Quần đảo tìm 4 thuyền viên tàu VTB26 mất tích

Đến tối 18-7, bốn thuyền viên trên tàu VTB26 lật úp trên vùng biển Cửa Lò vẫn chưa được tìm thấy. Bảy thuyền viên được cứu sống vẫn đang điều trị tại BV đa khoa thị xã Cửa Lò. Thi thể hai thuyền viên được tìm thấy đã được đưa về quê nhà để tổ chức lễ an táng.

Lực lượng cứu nạn đang khẩn trương tìm kiếm bốn thuyền viên còn lại.

Mở rộng vùng tìm kiếm

Sáng 18-7, Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Quốc phòng), đã yêu cầu các lực lượng mở rộng vùng tìm kiếm các thuyền viên mất tích trên biển. Theo ông Nghĩa, trong số những thuyền viên được cứu vớt có trường hợp cách hiện trường tới 8 km. Vì vậy lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn sẽ mở rộng vùng biển tìm kiếm cả trên biển lẫn vùng ven bờ. Biên phòng tuyến biển từ khu vực Nam Thanh Hóa đến Bắc Hà Tĩnh tăng cường quan sát vùng ven biển tìm kiếm thuyền viên bị nạn.

Tại Nghệ An, trạm chỉ huy tiền phương đã huy động hàng chục tàu thuyền của biên phòng Nghệ An và Hà Tĩnh, cảnh sát biển, quân sự, các tàu SAR411 cùng hàng chục tàu cá của ngư dân quần đảo tìm kiếm các nạn nhân.

Chiều 18-7, lực lượng cứu hộ phát hiện, vớt được hai chiếc áo phao đã rách bươm ở khu vực phía Bắc đảo Ngư.

Sở chỉ huy tiền phương quan sát trên bản đồ bàn phương án tìm kiếm thuyền viên đang mất tích. Ảnh: ĐẮC LAM

Đội thợ lặn Nghệ An, Hải Phòng, Đà Nẵng cũng đến vùng biển, lặn vào khoang tàu để tìm kiếm.

Sau khi lặn khảo sát, các thợ lặn thông tin: Thân tàu VTB26 lập úp nằm giữa dòng chảy của nước sông Lam đổ ra, sóng cuộn xoáy xung quanh tàu. Nước quá đục, đội thợ lặn chưa thể tìm kiếm trong thân tàu.

Ông Nguyễn Văn Tính, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, cho biết: Trước mắt, ngày hôm nay (19-7), các thợ lặn sẽ vào trong tàu tìm xem có thuyền viên nào còn mắc kẹt bên trong, sau đó sẽ quyết định phương án tìm kiếm tiếp theo là huy động hai cặp tàu giã cào để quét đáy biển Cửa Lò, huy động cả flycam vào tìm kiếm trên mặt nước. Biên phòng và quân sự Nghệ An cũng đưa lực lượng và các tàu chở thiết bị ra hỗ trợ công tác lặn vào tàu VTB.

Cuối giờ chiều, tại sở chỉ huy tiền phương, ông Tính yêu cầu tàu ngư dân và tàu hàng tạm dừng tìm kiếm, các tàu của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng vẫn tiếp tục tìm kiếm xuyên đêm.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã đến kiểm tra công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, vào bệnh viện thăm hỏi, tặng quà các thuyền viên đang điều trị.

Người thân trắng đêm chờ đợi

Hai ngày qua, hàng chục người thân của các thuyền viên đã đến cảng Cửa Lò đứng ngóng ra biển. Phía chủ tàu đã thuê phòng khách sạn cho họ nghỉ nhưng họ thức trắng đêm chờ đợi.

Ngồi ở hành lang cảng vụ Cửa Lò, chị của thuyền viên Nguyễn Văn Dương cho hay: Vợ của Dương vừa sinh con đầu lòng nên không thể vào tìm chồng. Gia đình mong điều kỳ diệu xảy ra với Dương. “Về đi, con của em còn bé nhỏ quá mà...” - người phụ nữ bật khóc.

Chị Lưu Thị Dung (vợ thuyền viên Nguyễn Văn Xuân) khóc, nói: Sáng 17-7 người em đọc thông tin trên báo đã gọi điện thoại thông báo cho chị rằng tàu hàng mà anh Xuân đang đi chở than từ Hải Phòng về Cửa Lò đã bị sóng biển đánh chìm… Đến buổi trưa, đại diện tàu VTB26 gọi điện thoại thông báo cả 13 thuyền viên trên tàu đều rơi xuống biển, anh Xuân mất tích. Cả nhà bàng hoàng. “Trước khi tàu bị chìm, hai vợ chồng tôi vẫn nhắn tin cho nhau. Anh Xuân có cho biết rất mệt do sóng to gió lớn, tàu rung lắc liên hồi. Anh em trên tàu không ai ăn uống được gì cả. Khoảng 12 giờ đêm 16-7, tôi có gọi điện thoại nhưng anh không nghe máy…” - chị khóc nói.

Cha của thuyền viên Nguyễn Hải Quyết trầm ngâm: “Vợ chồng tôi có hai con, một trai, một gái. Quyết là con đầu. Sau khi tốt nghiệp CĐ Hàng hải, nó học thêm lớp sĩ quan rồi sau đó tham gia đi biển với tàu VTB26 được gần một năm nay. Cầu mong con tôi còn sống sót”.

Theo ông, chiều 16-7, trước khi bão vào, anh Quyết gọi điện thoại về nhà và cho biết sóng gió rất lớn và anh em thuyền viên đang bám trụ trên tàu neo trên biển Cửa Lò. “Lẫn trong tiếng gió rít, sóng vỗ, con nó còn gọi điện thoại về cho vợ chồng tôi nói bão gần vào rồi nên bố mẹ xem nhà cửa chỗ nào còn yếu thì chằng chống thêm. Con ở đây có anh em trên tàu nên bố mẹ không phải lo cho con” - người cha quệt nước mắt nói…

Cuối buổi chiều, người thân của các thuyền viên ngóng ra biển và cầu mong điều kỳ diệu sẽ xảy ra.

• Thanh Hóa: Ngày 17-7, anh Nguyễn Anh Văn ở xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy xuống sông Mã vớt dây phao, bị nước lũ cuốn trôi. Còn trên sông Âm đoạn chảy qua địa phận xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc, chiều 17-7 anh Lê Hữu Hải cũng bị nước lũ cuốn.

Tuy nhiên, báo cáo về thiệt hại do mưa lũ chiều 17-7, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa không đề cập hai nạn nhân này.

Trước đó, chủ tịch tỉnh Thanh Hóa có chỉ đạo xã nào, huyện nào để xảy ra thiệt hại về người, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

• Nghệ An: Theo thống kê có sáu người chết và bốn thuyền viên đang mất tích do bão số 2. Bốn tàu gồm tàu Thái Hà 88, Thái Hà 26 đều mắc cạn ở Cửa Lò; tàu Việt Dũng 36, Minh Khánh 09 mắc cạn dọc sông Lam.

Tỉnh vẫn chưa thống kê được hết thiệt hại do bão và mưa, lũ.

Đ.TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm