Quyết không cho đổ chất thải, cắt diện tích Hòn Cau

“Việc nạo vét và đổ vật liệu nạo vét từ luồng hàng hải, vũng quay tàu phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ra khu vực biển xã Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, các hệ sinh thái biển, nguồn lợi hải sản và đặc biệt là Khu bảo tồn biển Hòn Cau” - Bộ NN&PTNT nêu quan điểm trong văn bản vừa gửi Bộ TN&MT cho ý kiến về đề xuất nhận chìm 1,5 triệu m3 chất thải từ việc nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.

Khó khả thi, cần thay thế phương án

Bộ NN&PTNT cho hay địa điểm được dự kiến đổ vật liệu nạo vét chỉ cách Hòn Cau 8 km về phía bắc. Vị trí này nằm rất gần các điểm phân bố rạn san hô thuộc phạm vi Khu bảo tồn biển Hòn Cau. “Như vậy, việc đổ thải vật liệu nạo vét dưới sự tác động của dòng hải lưu và sóng biển sẽ tác động trực tiếp đến hệ sinh thái rạn san hô tại Hòn Cau. Trong khi đó các phương án bảo vệ tài nguyên, môi trường biển trong quá trình đổ thải; các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái biển tại Hòn Cau được mô tả trong báo cáo rất chung chung, khó khả thi” - Bộ NN&PTNT khẳng định.

Bộ này cũng đưa ra minh chứng: “Trong báo cáo đánh giá ghi vị trí đổ thải không có hệ sinh thái cần bảo vệ là chưa chính xác. Trên thực tế đây là khu vực tiếp giáp Khu bảo tồn biển Hòn Cau, là khu vực phân bố của hệ sinh thái rạn san hô”.

Ngoài ra, theo Bộ NN&PTNT, tháng 7-2012 Bộ đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020. Trong đó địa bàn Vĩnh Tân là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất và cung ứng giống thủy sản (cung cấp khoảng 60% sản lượng tôm giống có chất lượng cho nuôi thương phẩm trên cả nước). Vì vậy cần tham chiếu các nội dung mà Bộ NN&PTNT đã phê duyệt quy hoạch để lựa chọn vị trí đổ thải phù hợp, an toàn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung.

Du khách tham quan Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Ảnh: N.LÂN

Đáng chú ý, trong hồ sơ xin ý kiến thẩm định, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 cũng thừa nhận “Hoạt động nạo vét sẽ gây tác động xấu đến việc nuôi trồng thủy sản ở xã Vĩnh Tân; tôm giống rất nhạy cảm với ảnh hưởng do tăng độ đục và giảm ôxy hòa tan…”. Như vậy việc tác động đến sản xuất giống thủy sản là lớn và rất rõ, tuy nhiên trong nội dung về các biện pháp phòng ngừa, ứng phó đối với các rủi ro, sự cố cũng chưa có phương án phù hợp để nghề sản xuất tôm giống được an toàn và bền vững.

“Căn cứ các phân tích nêu trên, Bộ NN&PTNT không đồng ý với phương án đổ vật liệu nạo vét ra biển. Đề nghị Bộ TN&MT trong quá trình thẩm định cần thay thế phương án nhấn chìm ở biển bằng phương án khác nhằm bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học biển; bảo vệ Khu bảo tồn biển Hòn Cau, khu sản xuất tôm giống tập trung cũng như sinh kế của cộng đồng ngư dân khai thác và nuôi trồng thủy sản” - Bộ NN&PTNT dứt khoát đề nghị.

Bộ TN&MT chưa cho giảm diện tích Hòn Cau

Cũng liên quan tới Hòn Cau, ngày 24-11, Bộ NN&PTNT đã có văn bản không đồng ý giảm 1.060 ha diện tích Khu bảo tồn Hòn Cau để phục vụ nhiệt điện và cảng biển Vĩnh Tân của UBND tỉnh Bình Thuận (xem Pháp Luật TP.HCM ngày 25-11). Đây cũng là quan điểm của Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc khi trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc, Bộ TN&MT đang nghiên cứu đề xuất xin giảm diện tích Hòn Cau một cách chặt chẽ, khoa học với tiêu chí là không được tác động xấu đến môi trường của Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Việc đưa ra kết luận cuối cùng còn phải dựa trên báo cáo, đề xuất của các bộ, ngành liên quan.

“Căn cứ để đánh giá đề xuất của UBND tỉnh Bình Thuận là việc bảo tồn các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, các loài động thực vật biển và các loài quý hiếm có bị ảnh hưởng hay không. Phải xem xét, đánh giá tác động môi trường một cách cụ thể, tỉ mỉ của việc điều chỉnh này. Trước khi có các kết quả nghiên cứu cụ thể, Bộ TN&MT chưa đồng ý với chủ trương điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau” - lãnh đạo Bộ TN&MT nêu quan điểm.

Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận và nhiều cử tri đều không đồng tình việc cho đổ vật liệu sau nạo vét và bùn thải ra biển. Đặc biệt vị trí mà Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 dự kiến đổ hơn 1,5 triệu m3 cách vùng đệm Khu bảo tồn biển Hòn Cau chỉ 500 m. Hiện Bộ TN&MT đang xem xét và sau khi có ý kiến của các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn, đơn vị tư vấn, các ban ngành, Bộ TN&MT mới có quyết định cuối cùng.

NGUYỄN THỊ PHÚC,
Phó Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm