Ra tòa mới nhớ... không có luật sư!

Ngày 8-5, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bốn nguyên công an viên xã Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) đánh chết người tại trụ sở công an xã này. Đây có lẽ là vụ người dân bị đánh chết tại trụ sở công an hiếm hoi mà cơ quan tố tụng đã điều tra, truy tố các thủ phạm về tội giết người.

Tuy nhiên, khi chưa xong phần xét hỏi, HĐXX đã vào hội ý và công bố hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số tình tiết còn chưa rõ.

Bắt lên xã, đánh đập đến chết

Phiên tòa dự kiến bắt đầu lúc 8 giờ nhưng từ sớm đã có cả trăm người dân, trong đó có người nhà nạn nhân mang theo di ảnh nạn nhân đến tòa.

Bốn bị cáo cùng bị truy tố về tội giết người theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS (phạm tội có tính chất côn đồ, hình phạt đến chung thân, tử hình) gồm: Hoàng Ngọc Tuyên (34 tuổi, nguyên phó công an xã), Nguyễn Trọng Kiên (23 tuổi), Đoàn Văn Tuyến (31 tuổi) và Hoàng Ngọc Thức (26 tuổi).

Theo hồ sơ, trưa 30-8-2012, Công an xã Kim Nỗ nhận được đơn trình báo rằng ông Nguyễn Mậu Thuận đánh một người dân. Ông Nguyễn Đức Vọng, Trưởng Công an xã, đã không làm giấy mời, triệu tập ông Thuận mà chỉ đạo một số công an viên đến nhà ông Thuận bắt ông lên trụ sở công an xã. Tại đây, ông Vọng ra lệnh còng tay ông Thuận đưa vào phòng và giao cho Tuyên xử lý.

 
Các bị cáo công an tại phiên tòa. Ảnh: NGUYỄN DÂN

Tuyên tra hỏi nhưng ông Thuận không khai nhận nên Tuyên đã tát vào mặt ông Thuận. Sau đó Kiên, Tuyến và Thức cùng tham gia “xét hỏi” bằng dùi cui cao su. Ông Thuận không nhận tội và chửi bới, Kiên dùng dùi cui thúc mạnh vào ngực ông Thuận làm ông ngã ngửa ra sau. Các công an viên tiếp tục khóa tay chân ông Thuận vào ghế, đánh ông bằng dùi cui và kẹp bút bi vào khe các ngón tay của ông và bóp mạnh...

Đến khoảng 16 giờ, gia đình ông Thuận nhận được tin báo ông đã chết.

Kết quả giám định pháp y kết luận nạn nhân bị thương tích tụ máu lên hai đùi, mu bàn tay, ngực, gãy sụn xương sườn số 5, 6, 7 bên phải dẫn đến chết do suy hô hấp cấp...

Vi phạm tố tụng vì không có luật sư tham gia?

Sau phần thủ tục, phiên tòa bắt đầu phần xét hỏi. Trả lời tòa, các bị cáo có những lời khai mâu thuẫn với nhau. Họ khai do ông Thuận chửi bới nên họ bức xúc và “ra tay” với ông.

Bị cáo Tuyên nói vào ngày làm việc của mình, trưởng công an xã gọi lên giao bị cáo chỉ đạo các anh em làm việc. Bị cáo Tuyên khi vào phòng thấy ghế bị đổ, không biết tại sao bị đổ nên bảo anh em thay ghế cho ông Thuận ngồi. “Khi thấy nhân viên đánh nạn nhân, bị cáo thu dùi cui cất lên nóc tủ, đỡ ông Thuận dậy” - bị cáo Tuyên nói. Bị cáo Tuyên thừa nhận khi nghe ông Thuận nói: “Ông không đánh ai, ông cho chúng mày đi tù” thì bị cáo có đánh năm cái vào đùi ông Thuận.

Bị cáo Kiên lại khai chính Tuyên là người đã đưa dùi cui và ra lệnh cho bị cáo đánh ông Thuận năm phát vào đùi nhưng ông Thuận né, đạp chân xuống đất nên ghế gãy. Tuyên đã bảo dựng ghế dậy, thay ghế khác cho ông Thuận ngồi. Tòa hỏi nếu chỉ như thế thì tại sao nạn nhân lại gãy ba xương sườn, bị cáo Kiên nói: “Không biết”.

Đến lượt mình, bị cáo Tuyến lại cho rằng mình bị ép cung. “Điều tra viên nói bị cáo chỉ là nhân chứng, cứ khai theo lời khai của Tuyên nhưng bị cáo không nhớ tên điều tra viên nào cả”. Sau đó Tuyến bác bỏ mọi lời khai tại cơ quan điều tra.

Chủ tọa hỏi Tuyến và Thức nếu vậy trong quá trình lấy lời khai có sự hiện diện của luật sư không, hai bị cáo nói: “Không có”. Chủ tọa giải thích các bị cáo bị truy tố tội giết người có mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình nên chắc chắn quá trình lấy lời khai tại cơ quan điều tra phải có mặt luật sư. Đồng thời, chủ tọa công bố một bản cung có chữ ký của luật sư. Tuy nhiên, bị cáo Thức lắc đầu: “Không có, không biết luật sư đó”.

Chủ tọa lập tức hỏi lần lượt bốn bị cáo chung một câu hỏi: “Quá trình lấy lời khai tại cơ quan điều tra có bao giờ được cho biết có luật sư tham dự không?”. Cả bốn bị cáo đều trả lời: “Không có”. Ngay sau đó HĐXX đã dừng phiên tòa để hội ý và chủ tọa tuyên bố hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung yêu cầu làm rõ lời khai các bị cáo.

NGUYỄN DÂN - TỐ NHƯ

 

Bỏ lọt tội phạm?

Sau phiên tòa, anh Nguyễn Mậu Công, con trai của nạn nhân, nói vụ án còn bỏ lọt tội phạm, cụ thể là ông Nguyễn Đức Vọng - nguyên Trưởng Công an xã Kim Nỗ.

Ông Nguyễn Thế Thứ, cán bộ UBND xã Kim Nỗ (nhân chứng vụ án), khẳng định vào ngày xảy ra sự việc, khoảng 2 giờ hơn, ông lên trụ sở để làm việc. Ngang qua phòng ông Tuyên, nhìn qua cửa sổ ông thấy ông Thuận ngồi bị khóa ở ghế, đầu gục xuống. Ông có lên tiếng hỏi ba lần: “Có việc gì, sao lại bị xích thế này?” nhưng không nghe ông Thuận trả lời. Đồng thời, ông Vọng đi ra nói với ông Thứ: “Không phải việc của ông, ông đi đi”.

Luật sư bên bị hại cho biết sẽ đề nghị VKSND TP Hà Nội xem xét khởi tố thêm ông Vọng để không bỏ lọt tội phạm.

Từ cố ý gây thương tích đến giết người

Ngay sau đó các công an bị khởi tố, điều tra về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS. Sau đó cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội có quyết định thay đổi tội danh các bị can sang tội giết người. Quyết định này được VKSND TP Hà Nội phê chuẩn.

Kết luận điều tra sau đó đã đề nghị truy tố các bị can theo khoản 2 Điều 93 BLHS (mức án từ bảy đến 15 năm tù). Tuy nhiên, cáo trạng sau đó của VKSND TP Hà Nội đã truy tố các bị can ở khoản 1 Điều 93 BLHS (nặng hơn khoản 2, hình phạt đến chung thân, tử hình) với tình tiết định khung phạm tội có tính chất côn đồ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm