Sự cố ở Sông Tranh 2 rất nguy hiểm

Các chuyên gia cho rằng hành lang thu gom nước phải thu nước một cách chủ động với khối lượng nước thấm rất ít. Đa số các ý kiến lo ngại áp lực nước sẽ làm xói mòn bê tông, đe dọa sự an toàn của đập Sông Tranh 2

Nước chảy ào ào, rất đáng lo

Theo KS Vũ Ngọc Luyện, Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi - thủy điện Việt Nam, trong thiết kế, các đập thủy điện bằng bê tông đầm lăn như thủy điện Sông Tranh 2 đều có hành lang để thu gom nước thấm qua thân đập. Tuy nhiên, lượng nước này phải được thu gom một cách chủ động chứ không được để chảy tràn lan. “Hành lang thu gom nước chỉ là hai rãnh nước ở trong đường hầm dưới đáy đập, có nhiệm vụ thu gom nước từ hồ thấm qua đập, sau đó chảy ra theo đáy đập về hạ lưu. Nếu làm đúng thiết kế thì mái đập hạ lưu hoàn toàn khô ráo. Thế nhưng ở thủy điện Sông Tranh 2 lại có tình trạng nước chảy xối xả từ bên trên xuống hành lang thu gom nước và thấm cả ra mái đập hạ lưu. Như vậy chứng tỏ công trình không đạt chất lượng theo thiết kế, đập hoạt động không bình thường” - KS Luyện phân tích.

Sau khi xem kỹ những hình ảnh nước chảy xối xả bên trong đường hầm ở thủy điện Sông Tranh 2, PGS Nguyễn Thống, khoa Kỹ thuật ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định tình trạng thấm nước xảy ra ở rất nhiều vị trí với lưu lượng rất lớn. Ông lo ngại: “Theo tôi, trước mắt cần phải lấy ngay mẫu nước chảy trong đường hầm đưa đi phân tích để xác định xem nước có cuốn trôi theo vật liệu xây dựng hay không. Đồng thời cũng lấy thêm mẫu nước trong hồ chứa phân tích để đối chiếu xem nước lúc chưa thấm qua đập và sau khi thấm có khác nhau không. Từ đó xác định thêm mức độ tác động của lượng nước thấm đến công trình đập”.

PGS Nguyễn Thống cho biết việc thi công đập thủy điện bằng bê tông đầm lăn có lượng xi măng ít hơn bê tông truyền thống nên không tạo ra nhiều khe nhiệt. Do đó, những thông tin cho rằng nước xì ra bên ngoài mái đập ở thủy điện Sông Tranh 2 là do thấm qua khe nhiệt cần phải được kiểm chứng.

Sự cố ở Sông Tranh 2 rất nguy hiểm ảnh 1

Tuy nhiên, tại Sông Tranh 2 , nước phun như thế này trong hành lang thoát nước. Ảnh: TT

Sự cố ở Sông Tranh 2 rất nguy hiểm ảnh 2

Theo thiết kế nước thấm từ hồ qua đập phải được thu gom về rãnh thoát nước. Đồ họa: HỒNG LOAN

Phải lên cả phương án di tản dân

Còn nhớ cuối năm 2011, cả tỉnh Quảng Nam rúng động vì huyện Bắc Trà My liên tục xảy ra rung chấn. Viện Địa chất đã đến khảo sát và kết luận là các vụ rung chấn kèm tiếng nổ là động đất kích thích do đứt gãy, dịch trượt địa tầng tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Thời điểm này, tỉnh Quảng Nam đã lên phương án di dời, chạy nạn cho người dân tại đây và vùng lân cận nếu sự cố động đất uy hiếp đến tính mạng và tài sản của dân.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Đặng Phong nói: “Chúng tôi vẫn lo sợ, liệu có sự liên quan nào giữa động đất và sự cố nứt đập này hay không. Với 730 triệu m3 nước với cao trình 175 m hiện có, nước tại thủy điện Sông Tranh 2 có thể quét tất cả ra biển Đông”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cũng cho rằng cần phải giải quyết nhanh chóng để tránh những việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, KS Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, cho rằng với phương pháp khắc phục đơn giản như hiện nay mà EVN nói đã giảm thấm đến 80% thì ông không thể tin. Nếu khắc phục bằng phương pháp thủ công ở mặt bề ngoài như thế thì hết thấm nước chỗ này nó sẽ chảy nước chỗ khác. Theo ông, cần phải lên kịch bản ứng phó trong tình trạng xấu nhất nếu có thảm họa vỡ đập vào chương trình phòng, chống lụt bão của tỉnh Quảng Nam trong năm 2012. “Tôi vẫn cho rằng qua quan sát trực quan và cảm nhận thì nước chảy qua khe nhiệt như EVN nói phải lớn hơn 30 lít/giây. Lượng nước lớn như thế chảy qua khe nhiệt sẽ ảnh hưởng đến an toàn đập. Chắc chắn trong một thời gian dài, nếu khắc phục không đúng và kịp thời thì sẽ xảy ra hiện tượng ăn mòn bê tông rất nguy hiểm” - ông Tuấn nói.

Chính phủ yêu cầu EVN rút kinh nghiệm

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về kết quả kiểm tra và giải pháp khắc phục việc thấm nước qua đập thủy điện Sông Tranh 2.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan cần khẩn trương khắc phục triệt để hiện tượng này để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình. Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xử lý lúng túng, thiếu chuyên nghiệp và không thông tin kịp thời, đầy đủ, rõ ràng cho các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua. Đồng thời, EVN cần huy động tối đa công suất của Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 để hạ mực nước hồ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý thấm đạt hiệu quả. EVN phải chỉ đạo các đơn vị có liên quan quan trắc thường xuyên, cập nhật và xử lý các số liệu đo đạc để phân tích đánh giá kịp thời, làm cơ sở cho công tác xử lý thấm và nghiệm thu. Tiếp tục theo dõi, đánh giá nguyên nhân, tình trạng thấm để xây dựng các giải pháp xử lý tổng thể giảm lưu lượng thấm về mức tối thiểu, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình.

Phó Thủ tướng lưu ý UBND tỉnh Quảng Nam thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, thông báo kết luận của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước để người dân khu vực hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2 yên tâm sản xuất và sinh hoạt. Đồng thời, tỉnh Quảng Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, EVN để đưa công trình thủy điện Sông Tranh 2 vào hoạt động có hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, lúc 16 giờ hôm nay (28-3), bộ này sẽ tổ chức họp báo công bố chính thức kết quả kiểm tra và biện pháp khắc phục, xử lý. Buổi họp báo sẽ có sự tham gia của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước và EVN.

 Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH ngày 27-3, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH cần phải vào cuộc vụ thủy điện Sông Tranh 2. Bởi lẽ, vụ việc này liên quan đến tài sản của Nhà nước, cuộc sống của nhân dân.

TRÀ PHƯƠNG

TRUNG THANH - LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm