Sập cầu Ghềnh, đường sắt vào Sài Gòn đứt mạch

11 giờ 35 trưa 20-3, tàu kéo sà lan số hiệu SG 3745 chở 800 tấn cát từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai đã đâm vào trụ cầu Ghềnh (tại Km 1699+860 thuộc khu gian đường sắt Biên Hòa - Dĩ An), làm sập hai nhịp 2 và 3 của cầu.

Nhiều người và xe rơi xuống sông

Vụ đâm đã làm nhịp 3 bị rơi xuống sông hoàn toàn, nhịp 2 đầu nam rơi xuống sông, đầu bắc rơi gác lên trụ số 1. Vụ tai nạn đã khiến sà lan bị lật úp trên sông, làm ba người chạy xe máy trên cầu rơi xuống sông.

Ngay khi đâm va, tài công Nguyễn Văn Thưởng (quê Bạc Liêu) và một tài công khác nhảy xuống sông bơi vào bờ, bỏ trốn. Hàng chục cảnh sát cùng canô đưa ba người lên bờ an toàn và liên tục quần đảo tìm kiếm người bị nạn.

Vì không rõ số người rơi xuống cầu cũng như không có thông tin trên sà lan có bao nhiêu người nên lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn liên tục quần đảo xung quanh khu vực. “Ngoài lực lượng thợ lặn để tìm kiếm khu vực sà lan bị lật thì các canô của lực lượng chức năng sẽ quần đảo quanh khu vực bán kính 1 km để tìm kiếm...” - một lãnh đạo Sở GTV tỉnh Đồng Nai có mặt tại hiện trường cho biết.

Đến chiều cùng ngày, lực lượng cứu hộ trục vớt ba chiếc xe máy lên bờ.

Chiếc sà lan còn lật úp nên các thợ lặn phải xuống tìm kiếm xem có người nào bị mắc kẹt hay không.

Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra vụ án.

Lực lượng chức năng đang tìm kiếm người bị nạn tại hiện trường. Ảnh: Tiến Dũng

Gần 200 cảnh sát, thợ lặn đến hiện trường

Hầu hết lãnh đạo chủ chốt của địa phương đều có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an tỉnh Đồng Nai lập tiểu ban cứu hộ để tìm kiếm người bị nạn và ngăn ngừa sự cố sà lan tràn dầu ra sông.

Một đoàn công tác từ Cục CSGT đường thủy - Bộ Công an đã đến hiện trường hỗ trợ tỉnh Đồng Nai. Sở Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn tỉnh Đồng Nai cũng nhờ TP.HCM điều một đội thợ lặn chuyên nghiệp đến hiện trường.

Đến 22 giờ, đoạn sông qua khu vực cầu bị sập vẫn bị phong tỏa, chiếc sà lan lật úp vẫn còn tại hiện trường. Lực lượng người nhái, cứu hộ trên sông tạm rút, còn trên bờ vẫn duy trì cả trăm cảnh sát để bảo vệ hiện trường.

Đường sắt vào Sài Gòn đứt mạch

Ngay sau khi sự cố xảy ra, tuyến đường sắt nối ga Sài Gòn với các tỉnh phía Bắc qua Đồng Nai đứt mạch.

Tỉnh Đồng Nai cũng đã thông báo đến ngành đường sắt để điều chỉnh lịch chạy tàu.

Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Đồng Nai và TP.HCM đã phối hợp trung chuyển hành khách đi tàu khách từ Biên Hòa về ga Sóng Thần và ngược lại từ TP.HCM về Sóng Thần rồi về ga Biên Hòa. Để tránh tình trạng kẹt thì việc trung chuyển sẽ rải đều từ ga Long Khánh về ga Biên Hòa.

Trong ngày, có hàng trăm lượt hành khách đã được trung chuyển theo cách trên.

Tại ga Sài Gòn, rất nhiều hành khách đã trả lại vé tàu. “Hôm nay (21-3), chỉ còn tám chuyến tàu có hành khách, có chuyến tàu chỉ 40-60 khách. Ga sẽ dùng 18 chuyến xe để đưa hành khách ra ga Biên Hòa” - lãnh đạo ga Sài Gòn thông tin. Lãnh đạo ga trực tiếp có mặt để điều hành công tác vận chuyển hành khách lên xe. Toàn bộ hành khách đều được nhà ga dùng ô tô chở đến ga Biên Hòa kịp thời.

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết phải mất ít nhất 3-5 tháng mới có thể khắc phục xong vụ sập cầu Ghềnh. Trong thời gian trước mắt, ngành đường sắt vẫn phải thực hiện phương án trung chuyển hành khách bằng xe khách từ ga Biên Hòa về ga Sóng Thần và ngược lại.

Đối với lượng hành khách hiện đang bị ách tắc tại ga Biên Hòa, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo ngành đường sắt phải giải quyết dứt điểm ngay trong đêm 20-3 và giải quyết chỗ nghỉ ngơi cho hành khách nếu không kịp.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, chiếc tàu kéo gây tai nạn đã hết hạn kiểm định gần ba tháng.

Cụ thể, tàu kéo SG 3745 có công suất 205 CV, chủ tàu là Phan Thế Thượng, địa chỉ 206 lô BCC Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Tàu được kiểm định ngày 6-3-2015 và đã hết hạn kiểm định vào ngày 1-12-2015. Còn sà lan mang số hiệu SG 5984 được kéo theo, người đứng tên đăng ký là Nguyễn Thu Hồng (cùng địa chỉ trên), có hạn đăng kiểm đến 4-7-2016.

Cầu Ghềnh thuộc TP Biên Hòa bắc qua sông Đồng Nai do Pháp xây dựng đã hơn 100 năm, dành đi chung cho cả đường bộ và đường sắt với hai phần bên hông dành cho xe hai bánh, ở giữa dành cho xe lửa và ô tô.

Tháng 2-2011, đoàn tàu khách SE2 chạy hướng TP.HCM-Hà Nội khi đến cầu Ghềnh đã đâm phải sáu ô tô làm hai người chết, 15 người bị thương.

Sau tai nạn, Thủ tướng yêu cầu khẩn cấp xây cầu đường bộ Bửu Hòa phía hạ lưu cầu Ghềnh nhằm tách cầu chung giữa đường bộ và đường sắt. Tháng 4-2013, khi cầu đường bộ Bửu Hòa đi vào hoạt động, Bộ GTVT đã cấm tất cả ô tô hai chiều và xe hai bánh theo chiều phường Bửu Hòa qua trung tâm TP Biên Hòa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm