Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Tàu cũ, tàu nhập không nằm trong diện ưu tiên

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã lưu ý như thế tại Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa) sáng 22-8.

Hỗ trợ đóng mới lẫn kinh phí sửa chữa tàu

Tại hội nghị này, phó thủ tướng nhấn mạnh Nghị định 67 của Chính phủ ra đời (có hiệu lực từ ngày 25-8 tới đây)với mục đích cao nhất là tạo điều kiện giúp cho ngư dân phát triển mạnh về kinh tế, làm giàu từ nghề đi biển, nhất là việc khuyến khích bà con đóng tàu công suất lớn, tàu vỏ thép vươn khơi xa. Từ đó, bà con góp sức mình vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Phó thủ tướng cho hay việc hỗ trợ lãi suất được ưu tiên hàng đầu là để đóng mới tàu sắt. Và nếu hư hỏng trong quá trình đánh bắt, Chính phủ sẽ hỗ trợ kinh phí sửa chữa đối với loại tàu này.

Theo phó thủ tướng, mục tiêu đặt ra là phấn đấu để đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp 53%-55% GDP của cả nước. Thế nhưng hiện nay ngư dân Việt Nam làm ăn chưa có hiệu quả vì nhiều nguyên nhân, trong đó những nguyên nhân chính vẫn là chưa được trang bị tàu cá lớn, hiện đại, phương pháp đánh bắt còn lạc hậu, công nghệ bảo quản chưa tốt khiến sản lượng và giá thành thấp. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Nghị định 67 ra đời có thể áp dụng ưu đãi vay vốn lãi suất thấp cho cả doanh nghiệp lẫn ngư dân, kể cả những doanh nghiệp làm dịch vụ hậu cần nghề cá có nhu cầu đóng mới tàu hậu cần. Tuy nhiên, những tổ chức, cá nhân đó phải đáp ứng được tiêu chí mà Nghị định 67 đặt ra.

Phó thủ tướng cũng lưu ý tàu cũ, tàu nhập không nằm trong diện ưu tiên của Nghị định 67. “Chính sách tín dụng được Chính phủ xây dựng trên quan hệ tín dụng thương mại, không phải việc lấy tiền từ ngân sách nhà nước cho ngư dân đóng tàu một cách ồ ạt, theo phong trào. Ngư dân và các ngân hàng thương mại làm việc với nhau, tính toán bài toán kinh tế rồi quyết định việc vay, cho vay. Nhà nước hỗ trợ về mặt lãi suất, hạn mức vay... Thông qua chính sách đó, khai thác hiệu quả, biền vững kinh tế biển” - phó thủ tướng nói.

Ngư dân Bình Định đánh bắt xa bờ trên tàu công suất lớn. Ảnh: ĐÌNH THUNG

Những con tàu vỏ thép công suất lớn sẽ giúp bà con vươn khơi. Ảnh: AN BÌNH

Cần có tiêu chí cụ thể về đối tượng được vay

Cũng tại hội nghị này nhiều đại biểu đã nói lên nhiều băn khoăn, cần bổ sung thêm trước khi Nghị định 67 chính thức có hiệu lực. Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng hiện thông tư, văn bản hướng dẫn của Nghị định 67 chưa thật rõ về tiêu chí ngư dân được xét duyệt vay vốn. “Các văn bản chúng tôi có được chưa có hướng dẫn cụ thể, hay quy định rõ ràng ai đủ điều kiện và điều kiện đó như thế nào mới được vay vốn theo quy định. Cái này vô hình trung làm khó cho các địa phương vì số lượng ngư dân tham gia đăng ký thì đông, còn chỉ tiêu thì có hạn. “Tôi mong muốn Chính phủ, Bộ phải có hướng dẫn rõ ràng, đưa ra tiêu chí cụ thể đối với đối tượng ngư dân được vay vốn, từ đó sẽ giúp cho các tỉnh, thành giải tỏa được rất nhiều áp lực khi xét duyệt chỉ tiêu cho ngư dân được vay” - ông Viết nói.

Cũng liên quan đến tiêu chí xét được vay vốn, bà Trần Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trình bày thêm Chính phủ, Bộ NN&PTNT cần làm việc cụ thể với năm ngân hàng được Chính phủ chỉ định trong việc giải ngân vốn ưu đãi cho ngư dân, đề ra tiêu chí cụ thể trong điều kiện xét duyệt cho ngư dân được vay vốn. “Các ngân hàng phải nói rõ tiêu chí vay vốn của họ có giống tiêu chí của Chính phủ quy định không? Điểm này tôi nghĩ cần phải làm rõ ràng để tránh trường hợp các tỉnh đã xét duyệt nhưng khi ngư dân đưa hồ sơ ra ngân hàng thực hiện vay vốn thì bị phía ngân hàng từ chối với lý do: Những tiêu chí của những ngư dân này không đúng với tiêu chí vay vốn của ngân hàng” - bà Hà đề nghị.

AN BÌNH

Ngư dân đang rất cần các tàu hậu cần phục vụ nghề cá

Việc đóng tàu cá vỏ thép tuy chậm nhưng rất cần thiết với ngư dân. Bên cạnh hỗ trợ cho vay đóng tàu khai thác, Nhà nước cần có các hỗ trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, đặc biệt đào tạo nghề cho ngư dân; tổ chức đội tàu thu mua trên biển. Thực tế, hiện nay lực lượng lao động biển đang thiếu trầm trọng. Nếu đóng tàu ồ ạt thì càng thiếu nữa. Ngư dân cần nhất hiện nay là các tàu hậu cần phục vụ nghề cá.

Ngư dân BÙI THANH NINH,  xã Tam Quang Bắc,
huyện Hoài Nhơn, Bình Định

- Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, hiện cả nước có hơn 127.000 tàu cá, tuy nhiên, tàu cá đánh bắt xa bờ chỉ có 28.000; tổng sản lượng đánh bắt khoảng 2 triệu tấn/năm.

- TS Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn, thẩm định kỹ thuật (Bộ NN&PTNT), cho biết hiện đã có 21 mẫu tàu vỏ sắt đã được thiết kế, trong đó có hai mẫu tàu đã hoàn chỉnh. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là những mẫu tàu được giới thiệu đến ngư dân để lựa chọn.

- Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay năm ngân hàng cam kết dành 14.000 tỉ đồng để cho vay chương trình, cụ thể: Ngân hàng Agribank đăng ký 5.000 tỉ đồng, BIDV - 3.000 tỉ đồng, VietinBank - 3.000 tỉ đồng, MHB - 2.000 tỉ đồng, Vietcombank - 1.000 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm