Quy hoạch tượng đài cần góp sức của nhiều người

Liên tiếp trong các số báo qua, Pháp Luật TP.HCM phản ánh về những hạn chế của hệ thống tượng và tượng đài ở TP.HCM. Chúng tôi xin giới thiệu một số phản hồi về vấn đề này.

Họa sĩ, nhà điêu khắc LÂM QUANG NỚI, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử TP.HCM:

Nhiều câu hỏi không dễ trả lời

Quy hoạch tượng đài đang bước sang giai đoạn 2, là giai đoạn cực khó. Trước đây tôi cũng phụ trách khảo sát về hệ thống tượng và tượng đài trên địa bàn TP, việc đánh giá hiện trạng không là đã khó rồi. Ở giai đoạn 2, cái khó nhất là sáng tác tượng và chọn vị trí đặt tượng. Ví dụ nếu muốn thay tượng Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành thì thay bằng tượng danh nhân hay tượng lịch sử? Nếu như danh nhân thì quay mặt về hướng nào? Còn làm tượng lịch sử sẽ chọn sự kiện nào, cách thể hiện ra sao? Rất nhiều câu hỏi khó có câu trả lời thỏa đáng.

Để có một quy hoạch hoàn chỉnh phải cần tới sự góp sức của rất nhiều nhà chuyên môn như điêu khắc, kiến trúc, quy hoạch, sử học, nhà văn hóa, nhà khoa học… TP cũng phải tổ chức rất nhiều hội thảo, tọa đàm mới có thể lập ra được danh mục các tượng đài. Cạnh đó, để có được những tác phẩm đẹp và đạt yêu cầu, TP nên đầu tư đúng mức để lập hẳn một trại sáng tác đặc biệt chỉ phục vụ riêng cho vấn đề tượng và tượng đài.

KTS NGUYỄN TRƯỜNG LƯU, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư TP.HCM:

Chúng ta chưa có kinh nghiệm làm tượng đài

Muốn có hệ thống tượng và tượng đài tốt, điều tiên quyết là TP phải có một quy hoạch tượng đài thật tốt. Đó là nhiệm vụ nặng nề của các nhà văn hóa, xã hội học, quy hoạch và chính trị. Khi đã có quyết định rồi mới đặt hàng cho các nhà kiến trúc, thiết kế và mỹ thuật. Thậm chí có những bức tượng sẽ cần phải lấy ý kiến của quần chúng nhân dân.

Quy hoạch tượng đài cần góp sức của nhiều người ảnh 1

Tượng đài như chiếc cột thức La Mã đặt ở bùng binh ngã sáu Ngô Gia Tự-Nguyễn Chí Thanh mà người dân rất dễ nhận diện khi đi từ xa. Ảnh: HTD

Hiện nay chúng ta chưa có kinh nghiệm làm tượng đài. Hội Kiến trúc sư đã đề xuất UBND TP cho đi học hỏi cách làm tượng đài của các nước châu Âu (vốn có truyền thống về tượng đài) và các nước châu Á có đô thị phát triển. Thậm chí cần tính đến việc thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện để tránh trường hợp nếu làm không được sẽ đổ thừa tại không có kinh nghiệm.

KTS LÊ QUANG NINH:

Đừng nóng vội thay thế tượng đài cũ

Tôi có quan điểm khác một chút về vấn đề tượng đài ở TP. Nếu đặt yêu cầu tượng đài phải thể hiện được quá trình lịch sử 300 năm của Sài Gòn, tôi e rằng quá sức. Tôi cũng không thể hình dung phải làm tượng như thế nào và đặt ở không gian nào. Ví dụ một tượng đài những người nông dân khẩn hoang thì liệu có phù hợp và ý nghĩa gì không? Phản ánh, ghi nhận sự hình thành và phát triển của TP còn có nhiều cách khác chứ không cứ buộc phải làm tượng đài.

TP có những tượng đài tồn tại từ rất lâu, đã trở thành một phần của đô thị. Nếu đặt vấn đề tượng này, tượng kia không đẹp rồi đập bỏ, thay thế bằng tượng khác là rất không nên, thậm chí là cấm kỵ. Còn nếu muốn bổ sung, làm đẹp hơn thì tìm chỗ khác. Khi làm xong tượng đài hòa thượng Thích Quảng Đức ở quận 3, tôi thấy khu vực đối diện vẫn còn đó một đài tưởng niệm nhỏ. Tác giả của tượng đài hòa thượng Thích Quảng Đức cho biết “Cái gì của quá khứ thì nên để yên đó” và tôi rất ủng hộ.

Nói về đài thì còn nhiều điều cần bàn nữa. TP từng rầm rộ đi làm các đài tại những cửa ngõ, như một cái gần sân bay Tân Sơn Nhất mà đến nay không ai hiểu muốn nói cái gì. May mà TP chưa làm đài ở các cửa ngõ kia. Đô thị luôn phát triển, cửa ngõ có thể thay đổi nên các đài được xây vội vã sẽ nhanh chóng lạc hậu, lúc đó lại không biết xử lý ra sao.

Bên cạnh việc tạo ra một tượng đài đẹp, điều quan trọng là cần xác định được nên đặt nó ở đâu. Theo tôi, tượng đài phải nằm trong công trình kiến trúc, không gian văn hóa phù hợp. Còn bản thân tượng đài đặt trơ trọi giữa ngã tư đường lại là điều lạc hậu bởi tốc độ giao thông không phù hợp với loại tác phẩm này. Những tượng đài nghệ thuật, văn hóa tốt nhất là nằm ở công viên, nơi mọi người có thể chiêm ngưỡng.

CẨM TÚ - VIỆT HOA ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm