Phụ phẩm độc hại ngành thép đi đâu? - Bài 2: Xỉ thép đổ bừa, đất phế ngổn ngang

Trên số báo trước, chúng tôi nêu thực trạng ở Bà Rịa-Vũng Tàu tồn đọng hàng trăm ngàn tấn bụi thép chưa có nơi xử lý. Cạnh đó, xỉ thép và đất phế (tạp chất từ phế liệu) phát sinh từ các nhà máy thép trên địa bàn cũng chưa được cơ quan chức năng kiểm soát.

Xỉ thép nhiều, xử lý ít

Theo công suất thiết kế, năm nhà máy thép đang hoạt động tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (gồm: Nhà máy thép Pomina 2, Pomina 3, Nhà máy thép Phú Mỹ, Đồng Tiến và Nhà máy thép Fuco) phát sinh khoảng 650.000 tấn xỉ thép/năm. Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết hiện các nhà máy đang hợp đồng chuyển giao xỉ thép cho Công ty TNHH Vật Liệu Xanh (Bà Rịa-Vũng Tàu). Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty Vật Liệu Xanh, dù đã ký hợp đồng nhưng trong thời gian qua, chỉ có hai nhà máy thường xuyên giao xỉ thép là Pomina 2 và Nhà máy thép Phú Mỹ. Những nhà máy còn lại chuyển giao rất ít, xỉ thép còn lưu giữ xỉ tại nhà máy hoặc đưa đi đâu không rõ. Đơn cử, theo công suất thiết kế, Nhà máy thép Pomina 3 phát sinh đến 200.000 tấn xỉ/năm nhưng trong năm qua nhà máy này chỉ giao cho Công ty Vật Liệu Xanh khoảng 1.000 tấn. Vậy xỉ thép còn lại đi đâu?”.

Phụ phẩm độc hại ngành thép đi đâu? - Bài 2: Xỉ thép đổ bừa, đất phế ngổn ngang ảnh 1

Công nhân sàng lọc lấy kim loại từ đất phế tại một cơ sở không tên ở xã Phước Hòa (huyện Tân Thành). Ảnh: TT – KB

Đầu tháng 6-2013, trong báo cáo gửi Tổng cục Môi trường về tình hình phát sinh chất thải từ các nhà máy thép, Sở TN&MT cho biết số xỉ thép các nhà máy đã chuyển giao cho Công ty Vật Liệu Xanh khoảng 110.6440 tấn. Khối lượng xỉ thép đang lưu giữ tại các nhà máy còn hơn 35.000 tấn. “Việc lưu giữ xỉ thép tại các nhà máy chưa đúng quy định, xỉ thép còn để ngoài trời, chưa có mái che, nước mưa chảy tràn qua khu vực này chưa được thu gom, xử lý theo quy định… Nhà máy của Công ty Vật Liệu Xanh chưa hoạt động hết công suất dẫn đến khối lượng xỉ phát sinh trên địa bàn tỉnh chưa được xử lý kịp thời, tồn đọng quá lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi” - Sở TN&MT nhìn nhận.

Nguồn tin từ Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an (C49) còn cho hay cuối tháng 6-2013, tổ trinh sát của C49 phát hiện nhiều xe chở xỉ thép từ Bà Rịa-Vũng Tàu về đổ trái phép ở địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hiện vụ việc đang được C49 kết hợp với PC49 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ tình trạng dùng xỉ thép san lấp mặt bằng trái phép ở tỉnh này.

Đất phế đổ tràn lan

“Ngoài bụi lò, xỉ thép thì đất phế (tạp chất từ phế liệu) cũng là phế phẩm của ngành thép chứa nhiều thành phần nguy hại, cần phải được kiểm tra, kiểm soát. Thế nhưng trong các báo cáo về tình hình phát sinh chất thải từ các nhà máy thép chưa thấy Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề cập đến loại chất thải này” - một cán bộ của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) nhận định.

Phụ phẩm độc hại ngành thép đi đâu? - Bài 2: Xỉ thép đổ bừa, đất phế ngổn ngang ảnh 2

Xỉ thép đổ ngổn ngang trong khuôn viên một nhà máy thép ở Bà Rịa-Vũng Tàu đang được cảnh sát môi trường điều tra làm rõ. Ảnh: TT – KB

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ít nhất có hai cơ sở tái chế đất phế với số lượng lớn nhưng không có giấy phép hoạt động. Đó là cơ sở của Công ty TNHH Quý Tiến tại ấp 6, xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành) và một cơ sở không tên tại khu vực khai thác đá Phước Hòa (huyện Tân Thành). Vào tháng 10-2012, tổ công tác của C49 bất ngờ kiểm tra cơ sở của Công ty Quý Tiến ở địa chỉ trên và phát hiện tại đây đang san lấp trái phép hơn 1.800 m3 chất thải được xác định là đất thải sau quá trình sàng lấy phế liệu. Đại diện Công ty Quý Tiến khai nhận đây là đất phế do công ty thu gom từ Nhà máy thép Pomina 2.

Cuối tháng 6-2013, trở lại cơ sở nói trên của Công ty Quý Tiến, chúng tôi nhận thấy chất thải màu nâu đen giống đất phế liệu vẫn còn chất hàng đống cao trong khuôn viên của công ty. Ước tính lượng chất thải này có thể hàng chục ngàn tấn.

Tại cơ sở không tên ở một khu đất trống tại khu vực khai thác đá Phước Hòa, theo ghi nhận của chúng tôi lượng đất phế đưa về đây hiện nay cũng rất nhiều. Công nhân ở đây dùng các tấm lưới hoặc nam châm sàng lọc lấy phế liệu, bỏ vào bao, còn đất thì đổ ngổn ngang. Khi mưa xuống, đất phế cuốn trôi chảy theo suối, phát tán ra khắp nơi. Người dân địa phương cho biết cơ sở tái chế tạp chất phế liệu này đã hoạt động từ năm 2012 đến nay nhưng chưa thấy ai kiểm tra, xử phạt.

Phụ phẩm độc hại ngành thép đi đâu? - Bài 2: Xỉ thép đổ bừa, đất phế ngổn ngang ảnh 3

Cấm cho, mua bán tạp chất phế liệu

Các chuyên gia về môi trường cho biết nếu không kiểm tra chặt, trong phế liệu nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất thép có thể còn những tạp chất chứa chất thải nguy hại như dầu nhớt, chì, thủy ngân… Do đó, tại Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường quy định, các tạp chất đi kèm phế liệu nhập khẩu không được cho, mua bán. Việc mua bán, tái chế đất phế trái phép có nguy cơ phát tán các chất độc hại ra môi trường rất cao.

TRUNG THANH - KHANG BÁCH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm