Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:

‘Quốc hội còn chủ yếu giám sát bằng nghe báo cáo’

Sáng 22-3, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày báo cáo đánh giá toàn diện công tác nhiệm kỳ khóa XIII của QH.

Liên quan đến hoạt động giám sát của QH, ông Hùng đánh giá nhiệm kỳ này, QH đã tiến hành nhiều nội dung giám sát quan trọng. Thông qua giám sát, nhiều hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành của các ngành, các cấp được phát hiện; nhiều kiến nghị qua giám sát đã được các cơ quan nghiêm túc thực hiện, “tạo chuyển biến tích cực”...

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, nhiệm kỳ QH khóa XIII cũng đã đánh dấu một dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn.

“Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai một cách thận trọng, nghiêm túc theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục... Toàn bộ quy trình lấy phiếu tín nhiệm được làm một cách dân chủ, công khai, minh bạch để công luận, cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã thúc đẩy những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn không ngừng phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, tạo chuyển biến rõ rệt trong trong một số ngành, lĩnh vực” - ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng đánh giá các hoạt động của QH nói chung và giám sát, chất vấn của QH được tổ chức công khai, minh bạch, đưa QH đến gần với dân hơn. Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, giám sát tối cao của QH được phát thanh, truyền hình trực tiếp và thông qua hệ thống truyền thông tới từng nhà, từng vùng, để từng người dân có thể biết Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành đang làm gì; QH, đại biểu QH, những người đang thay mặt cử tri, nhân dân cả nước đang bàn bạc công việc quốc kế, dân sinh của đất nước, tìm giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, bức xúc trong dân…

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng

Tuy nhiên, theo người đứng đầu cơ quan lập pháp, hoạt động giám sát của QH vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn, trong một số trường hợp, “chưa xác định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến các vấn đề được giám sát, chưa xác định rõ biện pháp xử lý, chưa có chế tài phù hợp”.

Cạnh đó, việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát “có lúc, có nội dung chưa thực sự quyết liệt” nên có không ít những vụ việc, vấn đề bất cập còn tồn tại chậm được giải quyết, tiếp tục gây bức xúc trong đời sống xã hội.

Việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri chưa đạt yêu cầu; giám sát việc thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được thực hiện tốt và kết quả thấp.

Một số quy định của pháp luật về giám sát như việc cử tri bãi nhiệm đại biểu QH, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn chưa có điều kiện thực tế để thực hiện...

Nguyên nhân của các hạn chế nêu trên, theo ông Hùng, do trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát, một số chủ thể chưa thực sự đi sâu, phân tích kỹ lưỡng vấn đề cần giám sát, còn chủ yếu giám sát bằng hình thức nghe báo cáo của bộ, ngành, địa phương. Một số quy định về hoạt động giám sát còn thiếu cụ thể hoặc chưa thật phù hợp, nhất là cơ chế giám sát thực hiện kết luận, giải quyết các kiến nghị sau giám sát và giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể của công dân…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm