Sân bay Long Thành: Giảm 3 tỉ USD vốn đầu tư

Báo cáo giải trình bổ sung tại phiên họp 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 26-2 về dự án sân bay Long Thành, Bộ GTVT đã xin rút vốn giai đoạn 1 của dự án từ 7,8 tỉ USD xuống còn 5,2 tỉ USD (giảm 2,6 tỉ USD). Tuy nhiên, các ý kiến thảo luận cho rằng cần làm rõ một số nội dung của dự án như sự cần thiết, tính hiệu quả, vì sao vốn dự án giảm so với lần trình đầu tiên, cơ chế tài chính cho dự án…

Giảm gần 1/2 diện tích giải phóng mặt bằng

Báo cáo với UBTVQH , Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết vốn xây sân bay mới sẽ giảm khoảng 3 tỉ USD (từ 18,7 tỉ xuống còn 15,8 tỉ), trong đó giai đoạn 1 giảm khoảng 2,6 tỉ USD.

Lý giải vì sao vốn làm sân bay Long Thành giảm so với báo cáo tại kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Thăng cho hay: “Trong giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi, tính toán chi phí được lập trên cơ sở suất đầu tư nên độ chính xác chưa cao… Sau khi rà soát và tính toán chi tiết hơn, trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự, đã và đang triển khai trên thế giới cũng như trong khu vực, giá trị khái toán rà soát lần này là 15,8 tỉ USD”. Trong đó riêng việc thu hẹp phạm vi giải phóng mặt bằng từ 5.000 ha của toàn bộ quy hoạch sân bay Long Thành xuống còn 2.750 ha đã giảm hơn 0,5 tỉ USD…

Về cơ cấu nguồn vốn đầu tư xây dựng sân bay giai đoạn 1 khoảng 5,2 tỉ USD (khoảng 109,9 ngàn tỉ đồng), Bộ trưởng Thăng cho hay: Ngân sách chỉ phải bỏ ra khoảng 12.000 tỉ đồng (chiếm 11%) chủ yếu để giải phóng mặt bằng, tái định cư…; vốn vay ODA khoảng 29.000 tỉ đồng (chiếm 26,5%); vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 68.000 tỉ đồng (chiếm 62,4%)…

Có đạt 100 triệu khách/năm như dự kiến?

Các ý kiến thảo luận tại phiên họp cho rằng cần làm rõ hơn nhiều điểm bất cập của dự án. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển tỏ ra băn khoăn: “Việc xây sân bay Long Thành thành trạm trung chuyển quốc tế thì chỉ trung chuyển cho ba nước Philippines, Indonesia và Úc. Tuy nhiên, khả năng chỉ trung chuyển được cho một nước, còn khách nội địa chỉ chiếm 20%. Vậy sau khi hoàn thành, sân bay có đạt 100 triệu hành khách/năm như dự kiến không?

Ông Hiển cũng cho rằng trong điều nguồn vốn khó khăn thì ngành giao thông cũng cần ưu tiên làm các dự án cần thiết hơn. “Cao tốc Bắc-Nam được ưu tiên cũng cần một lượng vốn. Đường sắt hàng trăm năm cũ kỹ như thế có đầu tư không, rồi đường thủy, hàng không…? Vậy chúng ta sắp xếp trong trật tự ưu tiên nào, sân bay làm ngay hay làm sau?” - ông Hiển đặt câu hỏi.

Về cơ chế vốn của dự án, ông Hiển cho rằng dù cơ cấu vốn ngân sách giai đoạn 1 dự án chỉ chiếm 11% nhưng vẫn phải dùng vốn ODA tới 26,5%, tức Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm. Đồng thời cũng phải làm rõ cơ chế vốn giai đoạn tiếp theo của dự án…

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị đặc biệt lưu ý đến vấn đề giải phóng mặt bằng, di dân. “Tại sao đưa ra phương án 5.000 ha mà bây giờ giảm một nửa vẫn làm được? Ngoài ra, phải làm rõ thêm việc di dân tái định cư. Lo cho dân từ giải quyết việc làm, chuyển đổi công việc… tỉ lệ như thế nào?” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói. Các ý kiến khác cũng đề nghị làm rõ thêm về hiệu quả của dự án, vấn đề lựa chọn công nghệ, môi trường…

Giải đáp các thắc mắc trên, Bộ trưởng Thăng cho hay: “Về việc trung chuyển của sân bay Long Thành là đến nhiều nước chứ không chỉ có ba nước. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 đã nêu rõ đối với hàng không chỉ đầu tư sân bay Long Thành. Đường biển, đường sắt, cao tốc Bắc-Nam và đối với đường thủy nội địa tập trung vào vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng…”. Bộ trưởng Thăng cũng khẳng định tính hiệu quả của dự án do tất cả dự án hàng không đến nay đều có lãi, chưa có dự án nào phá sản…

Kết luận phần thảo luận về chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu: Cần rà soát, bổ sung báo cáo đảm bảo tính thuyết phục về mục đích, hiệu quả của dự án; cơ chế tài chính, nguồn vốn, vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng tái định cư… “Đề nghị Chính phủ nghiên cứu nghiêm túc. Ủy ban Pháp luật xem xét đầy đủ quy trình pháp lý của nghị quyết để trình Quốc hội. Các ủy ban khác cũng tham gia để đảm bảo tính kinh tế-xã hội-pháp lý của dự án này được tán thành cao” - bà Ngân yêu cầu.

Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất không phù hợp

Báo cáo về các vấn đề lớn còn nhiều ý kiến trong việc xây dựng sân bay Long Thành của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho hay phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thay vì đầu tư mới sân bay Long Thành không phù hợp. Nguyên nhân việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phát sinh nhiều vấn đề như chi phí đầu tư tốn kém, ước tính tăng khoảng 9,1 tỉ USD, phải giải tỏa khoảng 14 vạn hộ dân với 50 vạn nhân khẩu; gia tăng áp lực giao thông, đô thị, môi trường trong khu vực nội đô TP.HCM; bị hạn chế bởi vùng cấm bay khu vực nội đô, đồng thời xung đột vùng bay chung với sân bay quân sự Biên Hòa. Ngoài ra, sân bay Tân Sơn Nhất có vị trí quan trọng về quốc phòng, là căn cứ quân sự dự bị chiến lược nên không thể dành toàn bộ đất cho mục đích dân sự…

“Việc cải tạo, mở rộng cảng hàng không Tân Sơn Nhất có thể nâng công suất khai thác lên 50 triệu khách/năm nhưng phải đầu tư kinh phí rất lớn giải tỏa bồi thường, tái định cư. Đồng thời, nhìn về dài hạn nếu nhu cầu vượt quá 50 triệu khách/năm thì cũng không thể tiếp tục mở rộng” - báo cáo này cho hay. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết vì: Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; thuận lợi về mặt xây dựng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối đã và đang được đầu tư, trong đó trục lộ giao thông chính cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vừa đưa vào khai thác...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm