'Sinh viên sư phạm cần tuyển như công an, quân đội'

Đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) phát biểu như trên trong phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), sáng 21-5.

Đại biểu Triệu Thanh Dung góp ý cho dự thảo luật trong sáng nay.

Đại biểu Dung cho rằng, để hút người giỏi vào sư phạm thì cần có chế độ thỏa đáng hơn đối với nghề giáo. Bà đề nghị xem xét tuyển sinh viên sư phạm như công an, quân đội, có các bước sơ tuyển... Chỉ tiêu tuyển sinh cần phụ thuộc vào nhu cầu kinh tế và khi ra trường sinh viên được bố trí việc làm, có lương cao để sống tốt với nghề: “Như thế mới hút được người giỏi, nhân tài vào sư phạm...”, bà nói.

Bà cũng cho rằng việc hỗ trợ học phí không thể thu hút nhân tài vì hiện nay đầu vào của một số khối sư phạm rất thấp. Hơn nữa, việc hỗ trợ học phí thì ai là người đi thu, theo dõi. Học sinh ra trường không có việc làm thì ai trả khoản tiền này “Chính sách như vậy có phản tác dụng chính sách, thiếu khả thi hay không?” - bà đặt câu hỏi.

Trong khi đó, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) lại băn khoăn về nội dung dùng học sinh để thí điểm, thực nghiệm… Ông đề nghị Chính phủ phải có quy định chi tiết về vấn đề thực nghiệm trước khi triển khai.

Vị đại biểu Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đề nghị không quy định cứng nhắc về độ tuổi vào lớp 1, lớp 6… vì có trường hợp học sinh phải điều trị bệnh mà bỏ dở việc học một thời gian, khi muốn quay lại học cũng không thể được. Từ đó, ông Tuấn đề nghị Ban soạn thảo xem lại quy định này.

Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục

Về ý kiến đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước, theo ông Phan Thanh Bình, hiện quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết của Đảng và Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Vì vậy, việc giảng dạy và học tập phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực sẽ phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa như trong dự thảo luật. Để rõ ràng, mạch lạc hơn về vai trò của chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, nội dung này đã được quy định thành hai điều riêng biệt.

“Theo đó, chương trình là pháp lệnh, thống nhất trong toàn quốc. Sách giáo khoa là công cụ giảng dạy, triển khai chương trình giáo dục phổ thông.

Để bảo đảm chất lượng của chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, dự thảo Luật quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, UBND các địa phương, Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa và Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục cấp tỉnh. Đồng thời, luật cũng quy định quy trình chọn sách giáo khoa tại địa phương do UBND tỉnh quyết định theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT…” - ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Đối với ý kiến cho rằng chính sách vay tín dụng sư phạm chưa bảo đảm tính khả thi khi triển khai trong thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chính sách này nhằm thu hút các học sinh khá, giỏi vào học sư phạm, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục. Tuy nhiên việc vay tín dụng phải thực hiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của đất nước.

“Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng chuyển chính sách tín dụng sư phạm sang hình thức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên sư phạm tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Trong trường hợp, học sinh, sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định thì phải hoàn trả toàn bộ kinh phí hỗ trợ cho nhà nước…”.

Về tính khả thi của quy định bố trí việc làm cho người đã học xong cử tuyển, theo ông Phan Thanh Bình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là quy định cần thiết để bảo đảm hiệu quả của việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

“Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của địa phương trong việc đề xuất, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển, cử người đi học theo tiêu chuẩn, chỉ tiêu được duyệt và bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể điều này. Về chất lượng đào tạo cử tuyển, thuộc về trách nhiệm của cơ Sở giáo dục đào tạo theo chuẩn đầu ra của khung trình độ quốc gia Việt Nam…” -  ông Phan Thanh Bình nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy