Sáp nhập huyện, xã: Thách thức khi sắp xếp cán bộ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết quá trình sáp nhập, chia, tách đơn vị hành chính trong từng giai đoạn của đất nước ở một mức độ nhất định đã đạt được một số kết quả tích cực.

Tuy nhiên, quá trình chia tách các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã thời gian qua đã dẫn đến một số bất cập và hạn chế. Việc tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp đã dẫn đến bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh; tăng biên chế, tăng chi ngân sách nhà nước...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Đề án đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2021 cơ bản thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã chưa đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số theo quy định. Từ năm 2022 đến 2030, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã không đạt hai tiêu chuẩn này.

Là người phát biểu đầu tiên, Bí thư Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đề xuất từ nay đến năm 2021 chưa tiến hành nhập cấp huyện mà tập trung thực hiện với xã trước. Đối với đơn vị hành chính cấp xã, ông Sơn “đồng tình cao” với đề án: Từ nay đến năm 2021, chủ yếu đến năm 2020 nhập các xã không bảo đảm trên 50% cả hai tiêu chí diện tích và dân số.

Tuy nhiên, Bí thư Hà Tĩnh đề nghị cần có điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng. “Nhập xã có một vấn đề rất thách thức là hạ tầng thế nào, trung tâm xã ở đâu, sử dụng hạ tầng ra sao?...” - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Lê Đình Sơn, một vấn đề “rất thách thức” trong quá trình tổ chức sáp nhập là sắp xếp cán bộ. “Đề án nêu có thể dư nhưng thực ra là dư rất nhiều. Ba xã nhập một tức là dư 2/3, vậy phải bàn rất kỹ vấn đề này nếu không sẽ không thực hiện được. Ba bí thư chỉ còn một bí thư, ba chủ tịch giờ còn một chủ tịch, xử lý thế nào, vô cùng khó!” - ông Sơn nói.

Bí thư Hà Tĩnh cũng quan tâm đến lộ trình thực hiện đề án nói trên bởi liên quan đến Đại hội Đảng. Theo ông Sơn, tháng 3-2020 đã tiến hành Đại hội Đảng cấp xã, vì vậy phải thực hiện xong việc sáp nhập từ năm 2019.

Phó Bí thư Thường trực tỉnh Đồng Nai Trần Văn Tư.

Còn Bí thư Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cho hay tỉnh Nghệ An đã xong đề án, chỉ chờ Bộ Nội vụ ban hành đề án thì có thể thực hiện được ngay. Ông Vinh cũng chia sẻ: “Khi sắp xếp bộ máy, giải quyết vấn đề trong nội bộ thì nội bộ nhiều chuyện lắm... Bây giờ mới làm đề án thôi, ở dưới đã có hiện tượng người ta “chạy” rồi, rồi người này người kia điện thoại, đủ hết cả”.

Trong khi đó, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Đồng Nai Trần Văn Tư rất quan tâm đến chế độ để xử lý cho cán bộ nghỉ việc. Theo ông, trung ương nên quy định thống nhất, đừng để mỗi nơi ban hành quy định riêng thì không ổn.

Hiện nay số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất lớn.

588/713 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 82,47%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số. Trong đó có 259 đơn vị chưa đạt 50% của một trong hai tiêu chuẩn diện tích hoặc dân số; có 18 đơn vị đồng thời chưa đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn diện tích và dân số.

9.434/11.162 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 84,51%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số. Trong đó, 6.191 đơn vị chưa đạt 50% của một trong hai tiêu chuẩn diện tích hoặc dân số; có 637 đơn vị đồng thời chưa đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn diện tích và dân số.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy