Quản lý nhà, đất công tại TP.HCM và những điều kỳ lạ

TP cũng than ngân sách hạn hẹp nên nhiều dự định kế hoạch lớn cần triển khai bị kéo dài. Vậy mà cũng ngay bên cạnh, hàng ngàn địa chỉ nhà, đất do Nhà nước trực tiếp quản lý lại đang bị bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả.

Quy định về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã được thể hiện qua Quyết định 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ từ 11 năm trước. Mới đây nhất là Nghị định 167/2018 của Chính phủ. Hay lùi về quá khứ xa hơn nữa, năm 2001, Chính phủ cũng ban hành Quyết định 80 để quy định việc sắp xếp lại và xử lý nhà đất do Nhà nước trực tiếp quản lý riêng trên địa bàn TP.HCM. Vậy thì vì sao trong suốt cả một quãng thời gian dài, TP.HCM vẫn thả lỏng công tác quản lý nhà, đất công để dẫn đến hàng loạt địa chỉ nhà, đất công lãng phí từng ngày, từng giờ? Phải chăng vì “cha chung” nên không ai khóc hay do những lợi ích nào mà người ta nhất định không trả đất, thà bỏ hoang?

Điều lạ lùng là hiện nay việc quản lý và sử dụng nhà, đất công đang được giao cho hàng loạt cơ quan, đơn vị quản lý, khai thác và sử dụng, cấp nào cũng có. Từ cấp UBND TP, Sở TN&MT, Sở Xây dựng, 24 quận, huyện, công ty dịch vụ công ích 24 quận, huyện, các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP. Thậm chí có những cơ quan không có chức năng kinh doanh nhưng cũng đứng ra ký hợp đồng cho thuê các địa chỉ nhà, đất công. Cụ thể như Phòng TN&MT quận 6, Phòng Tài chính-Kế hoạch quận 11, Văn phòng HĐND quận 10 và UBND các phường tại quận 10.

Một vấn đề đáng ngạc nhiên khác, cũng là nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí, thậm chí là thất thoát ngân sách nhà nước từ hàng chục năm qua đó là giá thuê nhà, đất công. Trong cơ cấu giá thuê nhà, đất công hiện nay gồm hai phần: Một là giá nhà được căn cứ theo Quyết định 3346 của UBND TP ban hành từ năm 1994; thứ hai là giá đất, căn cứ vào Quyết định 50 và 51/2014, Quyết định 35/2015 của UBND TP. Thật khó tin khi ở thời điểm hiện tại, “tấc đất, tấc vàng” nhưng giá thuê nhà, đất quá lạc hậu mà không hề có phương án thay thế. Các đơn vị quản lý báo cáo đã rất nhiều lần đề xuất lên các sở, ngành chức năng và TP nhưng đến nay vẫn chưa ban hành giá mới. Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (hiện đang quản lý nhiều nhà đất công, trong đó có việc cho thuê các mặt bằng kho bãi) cho hay với mỗi mặt bằng kho bãi, công ty này đều có văn bản kèm theo phương án giá trình UBND TP và các sở, ngành có liên quan. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, liên tục trong thời gian năm năm, hơn 10 lần doanh nghiệp này có văn bản đề nghị phê duyệt đơn giá mặt bằng nhưng đều rơi vào im lặng! “Tại sao có câu chuyện này?” - vị phó Ban Kinh tế Ngân sách HĐNT tâm tư. Đó cũng là suy nghĩ chung của người dân TP.

Một đô thị lớn như TP.HCM đòi hỏi nguồn vốn cực lớn để đầu tư và phát triển đô thị cũng như giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Không ít dự án TP phải chạy đôn chạy đáo để vay vốn đầu tư trong khi đó một nguồn lực khổng lồ từ hàng chục ngàn địa chỉ nhà, đất công hiện lại không được tận dụng. Đã đến lúc TP cần phải quyết liệt vào cuộc để giải quyết triệt để bài toán lãng phí tài sản công để tạo nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội. Nguồn lực đôi khi không ở đâu xa mà nằm ngay ở trước mắt mình!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm