Quốc hội bàn về bảo hiểm cho người nghèo, người yếu thế

Ngày 25-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tại các tổ thảo luận, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) QH quan tâm trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm là bảo hiểm cho người nghèo, người yếu thế mà thuật ngữ gọi là “bảo hiểm vi mô”.

ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế,
nêu ý kiến về bảo hiểm vi mô. Ảnh: HOÀNG HẢI

Dùng bảo hiểm vi mô để thực hiện an sinh xã hội

Điều 114 của dự luật giải thích: “Bảo hiểm vi mô là loại hình bảo hiểm dành cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản trước những rủi ro có thể xảy ra”.

ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng: “Trong các vấn đề kinh doanh bảo hiểm vi mô thì tỉ trọng an sinh chiếm phần lớn nhưng lại thực hiện qua kinh doanh… Theo tài liệu, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang thực hiện hiệu quả mô hình này. Họ có đề nghị nhiều nội dung và có thể tiếp thu đưa vào luật”.

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhìn nhận bảo hiểm vi mô là vấn đề lớn, có thể tạo ra tranh luận. Thực tế, theo ông Lâm, đây là một trong các loại hình bảo hiểm đã được quy định. Nếu dùng bảo hiểm vi mô để thực hiện an sinh xã hội thì tốt.

“Mục tiêu chính sách cho các đối tượng yếu thế là tốt, đúng. Làm được thì phải quyết tâm làm để phát huy hiệu quả” - ĐB Lâm nói và cho rằng cần thiết kế cho phù hợp. Bởi lẽ các sản phẩm bảo hiểm hiện hành có thể là “cao cấp”, còn bảo hiểm vi mô thì thiết kế lại cho các đối tượng khác.

“Quan trọng nhất, bảo hiểm vi mô nếu có lãi thì không cần quy định doanh nghiệp cũng làm. Vậy phải đưa ra chính sách để doanh nghiệp hăng hái tham gia” - ông Lâm nói và đề xuất rằng chỉ cần đưa thêm giải thích và nêu thông điệp “Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp phát triển loại hình bảo hiểm vi mô để người yếu thế được tham gia bảo hiểm”.

ĐB Trịnh Xuân An nói thêm về mặt chính trị thì đưa bảo hiểm vi mô vào luật là tốt nhưng cần phải tiếp thu các nội dung ở dự thảo “nghị định không đầu” trước đây liên quan đến vấn đề này (Chính phủ đã từng trình dự thảo nghị định về bảo hiểm vi mô hồi tháng 7-2020 nhưng Ủy ban Thường vụ QH bác bỏ do tiềm ẩn rủi ro khó lường - PV). Thực tế bảo hiểm vi mô đang được thực hiện có hiệu quả thì chỉ cần đưa thêm nguyên tắc, định hướng vào luật.

Hướng đến người nghèo thì cần nhanh, thuận lợi

Là ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế tham gia thẩm tra dự luật, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) giải thích rõ hơn về bảo hiểm vi mô. Ông cho hay Chính phủ đã từng có báo cáo rất rõ về loại bảo hiểm này, từ khi bắt đầu thực hiện đến các đối tượng tham gia.

“Đây là hình thức bảo hiểm khác so với bảo hiểm thông thường. Nó dành cho các hộ cận nghèo, nghèo, người yếu thế, vùng sâu, vùng xa, đời sống khó khăn. Việt Nam có 6,4% hộ nghèo, cận nghèo mà luật này hướng tới, chưa tính các đối tượng yếu thế. 10%-15% thị trường bảo hiểm trong nước là hướng đến bảo hiểm vi mô” - ĐB Hùng khái quát.

Ông Hùng cũng cho hay: Phí bảo hiểm của loại hình này thấp, thường 100.000-300.000 đồng/năm, sản phẩm bảo hiểm này đơn giản, dễ hiểu, gắn với vật nuôi, cây trồng, sức khỏe và hỗ trợ tai nạn. Thủ tục chi trả cũng nhanh và dễ dàng.

“Tại sao đặt ra bảo hiểm này? Là để bảo đảm tiếp cận tài chính toàn diện cho cả xã hội tham gia” - ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, bảo hiểm vi mô manh nha từ năm 1998, vận hành chính thức vào năm 2008. Năm 2014, Chính phủ cho phép Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thí điểm mô hình này. Sau năm 2008, có ba doanh nghiệp nước ngoài tham gia nhưng đến nay chỉ còn một doanh nghiệp phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục thực hiện, triển khai bảo hiểm đến các thành viên.

“Hiện có 130.000 người tham gia, tổng số tiền khoảng 8 tỉ đồng. Bảo hiểm này không hiệu quả, chi phí cao, đối tượng tiếp cận khó, nghề nghiệp người tham gia bất định. Về mặt an sinh xã hội thì có thể giúp cho người nghèo, người yếu thế trong những trường hợp rủi ro nhất định” - ông Hùng nói và đề nghị cần đánh giá kỹ hơn.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay: Bảo hiểm vi mô là hình thức đặc thù. Số lượng người thì đông, chủ yếu là yếu thế. Lực lượng tham gia thực hiện bảo hiểm vi mô không phải là chuyên nghiệp, đa số là cán bộ, công chức kiêm nhiệm. Lợi nhuận bảo hiểm này không cao nên doanh nghiệp ít tham gia, chỉ có thể triển khai qua các “tổ chức tương hỗ” là các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.

“Tuy vậy, loại hình bảo hiểm này mang lại lợi ích cho người nghèo, người yếu thế” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Về ý kiến nói cần đưa các nội dung ở dự thảo “nghị định không đầu” trước đây vào luật, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói loại hình bảo hiểm vi mô hiện vẫn đang được thí điểm và tiếp tục nghiên cứu nên trong dự luật quy định khá chặt.

“Vấn đề này chúng tôi đề xuất giao Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn vì nếu đưa hết vào và quy định cứng ở luật là rất khó. Một khi bảo hiểm vi mô phát triển rộng, với một đơn vị thực hiện không chuyên nghiệp mà vỡ hay mất mát, thiếu hụt thì tác hại rất lớn. Bởi bảo hiểm vi mô liên quan đến số đông” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải thích.•

Các vấn đề lớn cơ bản đã được giải quyết

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết đây là một trong bảy dự án luật đầu tiên mà QH khóa XV xây dựng. Với tinh thần vào cuộc từ sớm và kỹ lưỡng, các cơ quan của QH đã tham gia đóng góp, xây dựng. Quá trình góp ý, tiếp thu nhiều vòng và cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc, các vấn đề lớn cơ bản đã được giải quyết.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng: Cần tiếp tục nghiên cứu thêm về bảo hiểm vi mô. Trong đó, cần tiếp tục nghiên cứu Chiến lược tài chính toàn diện để thể chế hóa bảo hiểm vi mô trong dự án luật này bởi chiến lược tài chính toàn diện là do Ngân hàng Nhà nước xây dựng nhưng bảo hiểm vi mô lại thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.

Bảo hiểm vi mô đến được với người dân vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người yếu thế thì rất tốt nên cần tổng kết, đánh giá cả việc thực hiện hình thức bảo hiểm vi mô do các tổ chức chính trị xã hội thực hiện thời gian qua, nhất là do Mặt trận Tổ quốc và Hội Phụ nữ thực hiện để quy định cụ thể hơn về bảo hiểm vi mô trên cơ sở chiến lược tài chính toàn diện. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm