Quốc lộ ngàn tỉ lún: Sửa xong chắc sẽ... hư tiếp

Ngày 17-5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cùng đoàn công tác của các cơ quan chức năng đã thị sát thực tế quốc lộ 1 từ Đồng Nai đến Bình Thuận để kiểm tra tình trạng hằn lún, trồi sụt ở mặt đường này.

Người chạy xe máy té liên tục

Đoạn này được đưa vào sử dụng cách đây chỉ mới một năm nhưng hiện nay đã xuất hiện nhiều vị trí trồi, lún gây mất an toàn giao thông.

Ghi nhận của PV cho thấy tình trạng lún, trồi nhựa xuất hiện nhiều, rải rác từ huyện Trảng Bom đến Xuân Lộc (Đồng Nai). Trong đó, tập trung nhiều nhất ở huyện Xuân Lộc, từ xã Xuân Định kéo dài hàng chục kilomet cho đến giáp tỉnh Bình Thuận. Nặng nhất là ngay ngã ba Núi Le (cổng vào thị trấn Gia Ray) mặt đường lún tạo thành vệt sâu kéo dài gần 200 m. Nhiều đoạn bị lún được đơn vị thi công cào phẳng lại để đảm bảo ATGT.

Không những mặt đường bị sụt lún, cào nham nhở mà hệ thống thoát nước trên tuyến tại nhiều khu vực bị mất, vỡ hàng loạt tấm đan trở thành cái bẫy nguy hiểm cho người đi đường.

Đoạn quốc lộ 1 qua huyện Xuân Lộc dài 44 km thì có đến 33 hố ga chưa được khắc phục, cá biệt trước trạm xăng dầu Xuân Lộc (xã Xuân Hòa) có tới 10 tấm đan cống thoát nước bị vỡ, người dân phải dùng đá, vỏ xe để che chắn tạm.

Ông Vũ Trí Thức (thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) cho biết hiện tượng hằn lún mặt đường ngay trước nhà ông đã xảy ra hai lần với mức độ ngày càng nghiêm trọng. “Cuối năm 2015, thấy phía đơn vị thi công cào bóc phần nhựa trồi lên cho bằng phẳng nhưng được một thời gian ngắn thì tái diễn. Gần đây vị trí hằn lún sâu đến 10 cm nên rất nguy hiểm. Xe máy bị té liên tục, còn ô tô nhất là các xe lớn chạy qua ổ gà thì phát ra tiếng động lớn khiến nhiều người mất ngủ. Mãi đến ngày 16-5, chủ nhà thầu mới cho thảm nhựa lại nhưng không biết có hư nữa không” - ông Thức nói.

Chủ đầu tư đang khắc phục hư hỏng trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Hàm Tân, Bình Thuận. Ảnh: TIẾN DŨNG

Rà soát khắc phục triệt để

Ngày 17-5, chủ đầu tư cho cào bóc mặt đường ở những đoạn hằn lún trên đoạn qua tỉnh Đồng Nai. Trong khi đó đoạn trên địa bàn huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận), chủ đầu tư đang vá đường.

“Chủ đầu tư đang khắc phục những hư hỏng để đảm bảo ATGT. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn khảo sát tìm nguyên nhân khiến đường bị sụt lún, hư hỏng để có hướng khắc phục, sửa chữa triệt để” - ông Lê Huy Triển, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ IV.II (Cục Quản lý đường bộ IV), nói.

Theo đại diện Chi nhánh BOT 319 Sông Phan thuộc Tổng Công ty 319 (chủ đơn vị quản lý tuyến đường), các điểm lún, trồi nhựa chủ yếu xuất hiện tại các nút giao, giao lộ qua địa bàn huyện Xuân Lộc, thị trấn Gia Ray. Ở tỉnh Bình Thuận thì tình trạng lún, trồi nhựa ít hơn và tập trung chủ yếu tại các giao lộ. “Chúng tôi đã cào phẳng đoạn trồi nhựa trên 2,5 cm để đảm bảo ATGT. Ngoài ra, chúng tôi đang tiếp tục theo dõi, lập hồ sơ khảo sát đánh giá nguyên nhân gây hằn lún trình Bộ GTVT có ý kiến và phê duyệt để có phương án khắc phục triệt để” - đại diện của Chi nhánh BOT 319 Sông Phan nêu thông tin.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, bộ này đã giao Cục Quản lý đường bộ IV xử lý vụ việc theo tinh thần là yêu cầu chủ đầu tư rà soát, thống kê hư hỏng trên quốc lộ 1, đoạn Phan Thiết - Đồng Nai và lập hồ sơ phê duyệt biện pháp khắc phục sửa chữa triệt để. Việc này phải hoàn thành trước ngày 20-5. Qua quá trình thi công phải tuyệt đối đảm bảo ATGT, chất lượng. Nếu chủ đầu tư không tuân thủ thì phải tạm dừng thu phí.

Hằn lún, hư hỏng ở 10.000 m2 mặt đường

Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 50.000 lượt ô tô và 120.000 lượt xe máy qua lại quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Trảng Bom. Sở dĩ đoạn này chỉ cải tạo nền và mặt đường mà không mở rộng là do nó chạy song song với đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sắp được xây dựng.

Đến nay, đoạn quốc lộ 1 qua tỉnh Đồng Nai có 25 điểm, vị trí lún, trồi nhựa trên 2,5 cm chưa được xử lý. Ông Lê Huy Triển, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ IV.II, cho biết khi phát hiện hằn lún, trồi nhựa, Chi cục đã có văn bản gửi chủ đầu tư yêu cầu khắc phục ngay những nơi bị lún trên 2,5 cm, đặc biệt tại thị trấn Gia Ray để đường êm thuận đảm bảo cho các phương tiện lưu thông. Đến thời điểm này các cơ quan chức năng đã xác định được hơn 10.000 m2 đường bị hằn lún, cần khắc phục. Trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Nai gần 5.200 m2 và ở tỉnh Bình Thuận gần 5.000 m2. Chủ đầu tư đã khắc phục được hơn 1.000 m2.

Dự án nâng cấp, cải tạo nền, mặt đường quốc lộ 1 đoạn từ Phan Thiết (Bình Thuận) đến Trảng Bom (Đồng Nai) dài hơn 114 km được đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 1-2015.

Dự án có tổng mức đầu tư 2.085 tỉ đồng, do Tổng Công ty 319 đầu tư. Nhà đầu tư được dùng trạm thu phí Sông Phan thu phí trong 22 năm tám tháng, bắt đầu từ tháng 1-2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm