Quốc hội nghĩ gì khi 70.000 người chết/năm vì ung thư?

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã có những phát biểu đáng chú ý khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 sáng 5-6. 

“Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có nhiều những cố gắng, nỗ lực song vẫn chưa thể hiện hết trách nhiệm” - đại biểu Nhân mở đầu.

Theo đại biểu Nhân, những gì chúng ta biết và xử lý về thực phẩm chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Bởi thực tế không khó để tìm thông tin về những vụ bắt giữ thực phẩm bẩn trong thời gian qua.

Điển hình là hàng loạt các vụ bắt giữ cả chục tấn thịt, nội tạng đã bốc mùi hôi thối được nhập từ biên giới Trung Quốc. Bên cạnh đó là những thông tin chế biến nem chua bằng hóa chất hay dùng hóa chất để biến thịt bò, thịt heo hôi thối thành khô bò, chà bông…

“Câu hỏi đặt ra hóa chất đó từ đâu mà có? Theo báo cáo, hằng năm Việt Nam bỏ ra không dưới 770 triệu USD để mua thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất với hơn 4.000 loại khác nhau. 90% trong đó được nhập từ Trung Quốc, đáng chú ý là chỉ có 630 loại được lưu hành thôi” - đại biểu Nhân thông tin.

"Liệu có quá không khi nói chúng ta đang đầu độc chính mình" - đại biểu Phạm Trọng Nhân, tỉnh Bình Dương.

Đại biểu Nhân cho rằng đó mới chỉ là con số nhập khẩu được cho phép, chưa tính cả số lượng hóa chất được thông quan qua đường tiểu ngạch, nhập lậu qua đường biên giới mà không kiểm soát được.

“Liệu có quá không khi nói chúng ta đang đầu độc chính mình” - đại biểu Nhân đặt câu hỏi.

Không dừng lại ở đó, đại biểu của tỉnh Bình Dương đặt ra một câu hỏi thẳng thắn: “Quốc hội nghĩ gì khi có tới 70.000 người chết vì ung thư mỗi năm, trong đó có một phần nguyên nhân là sử dụng thực phẩm không an toàn”.

Đối với vấn đề thực thi pháp luật, đại biểu Nhân cho hay Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đã chuyển sang quản lý theo nhóm thực phẩm nhằm khắc phục sự chồng chéo trong quản lý. Tuy nhiên, hiện còn một số nhóm ngành hàng không rõ trách nhiệm quản lý.

“Đơn cử như việc quản lý mặt hàng bún, có tới ba bộ cùng quản lý là Bộ Nông nghiệp, Y tế và Công Thương. Chúng ta chưa có căn cơ triệt để để quản lý vấn đề an toàn thực phẩm” - ông Nhân nhận định.

Tuy vậy, đó chưa phải là điều cuối cùng. Theo đại biểu Nhân, dù rất đồng tình với những nhận định mà đoàn giám sát Quốc hội nêu trong báo cáo về vấn đề an toàn thực phẩm nhưng ông cho rằng có một điều cần phải “lên tiếng”.

“Chúng ta nhiều lần trông chờ sự tử tế của người sản xuất, kinh doanh nhưng những gì chúng ta nhận được lại không như mong muốn bởi cái bóng lợi nhuận quá lớn… Một khi sự kiên trì đã đến giới hạn thì đã đến lúc cần sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật” - ông Nhân nói.

Đề cao sự tham gia, nhập cuộc của người dân, đại biểu Nhân nhấn mạnh: “Sự chung tay của cộng đồng là rất quan trọng. Phải coi sản xuất thực phẩm là tội ác. Bất kỳ sự thỏa hiệp hay bắt tay với cái ác đều đáng bị lên án”.

Đại biểu Nhân sau đó tha thiết kêu gọi người kinh doanh hãy vì lương tri, vì sự tồn vong quốc gia chấm dứt ngay việc sản xuất thực phẩm bẩn.

“Hãy trả lại an toàn cho xã hội. Chúng ta không đủ giàu để lại vật chất cho con cháu nhưng chúng ta phải đủ lý trí hành động sáng suốt để trao lại đời sống tinh thần, thể chất khỏe mạnh cho các cháu. Đừng để sự yếu kém của chúng ta làm ảnh hưởng tới tương lai của các cháu” - đại biểu Nhân kết thúc phần phát biểu bảy phút của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm