giao cho các tổ dân phố kết hợp với cảnh sát khu vực (CSKV) tuyên truyền, vận động và đến từng hộ dân để thu phí. Chắc chắn sẽ phải đến từng hộ để thu chứ đừng nghĩ tới việc người dân tự mang tiền đến nộp. Như đã đề cập, đây là công việc tương đối khó, phải đi lại nhiều lần nên mức thù lao 10% nhiều khả năng không đủ để thực hiện.

Ông NGUYỄN Y NHÃ, Chủ tịch UBND phường 12, quận Bình Thạnh

Sẽ rất nhiêu khê

Xã Vĩnh Lộc B có địa bàn rộng, dân cư dàn trải, nhân sự lại có hạn nên việc thu phí chắc chắn gặp nhiều khó khăn. Toàn xã hiện có hơn 10.000 xe máy, để thu đúng và đủ số xe này là không đơn giản, bởi chắc chắn nhiều người tìm cách né tránh. Sẽ có nhiều lý do để “trốn”, nói rằng là xe mượn, đóng cửa không tiếp… Hơn nữa, người ở trọ thay đổi chỗ ở thường xuyên, rồi xe ngoại tỉnh thì sẽ thu trên cơ sở nào?

Hiện chúng tôi vẫn chưa triển khai công tác thu phí vì chưa nhận được hướng dẫn, chỉ đạo từ cấp trên. Nếu có thu, xã sẽ giao thanh tra xây dựng phối hợp với công an xã và các tổ dân phố thu.

Ông THIỀU VĂN SE, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh

Thu phí không phải chức năng của CSKV

Cũng giống như việc đi vận động thu các quỹ hằng năm, CSKV chủ yếu chỉ hỗ trợ tổ dân phố chứ không đóng vai trò chính. Do vậy, khi thu phí sử dụng đường bộ, nếu các hộ dân khóa cửa nhà không tiếp hay khất lần lữa với lý do chưa có sẵn tiền thì cũng đành chịu. Rồi lại phải đi vận động tiếp để “mong” người dân đóng chứ không thể buộc nộp ngay.

Về ý kiến yêu cầu CSKV xử phạt nếu người dân không chịu đóng phí là không ổn. Chúng tôi không có thẩm quyền này mà chỉ có thể lập biên bản, ghi nhận sự việc để cấp trên quyết định. Nhưng nói thật, để có được biên bản với sự xác nhận của người dân cũng không đơn giản. Khi đã lập biên bản rồi lại phải mất thêm thời gian, công sức buộc người dân nộp phạt rồi nộp phí. Trong khi chức năng chính của CSKV là giữ gìn trật tự trị an trên địa bàn chứ không phải chỉ chăm chăm thu được nhiều phí.

Một CSKV phường 15, quận Tân Bình

Chuẩn hóa mới mong thu đủ

Hiện lượng xe máy không chính chủ có tỉ lệ khá cao nên việc thu phí sử dụng đường bộ với các xe dạng này sẽ rất khó khăn. Dù người dân đang sử dụng nhưng họ cứ khai xe mượn hoặc “cãi cùn”, nói rằng thu chủ xe mới đúng cũng sẽ gây bối rối cho các đơn vị thu. Tôi xin nhấn mạnh Nghị định 71/2012 quy định rõ là phạt chủ xe không mua hoặc nộp phí cho xe chứ không phải người sử dụng. Cho nên, dù CSGT hay CSKV có được giao chức năng, thẩm quyền xử phạt thì cũng không thể “nắm áo” nhóm xe không chính chủ khi họ không chịu đóng phí.

Với nhóm xe chính chủ không đóng phí thì xử phạt cũng không dễ. Cho là CSGT có chức năng xử phạt đi, họ cũng không có cơ sở dữ liệu để khẳng định xe đó đã đóng phí hay chưa. Chỉ đến khi đã xây dựng được cơ sở dữ liệu đầy đủ và đơn vị xử phạt có thiết bị tra cứu nhanh chóng thông tin về chiếc xe thì việc xử phạt mới thành công, không gây phiền hà cho người dân. Một cách đơn giản hơn là buộc người dân phải mang theo “giấy chứng nhận đóng phí” khi lưu thông nhưng muốn vậy thì phải sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.

Luật sư TRẦN ĐÌNH NAM, Đoàn Luật sư TP.HCM

GIA NGHĨA - MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm