Sử dụng túi thân thiện môi trường thay thế túi nylon

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM, mỗi ngày cư dân TP tiêu thụ khoảng 8-10 triệu túi nylon. Con số này tương đương khoảng 60-70 tấn. Trong khi đó, túi nylon rất khó phân hủy, chúng có thể tồn tại lâu trong tự nhiên. Vì vậy, nếu lượng nylon này không được thu gom triệt để thì sẽ gây ra hậu quả to lớn cho môi trường.

Gây hại cho sức khỏe

Thực tế, ngay từ khâu chế tạo túi nylon, các nhà sản xuất sử dụng nhiều nguyên liệu nguy hiểm đến sức khỏe và môi trường. Chẳng hạn như dầu mỏ, khí đốt, các chất phụ gia (chất hóa dẻo, kim loại nặng, phẩm màu…). Do đó quá trình sản xuất sẽ tạo ra khí CO2 làm tăng hiệu ứng nhà kính, gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Được biết túi nylon được làm từ những chất khó phân hủy, khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm năm đến hàng ngàn năm mới bị phân hủy hoàn toàn. Cũng vì vậy mà sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn đất và nước. Bởi vì chúng lẫn vào đất sẽ ngăn cản oxy đi qua, gây xói mòn, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn, đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nylon sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Mặt khác, khi túi nylon bị đốt, chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin, fura gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Đặc biệt, trong một số loại túi có lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất khi đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành acid sunfuric dưới dạng các cơn mưa acid rất có hại cho phổi, sức khỏe. Hơn nữa, túi nylon kẹt sâu trong cống rãnh, kênh rạch còn làm tắc nghẽn gây ứ đọng nước thải và ngập úng. Các điểm ứ đọng nước thải sẽ là nơi sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh.

Sử dụng túi thân thiện môi trường thay thế túi nylon ảnh 1

Sử dụng túi nylon đã trở thành thói quen của nhiều người và chính thói quen này cũng ảnh hưởng lớn đến môi trường. Ảnh: NGỌC CHÂU

Sử dụng túi thân thiện với môi trường

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, chia sẻ nếu ban hành quy định cấm hoàn toàn túi nylon thì không khả thi trong giai đoạn hiện nay. Việc này sẽ vấp phải sự phản đối của cộng đồng vì nhu cầu sử dụng túi nylon nói chung vẫn còn ở mức cao. Do vậy, Sở TN&MT TP.HCM tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai chương trình Tháng sử dụng túi thân thiện môi trường tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP.HCM. Nội dung nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hợp lý túi nylon, chuyển từ sử dụng túi nylon thông thường sang các loại túi thân thiện môi trường. Song song đó, chương trình vận động các nhà bán lẻ (siêu thị) có kế hoạch, đưa ra biện pháp giảm sử dụng túi nylon tại đơn vị, dần dần chuyển sang các loại túi đựng hàng thân thiện môi trường. Mặc dù thời gian phát động và triển khai có hạn nhưng ban tổ chức đã nỗ lực để chương trình diễn ra theo kế hoạch và đạt được những thành công đáng ghi nhận.

Theo kết quả từ Quỹ tái chế chất thải TP.HCM (thuộc Sở TN&MT), đơn vị này đã thực hiện cuộc khảo sát lấy ý kiến của 300 khách hàng tại các siêu thị. Mục đích nhằm thu thập thông tin, ý kiến người dân về các hoạt động của chương trình nói chung và các loại túi thân thiện môi trường nói riêng. Cùng với đó là tiếp nhận ý kiến đóng góp của họ nhằm cải tiến hình thức tổ chức chương trình theo hướng hiệu quả hơn. Khi được hỏi “Anh, chị có biết từ ngày 1-1-2012, túi nylon chịu thuế bảo vệ môi trường với mức 40.000 đồng/kg?”, có đến 194 ý kiến biết về thông tin này. Ngoài ra, 63% người dân đã có ý thức giảm sử dụng túi nylon trong gia đình. Đặc biệt, chương trình đã vận động được ba hệ thống siêu thị lớn của TP.HCM cùng vạch ra kế hoạch riêng để khuyến khích khách hàng sử dụng túi thân thiện môi trường thay cho túi nylon thông thường.

Mặc dù các cơ quan chức năng thiết lập nhiều chương trình để giảm thiểu sử dụng túi nylon trong cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn là ý thức tự giác của mỗi người, trong đó vai trò quan trọng thuộc về chị em phụ nữ và các bà nội trợ. Từ việc thay đổi thói quen mua sắm hằng ngày, chúng ta đã có thể góp phần làm cho môi trường sạch đẹp hơn. Chẳng hạn như sử dụng túi dệt, tận dụng các vật liệu tái chế, dùng hộp đựng thực phẩm thay cho túi nylon… Hơn nữa, với vai trò là người vợ, người mẹ trong gia đình, bạn có thể hướng dẫn con trẻ, hình thành cho chúng thói quen, ý thức sử dụng vật dụng thân thiện với môi trường. Có thế những hành động nhỏ sẽ góp phần to lớn cải thiện môi trường, xây dựng TP ngày càng sạch, đẹp hơn.

Dự án trồng rừng ngập mặn giảm thiểu biến đổi khí hậu

Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Nokia vừa ký kết triển khai thực hiện dự án giảm thiểu biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học vùng Rú Chá, Thừa Thiên-Huế. Chương trình được đánh dấu bằng việc trồng 10.000 cây ngập mặn trong tổng số 23.000 cây trên diện tích 20 ha vùng đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam. Trong nhiều năm, rừng ngập mặn Rú Chá là một lá chắn tự nhiên bảo vệ cộng đồng khỏi các thiên tai. Gần đây khu rừng đã bị con người khai thác quá mức như sử dụng cây ngập mặn làm chất đốt, khai phá đất làm ao nuôi trồng thủy sản và xây dựng hệ thống đê. Các hoạt động này đã gây nên hiện tượng xói mòn, sụp đổ nhà cửa và gây thiệt hại mùa màng. Do vậy, dự án được thực hiện nhằm hỗ trợ cộng đồng địa phương giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu thông qua tập huấn cho hơn 300 người dân địa phương về quản lý cây trồng và nuôi trồng thủy sản sinh thái. Ngoài ra, hơn 400 hộ dân sẽ được hưởng lợi thông qua việc nâng cao kỹ năng quản lý nuôi trồng thủy sản bền vững, giảm lũ lụt và canh tác hiệu quả. Đồng thời, khu vực rừng ngập mặn mở rộng trong dự án sẽ bảo vệ cộng đồng khỏi những mối đe dọa thiên nhiên và tăng khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu.

MINH TÚ

NGỌC CHÂU (Theo Quỹ tái chế chất thải TP.HCM, Sở TN&MT TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm