‘Quản lý nợ công không đâu giống ta’

Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi trong buổi thảo luận tổ về Luật Quản lý nợ công (QLNC) chiều 30-5 rằng: “Tồn tại lớn nhất về QLNC là gì? Đó là ba cơ quan cùng QLNC. Một người đàm phán đi vay, một người cho vay và một người trả nợ. Không có quốc gia nào giống chúng ta”.

Cần tập trung vào một đầu mối

Theo Chủ tịch QH, ở các nước, ngân hàng nhà nước (NHNN) không phải là thành viên chính phủ mà là ngân hàng trung ương của các ngân hàng. Bộ Tài chính đi vay, đàm phán và nằm trong các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế. “Ở ta, NHNN được coi là cơ quan ngang bộ, thành viên Chính phủ nên được cử tham gia các tổ chức quốc tế. Các cuộc họp thường niên các nước cử bộ trưởng tài chính ngồi, còn ta là thống đốc NHNN ngồi”.

Chủ tịch QH cũng cho rằng QLNC còn rất nhiều bất hợp lý. “Cái gì cho ai làm quen rồi, khó nhả ra lắm” - Chủ tịch QH nói.

Dẫn chứng cụ thể, Chủ tịch QH cho biết ký kết ODA là Bộ KH&ĐT, ký kết với các tổ chức tài chính quốc tế là NHNN, Bộ Tài chính được giao thống nhất quản lý về nợ công. “Vấn đề nói mãi không sửa được. Nên cứ phải phân nhánh: một người đi vay, một người dùng, một người trả nợ” - Chủ tịch QH nói.

Đại biểu (ĐB) Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng cho rằng cần tập trung thống nhất một đầu mối QLNC, không nên phân tán. “Tôi thấy thời gian qua Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm về các khoản vay ODA, vay ưu đãi, NHNN thì vay các tổ chức tài chính quốc tế, còn Bộ Tài chính thì các hình thức khác trong nước hay quốc tế” - ông Cường nói và cho rằng khi vay thì hình thức này có ưu điểm nhưng giai đoạn hiện nay cần quản lý chặt, vay phải gắn với trả nợ.

“Tập trung vào một đầu mối và đầu mối này chịu trách nhiệm trước hết là trả nợ là hợp lý. Ai trả nợ được thì mới nghĩ chuyện vay” - ông Cường nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Tồn tại lớn nhất về  quản lý nợ công là ba cơ quan cùng quản lý nợ công. Ảnh: CHÂN LUẬN.

Rủi ro vẫn rất cao

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết dù tình hình nợ công đã được cải thiện một bước nhưng vẫn còn những rủi ro rất cao. “Thời gian qua nợ công tăng rất nhanh, gần mức 60% GDP. Giai đoạn 2011-2015, nợ công tăng quá nhanh” - ông Dũng cho hay và giải thích: “Tăng trưởng GDP không đạt, ứng phó với biến động kinh tế thế giới và trong nước nên chúng ta phải vay nợ nhiều hơn để đáp ứng việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo an sinh xã hội. Một thời gian dài bội chi vượt trần và nợ công tăng nhanh”.

Sau khi đề cập đến các khoản vay cũng như việc phát hành trái phiếu, Bộ trưởng Dũng nói: “Thực tế là nợ công cũng đã gần chạm trần. Luật Ngân sách nhà nước quy định nếu thu không đạt dự toán thì phải giảm chi. Nhưng những năm vừa qua, chúng ta không làm được điều đó, thậm chí còn tăng chi nên gánh nặng dồn vào nợ công”.

Cho rằng đây là vấn đề rất bức xúc, Bộ trưởng Dũng đề nghị ĐB hiến kế cho Chính phủ: “Nếu nói thẳng tăng thu không được thì không chi thì quá đơn giản. Nhưng cuộc sống thì khác, không làm vẫn phải ăn. Nên gánh nặng dồn vào ngân sách nhà nước” - Bộ trưởng Dũng nói.

ĐB Phạm Phú Quốc và Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đều cho rằng bội chi ngân sách kéo dài nhưng không ai chịu trách nhiệm nên nợ công tăng cao. Tính hiệu quả của các dự án đầu tư không được chú trọng cũng là một lý do khiến nợ công tăng cao.

Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng nợ công vừa qua còn có nguồn gốc từ tham nhũng và lãng phí. “Chúng ta cần xem lại trách nhiệm và lương tâm đối với thế hệ sau trong vấn đề này” - ông Nghĩa nói và đề xuất cần đưa nợ của doanh nghiệp nhà nước vào báo cáo nợ công để theo dõi.

“Không thể nào phủi tay đối với hơn 400 tỉ USD mà doanh nghiệp nhà nước đang nợ” - ông Nghĩa cảnh báo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm