Quốc hội bàn lúc nào được nổ súng

Chiều 2-6, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Dự kiến dự án luật trên sẽ được QH biểu quyết thông qua trong kỳ họp này.

Khó có đủ thời gian “thẩm định”

Theo đó, báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ QH cho rằng dự thảo luật đã quy định nguyên tắc chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và phải hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra. Đồng thời, các trường hợp cụ thể được nổ súng bảo đảm tương xứng với tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật, phù hợp với quy định về phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết.

Dù vậy, vẫn còn ý kiến đề nghị không quy định lấy mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội làm căn cứ quyết định nổ súng vì việc xác định mức độ nghiêm trọng của hành vi phải do cơ quan có thẩm quyền xác định theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, người thi hành công vụ không thể xác định được khi quyết định nổ súng.

Đại biểu (ĐB) Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho rằng quy định đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến sức khỏe nhưng không phải là tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác thì không được nổ súng là không hợp lý. “Sức khỏe cũng là một trong những yếu tố quan trọng và liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, cần được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, khi đặt trong tình thế nguy hiểm và cấp bách thì người thi hành công vụ không có đủ thời gian, không có đủ minh mẫn để xác định rõ trường hợp nào họ hoặc người khác đang bị đe dọa tính mạng hay chỉ bị gây nguy hiểm đến sức khỏe. Vì thế, tôi kiến nghị bổ sung như sau: Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác” - ĐB Tín nói.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nêu ý kiến về quy định “Người thi hành công vụ phải nhận định những trường hợp phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tái phạm nguy hiểm mới được nổ súng”. Ảnh: QH

Sao xác định được mức độ nghiêm trọng?

Tương tự, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) bày tỏ băn khoăn về quy định: “Người thi hành công vụ phải nhận định những trường hợp phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tái phạm nguy hiểm mới được nổ súng” là làm khó và thực tiễn không thực hiện được.

ĐB này cho rằng muốn xác định tội danh cần cả một quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thậm chí đến khi tòa tuyên án mới xác định được phạm tội ở trường hợp nào mà giờ ta quy định người thi hành công vụ phải biết, phải phân biệt ngay trong tình huống đó thì không thực tiễn và không thể áp dụng được.

Theo ĐB Bình, việc sử dụng một số từ ngữ như “biết rõ” đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng... cần suy nghĩ lại vì Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định rõ: Một người chỉ bị coi là có tội khi bản án có hiệu lực pháp luật của tòa, chưa có bản án có hiệu lực thì làm sao biết người ta có phạm tội hay không. “Cho nên phải hết sức thận trọng câu chữ vì nếu không sẽ rất khó thực tế” - ông Bình nêu.

Giải trình về các ý kiến góp ý của ĐBQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Võ Trọng Việt cho biết so với dự thảo luật trước, dự thảo lần này đã cụ thể hóa khá rõ quyền được nổ súng, trường hợp nổ súng có cảnh báo và nổ súng không cần cảnh báo. Chúng ta xác định đây là luật gốc nên sẽ là cẩm nang và pháp lý cao nhất cho các luật chuyên ngành về thẩm quyền này. “Ủy ban đã làm việc với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an - những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ. Anh em thấy rằng luật thế là rõ, đảm bảo thực hiện tốt” - ông Việt nói.

Đại diện cho cơ quan chủ trì soạn thảo, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn tiếp thu, chỉnh lý để trình ra QH thông qua dự án luật này vào ngày 20-6.

Cho ý kiến về báo cáo tiền khả thi cao tốc Bắc-Nam

Cuối giờ chiều 2-6, Ủy ban Thường vụ QH đã họp phiên thứ 11 với hai nội dung cho ý kiến về việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm hai thẩm phán TAND Tối cao và cho ý kiến về báo cáo tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đây là nội dung đã được đặt ra trước khi khai mạc kỳ họp nhưng để thêm thời gian chuẩn bị, nhất là công tác cán bộ nên Thường vụ QH chưa đưa vào chương trình. Tuy nhiên, việc đưa vào chương trình hai nội dung này là cần thiết, đây là lần đầu tiên từ đầu nhiệm kỳ tới nay mới tiến hành xem xét việc bổ sung nội dung chương trình đã báo cáo.

Với nội dung cho ý kiến về việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm hai thẩm phán TAND Tối cao, nội dung này Bộ Chính trị đã cho ý kiến. Còn nội dung xem xét cho ý kiến về báo cáo tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, sau khi thống nhất tại phiên họp này Thường vụ QH sẽ tiếp tục chuẩn bị trình ra QH.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm