Quy trình xả lũ lưu vực sông Ba: Nặng an toàn hồ, nhẹ cắt lũ cho hạ du

“Chúng tôi xem xét lại, thực sự đang có một số vấn đề trong quá trình thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn, kỹ hơn! Quy trình hiện nay đang nghiêng nhiều về an toàn hồ chứa, chưa tính toán nhiều đến việc cắt lũ cho hạ du. Chúng tôi sẽ phải tính toán lại điều này”.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) nhận định sau khi kiểm tra hậu quả lũ lụt tại Phú Yên ngày 4-12.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ hai từ trái sang) trao đổi với ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (ngoài cùng bên trái) tại thủy điện Sông Ba Hạ. Ảnh: KHƯƠNG VY

Thực hiện quy trình vận hành chưa chính xác

. Theo ông, việc vận hành liên hồ trên lưu vực sông Ba trong đợt lũ vừa qua có vấn đề gì?

+ Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Chúng ta đang thực hiện theo một quy trình đã được phê duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy trình này còn một số điểm chưa chính xác, chưa chuẩn.

Thứ nhất, trong khoảng thời gian từ ngày 15-11 đến 15-12, khi toàn bộ vùng này gần như kết thúc mùa mưa, các thủy điện được tích nước đến mực nước dâng bình thường. Đó là trong trường hợp bình thường.

Còn khi có dự báo, cảnh báo mưa lũ, đặc biệt mưa lũ lớn, thì các hồ thủy điện, các hồ chứa thủy lợi phải giảm mực nước xuống để chủ động đón lũ. Cái này thực hiện chưa nghiêm!

Ngày 27-11, khi Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT- TKCN đã có công điện gửi các địa phương. Tuy nhiên, một số hồ chưa thực hiện nghiêm việc xả nước trước để có dung tích phòng lũ.

Thứ hai, khi lũ về thì quy trình hiện nay nghiêng nhiều về an toàn hồ chứa, chưa tính toán nhiều hỗ trợ cắt lũ với nhau. Chính vì vậy, đồng loạt xả, gây áp lực rất lớn cho thủy điện Sông Ba Hạ.

Lúc đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên buộc phải cho xả ở mức độ rất lớn là 9.400 m3/giây, trong khi lũ ở hạ du đang dâng cao. Lúc đó, không còn cách nào khác!

Rõ ràng, câu chuyện ở đây là không được xả đồng loạt mà phải có ra lệnh để thủy điện, hồ thủy lợi lúc nào xả, xả bao nhiêu, xả xen kẽ mới đảm bảo vận hành cho thủy điện Sông Ba Hạ.

Vùng hạ du Phú Yên bị ngập nặng trong trận lũ lịch sử vừa qua. Ảnh: TẤN LỘC

. Chủ tịch UBND tỉnh và thường trực Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Phú Yên đều khẳng định không nhận được thông báo xả lũ từ tỉnh Gia Lai trong khi các hồ ở Gia Lai đổ xuống hạ du lưu lượng rất lớn. Ông đánh giá thế nào về trách nhiệm phối hợp của tỉnh Gia Lai trong thực hiện quy trình vận hành liên hồ?

+ Chúng tôi đã kiểm tra lại các thông tin này. Đúng là trước khi quyết định cho các hồ thủy điện ở Gia Lai xả lũ, chủ tịch tỉnh Gia Lai có công văn gửi các địa phương xung quanh, có Phú Yên.

Nhưng có một câu chuyện. Đó là hiện nay có rất nhiều cách truyền thông nhanh hơn. Khi vận hành mùa lũ, mỗi giây đều quý mà cứ ký một văn bản, đóng dấu rồi gửi bằng con đường hành chính thông thường thì phải mất 1-2 tiếng đồng hồ. Khi đó, không tận dụng được thời gian vàng trong tính toán xả lũ.

Chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương để giải quyết chuyện này bằng hai giải pháp. Một là số hóa ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ hiện đại để điều hành hồ tự động. Chủ tịch tỉnh Phú Yên ngồi ở Phú Yên nhưng biết trước các hoạt động của hồ chứa ở Gia Lai như thế nào.

Cái này là chúng tôi vẫn đang điều hành được. Sắp tới sẽ nối tới Phú Yên công nghệ điều hành này và thêm nhiều sensor đo ở các lưu vực lớn để hạ du, đặc biệt ở Phú Yên nắm được thông tin. Lúc đó, chủ tịch tỉnh Phú Yên sẽ nắm được thực tế thời điểm hồ nào xả, lưu lượng bao nhiêu, ở đâu để chủ động ở hạ du.

Thứ hai, chúng tôi sẽ tính toán, tham mưu lại để ra một quy trình chuẩn hơn. Trong đó, ngoài việc xả xen kẽ, việc hồ nào xả, xả lúc nào, hồ nào đóng… còn có vấn đề quan trọng hơn là trách nhiệm của chủ hồ, của lãnh đạo chính quyền địa phương trong thông tin, thông báo, quyết định của mình.

Lũ lên nhanh, không kịp di chuyển khiến gia cầm chết hàng loạt trên sông Ba. Ảnh: CTV

Phú Yên vẫn khẳng định không nhận thông báo xả lũ từ Gia Lai

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên, vẫn khẳng định ông không nhận được bất kỳ thông báo, trao đổi nào về xả lũ từ tỉnh Gia Lai trong ngày 30-11.

“Mới đây, tôi nghe phía Gia Lai nói có gửi thông báo cho Phú Yên. Tôi cho các bộ phận kiểm tra lại ngay nhưng rất tiếc là các kênh của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cũng như lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên không hề nhận được thông báo hay văn bản nào về xả lũ hôm đó. Có lẽ do trục trặc gì đó mà văn bản không đến được”- ông Thế thông tin.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên, vẫn khẳng định từ trước đến nay tỉnh này không nhận bất cứ thông tin cảnh báo xả lũ nào từ Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Gia Lai.

Theo ông Trần Hữu Thế, UBND tỉnh Phú Yên sẽ sớm họp với lãnh đạo chính quyền các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk để trao đổi, phối hợp tốt hơn trong vận hành xả lũ liên hồ trên lưu vực sông Ba. 

Không được xả lúc lũ ở hạ du đang cao

. Theo ông, cần những giải pháp gì để chấm dứt tình trạng các hồ thủy điện, thủy lợi trên lưu vực sông Ba ở Tây Nguyên ồ ạt xả lũ cùng lúc, gây lũ lụt kinh hoàng đối với hạ du?

+ Có thể nói đợt lụt lần này ở Phú Yên là một trong những đợt lụt có cột mốc lịch sử tương đương với các cơn lũ năm 1993, năm 2009 ở Phú Yên.

Lưu vực sông Ba rộng đến 13.000 km2. Toàn bộ lưu vực có đến 280 hồ chứa nước nhưng chỉ có sáu hồ là có nhiệm vụ, chức năng cắt lũ. 280 hồ chứa tích khoảng 1,6 tỉ m3 nước nhưng sáu hồ chỉ cắt lũ được 530 triệu m3, rất thấp. Như vậy, lưu vực này để cắt lũ rất thấp.

Người dân xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên nhặt nhạnh tài sản hư nát sau khi lũ rút. Ảnh: TẤN LỘC

Để giải quyết câu chuyện xả lũ về hạ du tránh trường hợp xả lũ vào lúc đang đỉnh lũ như vừa rồi, để bớt ngập lụt hạ du, cần rất nhiều giải pháp. Trước hết là giải pháp phi công trình. Chúng tôi sẽ tham mưu lại, tính toán lại quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa toàn bộ lưu vực sông Ba.

Trong đó, sẽ tập trung tính toán chi tiết hơn. Ở những giai đoạn báo động cao như vừa rồi thì Trung ương sẽ chỉ đạo xả lũ. Trong đó, phải tính toán chi tiết hồ nào xả vào lúc nào để cắt lũ bớt cho các hồ bậc thang bên dưới và xả phải xen kẽ nhau.

Điều này nhằm đạt đến mục tiêu là tại thủy điện Sông Ba Hạ, chốt chặn cuối cùng xả lũ về hạ du phải đảm bảo không xả lũ vào lúc lũ ở hạ du đang cao, không xả lũ vào lúc triều cường đang cao. Có như thế mới giảm ngập lụt cho hạ du. Đấy là quy trình vận hành.

Thứ hai, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu toàn lưu vực này xem hồ nào có thể nâng dung tích được, giao nhiệm vụ cho một số hồ thủy điện xây mới một số hồ thủy lợi để tăng dung tích cắt lũ lên. Hiện nay, dung tích phòng lũ chỉ có 530 triệu m3. Chắc chắn dung tích phòng lũ này đảm bảo tối thiểu phải 1 tỉ mét khối thì mới có thể cắt lũ lâu dài bền vững được cho hạ du. 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế thăm hỏi, động viên gia đình bị thiệt hại do lũ. Ảnh: KHƯƠNG VY

.Ông có lưu ý gì đối với các địa phương trong ứng phó để giảm thiệt hại đối với người dân khi xuất hiện lũ lớn như vừa qua?

+ Chúng tôi lưu ý là vùng này mưa lũ bất thường thường xuyên nên không thể cắt lũ tuyệt đối mà chỉ có thể cắt lũ thôi. Để giảm thiệt hại, cần thực hiện đúng cách thức, quy trình thông báo cho người dân.

Trong thông báo cho người dân phải thực hiện nghiêm thông báo trước sáu tiếng đồng hồ tính đến thời điểm xả. Nội dung thông báo phải báo rõ là năm sáu tiếng tới, tại chỗ ông bà đang ở nước sẽ lên bao nhiêu mét. Có như thế người dân mới tính toán kê cao đồ đạc, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của dân.

Phú Yên có vấn đề rất lớn hiện nay là một số cửa sông thoát lũ chính bị bồi lắng, thu hẹp dòng chảy. Chúng tôi sẽ cùng địa phương nghiên cứu sớm để tính toán khôi phục lại các mặt cắt tự nhiên, trở lại trạng thái như bình thường. Có vậy thế việc cắt lũ mới tốt hơn.

Phú Yên điều hành xả lũ rất sáng tạo

“Trong điều hành xả lũ vừa rồi, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã có một quyết định mà chúng tôi cho là rất sáng tạo. Đó là ra lệnh cho thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ lưu lượng cao nhất lúc 15 giờ ngày 30-11 với 9.400 m3/giây. Lúc đó, tất cả các hồ ở thượng lưu xả đồng loạt, áp lực rất lớn cho an toàn đập thủy điện Sông Ba Hạ.

Chủ tịch tỉnh Phú Yên tính toán 19 giờ ngày hôm ấy đỉnh triều lên cao nhất. Cho xả lúc 15 giờ, sau bốn tiếng nước sẽ thoát ra, tránh đỉnh triều cao. Đó là sự sáng tạo, táo bạo, dũng cảm và chính xác. Chúng tôi đánh giá rất cao cách làm của Chủ tịch Phú Yên.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm