Rắc rối vụ kiện phân bón “dỏm”

Đầu năm 2008, hai ông Hoàng Văn Dân, Nguyễn Đức Minh, cùng ngụ xã Tân Văn, Lâm Hà (Lâm Đồng) đã nhận hơn 51 tấn phân NPK 16-16-8-13S của ông Lăng Văn Niệp (lúc đó làm bí thư xã, hiện là chủ tịch HĐND xã Tân Văn) để bón vườn cà phê của gia đình và phân phối lại cho người dân. Theo thỏa thuận, đến cuối năm, thu hoạch cà phê xong, các hộ dân sẽ thanh toán cho ông Niệp cả tiền gốc lẫn lãi.

Đã thiệt hại, còn bị kiện

Sau đó, các hộ dân đem phân về bón được một tuần thì cà phê rụng trái, khô cành, vàng lá. Nhiều người phải bán đất lấy tiền mua phân khác cứu cây cà phê. Theo các hộ dân, tổng thiệt hại của họ lên đến hàng tỉ đồng.

Do nghi phân bón ông Niệp cung cấp là phân bón dỏm, các hộ dân đã tự lấy mẫu đi thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm cho thấy phân quá kém chất lượng so với hàm lượng ghi trên bao bì. Sau đó, các hộ dân đến nhà ông Niệp yêu cầu phải khắc phục hậu quả nhưng bị từ chối.

Trong khi yêu cầu khắc phục thiệt hại chưa được đáp ứng, tháng 2-2009, các hộ dân này không khỏi choáng váng khi bị phía ông Niệp khởi kiện để đòi tiền nợ phân bón.

Theo Bộ luật Tố tụng dân sự, với tranh chấp đòi nợ như trên, cá nhân phải tự đứng ra khởi kiện rồi mới được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng. Ở đây, ông Niệp ủy quyền cho người khác… đứng ra khởi kiện nhưng TAND huyện Lâm Hà vẫn thụ lý. Đó là chưa nói giữa ông Niệp và người được ông ủy quyền không có giấy ủy quyền hợp lệ (giấy này chỉ được UBND xã Tân Văn chứng thực… sau phiên tòa sơ thẩm).

Rắc rối vụ kiện phân bón “dỏm” ảnh 1

Ông Dân (ngồi trước) và ông Minh, đại diện cho nhiều hộ nông dân trong vụ kiện. Ảnh: N.ĐỨC

Tháng 8-2009, xử sơ thẩm, TAND huyện Lâm Hà đã tuyên các hộ dân thua kiện, phải trả tổng cộng hơn 700 triệu đồng tiền phân bón cả gốc lẫn lãi cho phía ông Niệp.

Làm sao để bảo vệ mình?

Sau khi các hộ dân kháng cáo, tháng 3-2010, TAND tỉnh Lâm Đồng đã hủy bản án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu.

Giải quyết lại vụ kiện, TAND huyện Lâm Hà đã mời các bên lên hòa giải. Ông Niệp vẫn cương quyết đòi nợ vì cho rằng cây cà phê của người dân chết có thể do thời tiết thất thường, sâu bọ nhiều nên lúc bón phân, cây bị ảnh hưởng. Hiện ông cũng bị ngân hàng đòi nợ vì vay tiền mua phân từ đại lý quen để ứng trước cho bà con. Trong khi đó, các hộ nông dân cũng nhất định không chịu trả nợ vì đã phải tốn nhiều tiền để cứu cà phê...

Theo nhiều chuyên gia, trong vụ kiện đòi nợ này, các hộ nông dân có quyền phản tố yêu cầu ông Niệp bồi thường vì đã cung cấp phân bón kém chất lượng gây thiệt hại cho vườn cà phê của họ. Song song đó, họ có quyền yêu cầu tòa trưng cầu giám định chất lượng số phân bón mà ông Niệp đã cung cấp. Ngoài ra, họ phải nộp cho tòa những chứng cứ chứng minh cho thiệt hại của mình. Yêu cầu phản tố đòi bồi thường thiệt hại của họ sẽ được tòa xem xét trong cùng vụ án.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

Bị ông Niệp khởi kiện, ngoài việc theo hầu tòa, các hộ dân còn gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng như Công an huyện Lâm Hà, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng “tố cáo” ông Niệp bán phân bón giả.

Phía Công an huyện Lâm Hà đã trả lời các hộ dân đây là vụ việc dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Còn Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cũng từng lập đoàn kiểm tra đi kiểm tra thiệt hại. Tuy nhiên, do thời điểm này đã cách lúc các hộ dân bón phân cả năm nên đoàn không ghi nhận được hiện tượng cà phê rụng lá, hư hại.

Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Tân Văn (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), cho biết: “Lúc xảy ra sự việc, người dân không báo lên xã ngay mà để một thời gian sau mới báo. Do vậy, thiệt hại của người dân là bao nhiêu xã không nắm được”.

NGUYỄN ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.