Quốc hội tranh luận: Trang bị nút bấm 'khẩn cấp' cho đại biểu?

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Đình Quyền, Hà Nội, người gắn bó mấy chục năm với hoạt động Quốc hội (QH) cho rằng tổng kết khóa XIII này, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất do cử tri bầu ra vẫn là QH tham luận, chưa chuyển sang tranh luận.
Một nguyên nhân, theo ông Quyền, ở các phiên thảo luận, ĐB vẫn chủ yếu là phát biểu tham luận. Và muốn có tranh luận thì phải tùy thuộc vào vị lãnh đạo QH chủ trì phiên thảo luận. “Theo tôi, nên có quy định cụ thể hơn về vai trò của người chủ tọa. Điều hành sao đó để ĐB thể hiện hết quan điểm, chính kiến của mình và có trao đi đổi lại giữa các ý kiến khác nhau”.
Cũng về vấn đề này, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng ngoài vai trò quan trọng của người điều hành phiên thảo luận, bộ phận kỹ thuật nên bổ sung cho mỗi ĐB một nút bấm “khẩn cấp”. Nút này sẽ được ĐB sử dụng khi cần tranh luận lại một vấn đề mà mình thấy cần phát biểu ngay. Như thế, thay vì bấm nút đăng ký, đợi được phát biểu theo thứ tự ưu tiên thì khi nảy sinh vấn đề cần tranh luận là trao đi đổi lại được ngay.
ĐB Trần Du Lịch, TP.HCM, người tham gia nhiều khóa QH, cũng cho rằng việc sửa đổi nội quy kỳ họp lần này chưa thực sự cơ bản. “Quy trình thế này, biểu quyết một cái gì đó, nhiều khi không bấm thì không được. Mà bấm thì ấm ức, vì chưa được đối thoại, tranh luận đến tận cùng vấn đề”.

Ông kể, 20 năm trước, ở nhiệm kỳ mà ông Nguyễn Đình Lộc còn là bộ trưởng Tư pháp, tại hội trường Ba Đình cũ, chưa có hệ thống điện tử hiện đại thế này thì đã có thể tranh luận khá sôi nổi. 

“Muốn tranh luận với anh Lộc, tôi đăng ký liên tục và người điều hành, Phó Chủ tịch QH Phùng Văn Tửu, đã mời lên phát biểu. Giờ ta cứ khống chế mỗi người chỉ ba phút, năm phút hay bảy phút - rất hành chính. Thành ra có những luật còn 1-2 điều quan trọng, tôi chưa thông nhưng vẫn phải bấm nút thông qua. Tôi rất tâm tư” - ông Lịch nói.

Không phản đối các đề xuất tăng cường tranh luận, song ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng QH Việt Nam không thể “toàn tranh luận”. Bởi ở ta không theo cơ chế đa đảng chính trị.

“Các ĐB về nguyên tắc là ngang quyền, anh có quyền phát, tôi cũng có quyền phát, chất lượng ý kiến của tôi thế nào thì cử tri phán xét. Không thể dành hết thời lượng, không gian QH cho một vài ĐB tranh luận”.

Ông Hùng nói tiếp: “QH không thể tranh luận mãi được. Cử tri sẽ bảo tôi bầu các ông ra để các công cãi nhau à!”.
Còn để thúc đẩy tranh luận, theo ĐB Hùng, trong mỗi cuộc thảo luận tại phiên họp toàn thể nên dành một phần thời gian nhất định để ĐB tranh luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Thậm chí có thể bố trí một khu vực để những ai muốn thì ra đó tranh luận.
ĐB Nguyễn Thanh Thủy đến từ Hậu Giang cũng cho rằng tranh luận ở ta phải rất tế nhị, nhất là ở những phiên họp toàn thể. Mặt khác, nên hiểu không gian cho tranh luận có ở mọi nơi, nhất là trong cuộc họp của các ủy ban của QH, rồi hội nghị ĐB chuyên trách.
Cũng trong phiên thảo luận nội quy kỳ họp, một số ĐB cho rằng không nên quá gò ép chuyện ĐB vắng mặt, nghỉ sớm... “Tôi thấy quy định như dự thảo giống kiểu quản lý học sinh. Rồi cho chủ tọa quyền phê bình ĐB, yêu cầu vắng phải báo cáo, vậy ai có quyền phê chủ tọa” - ĐB Chu Sơn Hà, Hà Nội, góp ý.
Tương tự, ĐB Trần Du Lịch cho rằng ĐBQH ta đa phần kiêm nhiệm, bận rất nhiều việc. Nếu ông chủ tịch tỉnh dành cả sáu tuần ở QH, mà công việc địa phương vẫn trôi chảy thì hóa ra ông ấy là người thừa?
Còn theo ĐB Nguyễn Đình Quyền, trong các kỳ họp QH, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban vô cùng bận rộn, phải họp liên tục, rồi rà soát, chuẩn bị các tài liệu, dự luật phục vụ kỳ họp. Những lúc ấy, các ĐB chuyên trách đều không thể tham gia chương trình làm việc chính thức của QH, vậy có bị phê bình không? Theo ông, chỉ nên siết kỷ luật ở các cuộc bỏ phiếu, không được vắng là đủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm