ĐBQH ĐẶNG THUẦN PHONG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Quan chức tranh suất đi Olympic: Đi quản lý cái gì?

Ai cũng nhìn thấy chuyện này, cứ lạm dụng chuyện này để đưa quan chức đi thay suất thì đó là cái đau của thể thao. Nếu như thế này mãi thì làm sao ngân sách đầu tư cho thể thao hiệu quả.

Theo tôi, với 23 VĐV thi đấu 10 môn, thêm 10 HLV với năm bác sĩ (mỗi bác sĩ phụ trách hai môn), thêm hai bác sĩ tâm lý cộng ba cán bộ quản lý (một trưởng đoàn, một phụ trách hậu cần, một lo đối ngoại) thì cũng đâu có tới 50 người? Tình trạng này không riêng gì Olympic mà ngay cả SEA Games, Asiad đều như thế cả. Điều này dứt khoát phải tránh, nếu còn như thế thì thể thao Việt Nam thiếu lòng tin ở khán giả, ở nhân dân nhiều lắm.

Với một đoàn thể thao đi thi đấu quốc tế, ngoài VĐV thì HLV và bác sĩ phải là ưu tiên số một. Bởi VĐV mình qua nước ngoài đang khác múi giờ, chế độ ăn uống cũng khác, điều kiện tập luyện cũng khác, giấc ngủ chưa ổn, thi đấu chưa phù hợp điều kiện tâm sinh lý. Những cái đó cần lực lượng bác sĩ lo cho cả sức khỏe lẫn tâm lý của VĐV. (Theo Infonet)

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội VŨ MÃO:

Trên dưới còn nể nang nhau lắm

Nếu có điều đó thì phải thay đổi lề lối và cách thức làm việc. Nếu trước đây không giao rõ thì giờ giao rõ đi. Bây giờ giao Văn phòng Chính phủ hay bộ này, bộ kia làm việc này, nếu chưa hiệu quả thì truy trách nhiệm, đưa ra kiểm điểm các vị ấy một cách minh bạch, công khai, kể cả công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lâu nay chúng ta chưa làm như thế, cứ “bắn chỉ thiên” thôi, như thế thì làm sao quy trách nhiệm được. Chúng ta cũng lập ra tổ chức này, tổ chức khác nhưng phải nói là hiệu quả không cao.

Nếu không làm được thì phải kiểm điểm, phải chịu trách nhiệm. Nhưng thực tế, trên dưới còn nể nang nhau lắm, “dễ anh dễ tôi” mà! Thậm chí còn có quan điểm nếu kỷ luật thì lấy ai mà làm.

Bây giờ, theo chỉ đạo của Thủ tướng mà cũng là mệnh lệnh của nhân dân: Ưu điểm cần đánh giá cao và phải được phát huy, còn khuyết điểm thì phải kiểm điểm sâu sắc để rút kinh nghiệm, nếu nghiêm trọng thì phải kỷ luật. Quy trách nhiệm cụ thể với người đứng đầu rất cần thiết, đó cũng là cốt lõi của vấn đề nói đi đôi với làm.

(Theo Tiền Phong)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm