KTS Trần Đình Nam, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM:

Phố đi bộ chưa giữ được cái hồn

Theo Sở GTVT TP.HCM, dự kiến ngày 10-4, một số hạng mục của công trình nâng cấp và cải tạo đường Nguyễn Huệ sẽ được đưa vào vận hành thử nghiệm để kiểm tra. Ngày 20-4, toàn bộ tuyến được đưa vào vận hành sau hơn sáu tháng thi công.

Không phải cứ long lanh thì “đẹp nhất Việt Nam”

. Phóng viên: Phố đi bộ Nguyễn Huệ sắp đưa vào vận hành và được gọi là “phố đi bộ đẹp nhất Việt Nam”, ông nghĩ gì về sự kiện này?

+ KTS Trần Đình Nam: Những đường phố đi bộ đẹp trên thế giới thường là con đường nằm trong những khu phố cổ. Ở đó người ta giữ gìn từng viên đá lát cổ, đá bó vỉa, hàng cây, ghế đá và đặc biệt là những kiến trúc cổ hai bên đường. Có được như vậy thì nó mới có thể được gọi là đường đi bộ đẹp nhất. Ví dụ khu vực đi bộ xung quanh nhà thờ Đức Bà ở Paris, khu vực Quảng trường Đỏ ở Moscow… Phố đi bộ Nguyễn Huệ được đầu tư theo hướng làm mới, trồng mới trên một con phố nửa mới nửa cũ thì chưa chắc có thể thuyết phục được mọi người là con đường đi bộ đẹp nhất, cho dù nó được đầu tư bằng những loại vật liệu đắt tiền đến đâu đi nữa.

. Ông có thể nói rõ hơn về những điều mà con phố này đang thiếu?

+ Bản thân con đường Nguyễn Huệ là phố cổ nhưng chúng ta đã không giữ gìn chất “cổ” của nó. Nhiều công trình, hàng cây, hồ nước, bồn hoa... từng tồn tại qua nhiều năm tháng, mang nhiều điểm đặc trưng của Sài Gòn thì đã bị bỏ đi. Những kiến trúc mới thì hỗn tạp, lai căng, lại toàn do các tập đoàn nước ngoài thiết kế. Đường Nguyễn Huệ bây giờ chỉ còn khoảng 30% công trình kiến trúc có tính đặc thù riêng như tòa nhà UBND TP, kho bạc, khách sạn Rex, khách sạn Palace... Muốn có cái chữ “đẹp nhất” thì cần phải xem lại ở cái chiều sâu chứ không đơn giản là bề nổi, không phải cứ làm mới, làm cho long lanh là đẹp.

. Nhưng ít ra phố Nguyễn Huệ sắp tới cũng đáp ứng cho nhu cầu tản bộ, vận động, nhìn ngắm của nhiều người dân...

+ Phố đi bộ với diện tích, quy mô như hiện nay là quá nhỏ so với nhu cầu của người Sài Gòn. Còn nếu làm phố đi bộ để cho có với người ta thì tôi nghĩ nên để lại đường Nguyễn Huệ như cũ.

Phối cảnh phố đi bộ Nguyễn Huệ. Toàn tuyến phố được lát đá hoa cương và được bố trí những dãy, bồn hoa theo bốn mùa.

Nói “bền trăm năm” thì không có ý nghĩa gì!

. Thông tin cho biết phố đi bộ Nguyễn Huệ xây bằng đá lát granite “bền trăm năm”, ông nhận thấy sự “bền trăm năm” này có ý nghĩa gì?

+ Không có ý nghĩa gì ở thời điểm hiện tại. Bởi vì đá thì dĩ nhiên phải bền trăm năm và có lẽ phải đợi đến 100 năm sau thì con đường mới thật sự đẹp, khi bề mặt đá bóng lên do độ mài mòn qua năm tháng như ở các khu phố cổ hiện tại. Có những công trình như lăng Khải Định ở Huế là công trình bê tông cốt thép đầu tiên ở Việt Nam, với trình độ xây dựng bê tông cốt thép sơ khai, cũng đã có tuổi hơn trăm năm.

Chuyện bãi giữ xe là đáng lo nhất

. Chỉ còn chục ngày nữa phố đi bộ được chính thức đưa vào vận hành nhưng đến nay Sở Xây dựng TP vẫn chưa có phương án tốt nhất cho khách tham quan gửi xe và bãi giữ xe ngầm chính thức của con phố này thì vẫn còn là... dự án. Ông nghĩ sao về điều này?

+ Đây cũng là điều mà tôi lo lắng nhất cho phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện nay. Đây chắc chắn là chuyện rất nhức đầu bởi quy hoạch bãi giữ xe như thế nào trong khi quỹ đất khu trung tâm chật hẹp và giao thông của ta không dành cho đặc thù phố đi bộ, khác với ở nước ngoài họ có phương tiện giao thông công cộng phát triển. Tôi chưa biết nhiều người ở các quận khác đến, muốn đi bộ trên phố thì để xe ở đâu. Ngay như để phục vụ đường hoa Nguyễn Huệ vào mấy ngày tết thì các con đường xung quanh cũng bị chiếm phần lớn làm bãi giữ xe. Cho nên tôi nghĩ khi hệ thống xe điện ngầm đi vào vận hành thì may ra đó mới thực sự là phố đi bộ.

Chi tiết đúng trên tổng thể quy hoạch lộn xộn

. Về văn hóa đô thị thì đến thời điểm này, sự ra đời của phố đi bộ mang ý nghĩa gì, thưa ông?

+ Tôi thấy có nhiều mâu thuẫn. Vừa cho phép các dự án xây cao ốc tại con đường này rồi lại vừa làm phố đi bộ thì lượng xe vào các cao ốc văn phòng sẽ giải quyết ra sao?

. Ý ông nói việc chọn đường Nguyễn Huệ làm phố đi bộ là chưa hợp lý?

+ Phố đi bộ phải nằm ở khu trung tâm. TP chỉ có một khu trung tâm, nếu không phải là đường Nguyễn Huệ thì có thể chọn đường nào khác làm phố đi bộ? Nó hợp lý bởi vì nó là duy nhất. Ở nước ngoài người ta thiết kế phố đi bộ nằm ở khu trung tâm thương mại, nơi mà mật độ di chuyển xe cộ ít hơn. Mà khu trung tâm thương mại đúng nghĩa ở TP này thì quá hiếm, ngoài quận 1 ra thì chỉ có thể thêm khu Hồ Bán Nguyệt ở Phú Mỹ Hưng. Quy hoạch theo kiểu “thông đường” với những con đường dài vô tận thì không thể nào có được khu trung tâm đúng nghĩa để làm phố đi bộ. Đường nào cũng rất dài, cũng cho mặt tiền buôn bán mở ra hai bên, xe thì chạy rất gắt do đường nối liền nhiều khu vực lại với nhau. Tôi chỉ nói sự bất ổn là ở quy hoạch tổng thể làm cho TP trở nên lộn xộn, thiếu đi những khu phố đi bộ đúng nghĩa.

. Sự “lộn xộn” như ông vừa nói, nếu sửa chữa thì ông nghĩ cần bắt đầu từ đâu?

+ Giống người bệnh thì cần phải chữa trị, càng để lâu thì bệnh càng nặng, càng khó chữa. Nhưng tôi vẫn chưa thật sự thấy dấu hiệu của việc bắt đầu chữa trị. Những con đường mới, những khu đô thị mới vẫn đang tiếp tục làm theo kiểu cũ, rất cũ. Ví dụ như quỹ đất khu đường Thành Thái - Bắc Hải ở quận 10 có thể đầu tư thành một khu trung tâm mới về quy mô lẫn chất lượng có khi không thua gì khu Nguyễn Huệ - Lê Lợi nhưng tôi sợ nó sẽ không được như vậy.

Phố thiếu cái hồn và chưa có bản sắc riêng

. Còn nếu chỉ gói gọn ở phố đi bộ Nguyễn Huệ thôi thì theo ông hiện nay chúng ta cần làm gì cho nó?

+ Cần bảo vệ, phục chế những giá trị còn sót lại, chẳng hạn những công trình hiện hữu cho thuê ở tầng trệt bị xuống cấp. Chuyện phục chế cần những người có chuyên môn cao, trả lại cho công trình đúng như nguyên thủy của nó. Ngay cả việc sử dụng chất liệu sơn nước phủ lên bề mặt của các công trình cổ cũng cần phải coi lại vì như vậy thì có khác gì đánh đồng một công trình cổ với một căn nhà phố bình thường.

. Cá nhân ông, là một công dân TP, ông có chờ mong đặt chân đi bộ trên phố đi bộ?

+ Tôi chỉ thích đi bộ trên đường Nguyễn Huệ cũ, đi lòng vòng ở khu tượng đài Bác Hồ trước Ủy ban TP, ở khu vườn hoa rất dễ thương. Bây giờ làm tượng đài Bác Hồ lớn quá, hợp với tổ chức mít tinh hơn là nhìn ngắm. Tôi thích đi trên con phố thân quen, dễ thương hơn là đi trên con đường hoành tráng, long lanh, mới tinh mà thiếu cái hồn.

. Còn với du khách, ông có nghĩ con phố này sẽ gây ấn tượng với họ?

+ Chắc là có chút tò mò ban đầu, vì dù sao nó vẫn là duy nhất ở TP này. Nhưng ấn tượng thì không vì nó thiếu cái hồn cũng như chưa cho thấy được bản sắc gì của Việt Nam.

. Xin cám ơn ông.

Bãi giữ xe ở quá xa

Theo khảo sát, quanh đường Nguyễn Huệ với bán kính 500 m hiện nay không có bãi giữ xe công cộng nào mà chỉ có những bãi giữ xe nội bộ ở 59 tòa nhà, cao ốc dành cho nhân viên, người làm việc trong đó. Nhưng nhiều bãi giữ xe ở khu vực này thường từ chối giữ xe máy và nếu có giữ thì phí giữ xe cũng lên đến 10.000-15.000 đồng/lần gửi. Trước tình hình này, phương án duy nhất mà lãnh đạo Sở Xây dựng TP đưa ra chính là việc quy hoạch lại các bãi giữ xe ở lân cận. Cụ thể, nếu ai muốn tới phố đi bộ Nguyễn Huệ phải gửi xe ở các địa điểm như sân vận động Hoa Lư, sân Tao Đàn, Công viên Lê Văn Tám, Sân khấu Trống Đồng… Tuy nhiên, nhiều điểm giữ xe cách phố đi bộ tới 2-3 km.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ rộng 64 m, dài 670 m, điểm đầu giao với đường Lê Lợi, điểm cuối giao với đường Tôn Đức Thắng, quận 1, tổng số tiền đầu tư gần 430 tỉ đồng. Bên dưới phố đi bộ có xây nhà vệ sinh; trung tâm điều khiển ánh sáng nghệ thuật, nhạc nước, âm thanh; hệ thống điện, ống cấp nước, hệ thống tưới cây xanh, trụ cứu hỏa.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.