Sáp nhập các sở: Cơ hội loại tham nhũng quyền lực

“Bộ máy đang chịu sức ép về chi tiêu ngân sách, sự phàn nàn, oán trách của nhân dân và chính bộ máy cũng nhận thấy hiệu lực, hiệu quả của mình chưa cao. Vì điều này mà việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy không thể không làm. Đây là thời điểm nút thắt cần phải gỡ” - đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách trao đổi bên hành lang Quốc hội xung quanh đề xuất sáp nhập một số sở, ngành do Bộ Nội vụ đưa ra…

Sẽ nhận diện tốt chất lượng cán bộ

. Bộ Nội vụ đề xuất 17 sở có thể phải sáp nhập, hợp nhất, chỉ cơ bản giữ lại bốn sở... Phương án sắp xếp đã hợp lý chưa?

+ Tôi có cảm giác là Bộ Nội vụ mới làm được việc cộng dồn các đơn vị theo nguyên tắc cơ học chứ chưa bắt nguồn từ việc xây dựng chức năng của Nhà nước, các phương diện mà Nhà nước tác động, các lĩnh vực mà Nhà nước quản lý.

Một xã hội phát triển thì xu hướng chung là xã hội lớn, Nhà nước hẹp. Tức đã đến lúc phải xem xét thu hẹp lại chức năng của Nhà nước, trong đó cơ bản nhất là chức năng kinh tế. Cái mà chúng ta đang bàn lâu nay chính là sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế.

Chức năng duy trì trật tự xã hội cũng vậy, cái nào xã hội làm được, cái nào Nhà nước không nhất thiết phải nắm thì cần tính lại... Đề án phải minh bạch cho được định hướng xây dựng của Nhà nước nói chung và các thiết chế nhà nước cụ thể nói riêng, rồi từ đó xác định nhiệm vụ, sau đó phân công về tổ chức.

. Có không ít ý kiến lo ngại xảy ra tình trạng thu hẹp đầu mối bên ngoài nhưng bên trong lại phình ra?

+ Chính xác là như vậy. Theo tôi, trước hết cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, thu hẹp phương diện hoạt động của Nhà nước đến đâu, từ đó định vị được bao nhiêu nhiệm vụ và bao nhiêu nhóm nhiệm vụ có cùng tính chất để xác định các thiết chế nhà nước tương ứng.

Ở ta, cục quản trị ở hầu hết các cơ quan nhà nước đều có. Bản chất của cục này là dịch vụ thuần túy, lau dọn nhà cửa, bố trí xăng xe... Ở các nước họ tổ chức công ty dịch vụ công cho cả bộ máy nhiều cơ quan nhưng ta lại đang tồn tại cơ cấu ấy.

Đại biểu Lê Thanh Vân trên diễn đàn quốc hội. Ảnh: Q.H

Hiện về kế hoạch tài chính, Chính phủ đang có hai bộ là KH&ĐT và Tài chính. Hai bộ đó đều là phân phối nguồn lực, một anh là bố trí nguồn lực cho chi thường xuyên, một anh bố trí nguồn lực cho đầu tư công... Chưa nói đến sự mâu thuẫn về con số thì cũng không nhất thiết phải tồn tại như thế.

Thứ hai là sắp xếp lại đội ngũ cán bộ. Ai cũng biết là bộ máy hợp lý nhưng chất lượng người vận hành không cao thì hiệu quả hoạt động cũng giảm. Chúng ta có thể thiết kế bộ máy chuẩn mực nhưng người đứng đầu, cán bộ chủ chốt chất lượng không cao, trí tuệ, mua bán chức tước, làm giả bằng cấp và hợp thức hóa tiêu chuẩn, cài cắm người nhà vào hệ thống... thì bộ máy bị phá rất nhanh.

Cải cách bộ máy gắn liền với công tác cán bộ. Đây là dịp chúng ta nhận diện lại chất lượng đội ngũ cán bộ, là cơ hội loại tham nhũng về kinh tế và quyền lực, loại cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vi phạm tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy.

Để làm được hai điều trên, phải hiện thực việc trọng dụng nhân tài chứ không tồn tại ở các chủ trương định hướng mà thực tế nhiều địa phương đang cho nhân tài ăn bánh vẽ. Họ đến nhưng không có đất để khai triển.

Làm tốt được ba việc này sẽ có một bộ máy gọn gàng, tinh nhuệ, hiệu quả, không chỉ đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phù hợp với lộ trình đang đi mà còn tiết giảm ngân sách, cơ cấu lại nguồn chi, giúp giảm áp lực về ngân sách và nợ công...

Giao quyền kèm giám sát

. Có ý kiến cho rằng Bộ Nội vụ không nên đề xuất giao thẩm quyền cho HĐND địa phương mà nên quy định “cứng” việc sáp nhập, tránh việc địa phương chần chừ, không quyết tâm làm hoặc sẽ lựa chọn phương án ít đụng chạm nhất?

+ Về nguyên tắc, tôi đồng tình với Bộ Nội vụ nhưng cách làm thì khác.

Hướng Bộ Nội vụ đưa ra là đúng vì 63 tỉnh, thành là 63 cá thể về hành chính không đồng dạng về lợi thế vị trí, dân cư, ngành nghề, tiềm năng phát triển... Như vậy, mô hình tổ chức bộ máy có thể khác nhau. Vấn đề là chúng ta đưa ra định dạng có tính nguyên tắc để các địa phương tự lựa chọn mô hình của mình nhưng nếu không có điều kiện kèm theo sẽ tùy tiện trong việc thiết lập bộ máy và không khắc phục được sự lạm dụng trong xác lập bộ máy.

Bộ Nội vụ đã có ý tưởng xây dựng vị trí việc làm nhưng thất bại vì anh làm từ trên xuống dưới, thay vì phải làm từ dưới lên trên và anh không xác định rõ tiêu chí cụ thể để xác định chức năng nhiệm vụ, những căn cứ quan trọng để dựng lên bộ máy. Đề án thất bại vì anh đi không đúng nguyên lý.

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo tờ trình nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố. Theo đó, việc sáp nhập, hợp nhất sẽ giảm được từ 46 đến 88 sở, ngành trên cả nước. 

Căn cốt nằm ở ba vấn đề. Thứ nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tôi đã giao cho anh sự lựa chọn theo mô hình tôi thiết kế, anh lựa chọn sai anh phải chịu trách nhiệm cụ thể trước pháp luật chứ không phải trách nhiệm chung chung.

Nhiều vị cứ kêu chịu trách nhiệm trước nhân dân, Đảng và Nhà nước... nhưng trách nhiệm đó là gì? Là trách nhiệm chính trị thì phải từ chức; là trách nhiệm pháp lý thì có trách nhiệm hình sự, trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm hành chính... Đây là cơ chế để khiến ai bất tài, vô hạnh sẽ không dám bước lên vũ đài chính trị, là bước ngăn chặn lòng tham...

Thứ hai, để hỗ trợ cơ chế đó là khoán chi tài chính. Nếu tăng biên chế thì anh không có tiền trả lương. Lúc đó buộc anh phải tự điều chỉnh, lựa chọn người tài.

Thứ ba là giám sát của cấp trên, định kỳ đánh giá. Những cam kết trước khi được đảm nhận chức vụ, tôi giám sát thấy anh không thay đổi được thì tôi cách chức anh... Làm cho nghiêm thì lập tức bộ máy hoạt động xuyên suốt.

Thay đổi cả mô hình quản lý

. Một vấn đề đặt ra là dự kiến hợp nhất ở cấp sở nhưng bộ lại giữ nguyên, trong khi chúng ta đang duy trì quản lý theo ngành dọc? Giả sử sáp nhập Sở Tài chính và Sở KH&ĐT nhưng bên trên vẫn còn hai bộ thì quản lý thế nào?

+ Ta đang thiết kế bộ máy nhà nước theo mô hình hình trụ đồng dạng, đồng nhất, trên có gì dưới có nấy và lâu nay chúng ta đang duy trì trật tự hệ thống, tạo ra không gian quản lý một chiều từ trên xuống dưới.

Trật tự hình trụ theo hệ thống, trước hết là kêu về chủ trương, chính sách, xin cơ chế; sau nữa là xin ngân sách và biên chế. Tư duy đó phải thay đổi, chuyển sang hình chóp nón, tập trung ở trên và dân chủ ở dưới. Tập trung để thống nhất nhưng dân chủ để khai thác tối đa tính sáng tạo, đột phá, chủ động, không chây ỳ, lệ thuộc vào cấp trên. Thiết lập trật tự hình chóp nón, trên chỉ đề ra thể chế, chính sách; ở dưới lựa chọn, đi liền với đó là các điều kiện bảo đảm thì lập tức ở dưới chuyển động năng động ngay.

Có thể đây là một bước làm trước ở phía dưới, trên cơ sở tổng kết làm tiếp ở phía trên. Đó là lộ trình để tránh sự bất ổn có thể xảy ra. Thiết kế bộ máy nhà nước ở trung ương là vấn đề hệ trọng, cần tính kỹ.

.Việc sắp xếp lại các sở chắc chắn sẽ động chạm đến công tác cán bộ, làm dôi dư cán bộ lãnh đạo. Theo ông, nên thực hiện phương án nhân sự thế nào?

+ Thực ra điều này do tâm lý và nhận thức của cán bộ mà thôi. Cơ bản cán bộ của các cơ quan nhà nước, của các tổ chức chính trị, xã hội đều là đảng viên. Khi vào Đảng, anh thề trước cờ Đảng sẵn sàng phục tùng nghị quyết của đảng, chấp hành mệnh lệnh cấp trên, chấp hành sự phân công của tổ chức. Nay tổ chức thay đổi, phân công lại thì anh phải chấp hành. Còn đã là nhiệm vụ mà không chấp hành thì kỷ luật.

Theo tôi, khi sắp xếp lại, dôi dư ra một số phó giám đốc sở thì tổ chức thi tuyển minh bạch, có sự giám sát ở trên để tránh gửi gắm rồi bổ nhiệm lại. Những ai tham gia chấm thi phải ký tên xác nhận để chịu trách nhiệm nếu lựa sai. Nói tóm lại, dù là tập thể thì các cá nhân cũng phải chịu trách nhiệm. Làm nghiêm sẽ buộc anh phải lựa chọn những người xứng đáng.

Với chức vụ do bầu cử thì tổ chức cho anh trình bày lại chương trình, thuyết phục tập thể bầu anh tránh chuyện bỏ phiếu dưới gầm bàn, tắt điện kiểm phiếu, lựa chọn sai người...

. Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn này. 

Sáp nhập là hợp lý, các địa phương đang chờ hướng dẫn

Hiệu quả, hiệu lực sẽ tăng

TP Hải Phòng đã ban hành kế hoạch về xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế trong hệ thống chính trị và chương trình tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý…

Việc xem xét sắp xếp sáp nhập cấp sở và phòng vẫn đang chờ hướng dẫn của trung ương để có sự đồng bộ, thống nhất. Trong quá trình triển khai sẽ tuyên truyền trong toàn thể bộ máy hành chính nhà nước và các ngành, các cấp, đoàn thể tại địa phương.

Chuyện bộ máy còn cồng kềnh đã được nhận diện, đánh giá và điều kiện việc sáp nhập đầy đủ nên việc sáp nhập để giảm đầu mối, giảm người đứng đầu chỉ là một chuyện, quan trọng hơn là hiệu lực, hiệu quả sẽ tăng lên, hoạt động của bộ máy thông suốt.

Ông PHẠM HỒNG HÀ
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hải Phòng

ĐỖ HOÀNG ghi

Dân sẽ đồng tình

Hiện rất nhiều sở có nhiệm vụ, chức năng tương đồng và nếu hợp nhất, mỗi tỉnh có thể giảm ít nhất năm sở.

Theo dự thảo nghị định của Bộ Nội vụ thì sẽ dôi dư nhiều (giám đốc, phó giám đốc, phó phòng, trưởng phòng...). Vì vậy, cần nói rõ thời điểm chuyển giao, cho phép vượt số cấp phó tạm thời bao nhiêu, đến thời điểm nào thì chấm dứt.

Theo tôi, TP.HCM và Hà Nội đã được ưu tiên có nhiều sở hơn các tỉnh, thành khác mà số lượng cấp phó ba, bốn người, trong khi các tỉnh số lượng sở đã ít mà mỗi sở chỉ hai, ba cấp phó thì cũng không hợp lý. Tôi cho rằng nên quy định chung cả nước các sở không quá ba cấp phó. Hoặc như phương án quy định sở ở TP.HCM và Hà Nội bình quân không quá 3,5 cấp phó, các tỉnh, thành khác không quá ba.

Trước đây chúng ta cũng thực hiện sáp nhập một số sở nhưng có ý kiến cho rằng việc sáp nhập còn mang tính cơ học, số lượng cấp phó dôi dư nhiều và kéo dài như Thanh Hóa đến năm ngoái vẫn có sở có đến tám cấp phó nên phải rút kinh nghiệm từ thực tế này. Vì vậy phải có một mốc thời gian cụ thể kèm chế tài nếu làm sai quy định.

Nếu thực hiện sắp xếp được như đề xuất của Bộ Nội vụ, số biên chế được tinh giản sẽ rất nhiều, người dân sẽ đồng tình.

Đại biểu PHẠM VĂN HÒAPhó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Đ.MINH ghi

Cần đồng bộ để tránh báo cáo nhiều nơi

Một tỉnh có bao nhiêu sở, cần căn cứ vào đặc thù, cư dân… tại địa phương để đưa ra khung nhất định, sau đó giao UBND thực hiện sẽ sát thực tiễn.

Nếu dự thảo thành hiện thực thì đòi hỏi người lãnh đạo có đủ năng lực để nắm giữ trọng trách công việc. Năng lực, kinh nghiệm trong lãnh đạo, tầm nhìn, quản lý, xử lý… sẽ phát huy hiệu quả công việc khi sáp nhập.

Bên cạnh đó sẽ thừa cấp phó nên cần có lộ trình và thời gian để sắp xếp hợp lý; có cơ chế cho những cấp phó chấp nhận về hưu sớm. Dự thảo phù hợp và cần thiết với tình hình thực tế nước ta hiện nay nhưng có thể gây sốc cho đội ngũ trong đơn vị sẽ sáp nhập.

Có điều là trong dự thảo chưa thấy nhắc đến việc sáp nhập các bộ. Nếu việc sáp nhập không đồng bộ sẽ xảy ra tình trạng một sở báo cáo nhiều bộ và sẽ có trục trặc trong quá trình vận hành, tổ chức thực hiện…

Một lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh

CÙ HIỀN ghi

Nhập Sở Tài chính và Sở KH&ĐT là hợp lý

Tại Đà Nẵng, giám đốc một số sở cho hay chưa nắm thông tin chính thức về dự thảo của Bộ Nội vụ về việc hợp nhất các sở, ngành.

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho hay chưa hề biết thông tin Sở GTVT có thể sáp nhập với Sở Xây dựng. Ông Trung cũng cho rằng nếu sáp nhập thì công việc vẫn bình thường nhưng các đầu việc sẽ nhiều lên.

Ông Vũ Quang Hùng (Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng) cũng cho rằng mới chỉ nghe thông tin qua các phương tiện truyền thông.

Đối với cơ sở sáp nhập hai sở Tài chính và KH&ĐT, ông Nguyễn Văn Phụng (Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng) cho hay cũng vừa nghe thông tin qua báo chí, chưa nhận được văn bản gì liên quan. Tuy nhiên, ông cho là việc sáp nhập hai sở này là hợp lý vì cả hai đều liên quan đến công tác quản lý vốn ngân sách trong đầu tư công. “Khi đó cũng không khó gì trong điều hành công việc” - ông nói.

TẤN VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm