Quốc hội yêu cầu rà soát toàn bộ các trạm BOT

Đó là hai nội dung đáng chú ý tại nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 vừa được Quốc hội thông qua sáng nay, 10-11.

Với gần 85% đại biểu (ĐB) Quốc hội đồng ý, nghị quyết này còn nhấn mạnh đến việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Nghị quyết yêu cầu Chính phủ đẩy nhanh công tác phân bổ, giao vốn và giải ngân có hiệu quả vốn đầu tư công, nhất là cho các dự án hạ tầng quan trọng, có sức lan tỏa cao và kết nối phát triển, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, công trình hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai ở một số địa phương.

Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh trình bày Nghị quyết về kinh tế - xã hội của Quốc hội.

Nghị quyết nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). 

“Thực hiện rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người dân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật gây mất trật tự an toàn xã hội”, Nghị quyết do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh trình bày có đoạn như trên. 

Ngoài ra, nghị quyết yêu cầu hoàn chỉnh hệ thống pháp lý và ban hành chính sách mới nhằm quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công tư nói chung và hình thức BOT, hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) nói riêng. Từ đó, nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, báo cáo Quốc hội.

GDP năm 2018 được nghị quyết “mở hơn” khi cho phép dao động từ 6,5% đến 6,7%. Những chỉ tiêu về xuất khẩu, nhập siêu, CPI, tỉ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, lao động qua đào tạo… cũng được xác định cụ thể.

Đặc biệt, nghị quyết xác định số giường bệnh là 26 giường/10.000 dân và tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%.

Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu năm 2018 tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, bảo đảm thanh khoản, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống, nhất là tín dụng cho vay thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.

Song song với đó là thực hiện hiệu quả cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước. 

“Tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; tạo chuyển biến rõ nét trong xử lý nợ đọng tiền sử dụng đất, chống thất thu, trốn thuế, nợ đọng thuế, gian lận chuyển giá, vi phạm pháp luật thuế, phí, lệ phí, thực hiện hóa đơn điện tử; thẩm định chặt chẽ các dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư; triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước và sử dụng tài sản công, xe công; đẩy mạnh khoán chi hành chính, đấu thầu, đặt hàng trong cung ứng dịch vụ công” - nghị quyết nêu.

Quốc hội cũng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỉ trọng thu nội địa, tỉ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỉ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh. Cạnh đó, tăng cường quản lý các quỹ ngoài ngân sách, quản lý nợ công theo mục tiêu Quốc hội đề ra, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ của trung ương và chính quyền địa phương, không chuyển vốn vay về cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.

“Kiên quyết thoái hết vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường. Đánh giá, tổng kết hiệu quả hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, nghị quyết nói rõ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm