'Tại sao trẻ bị xâm hại tự tử mới khởi tố vụ án và nhận sai'

Cùng mối quan tâm đến trẻ em, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết đã theo đuổi vụ một cháu bé ở Thủ Đức (TP.HCM) và có nhiều văn bản kiến nghị sự việc trên.

Dẫn vụ trẻ em ở Cà Mau ông hỏi: Tại sao khi trẻ tự tử mới khởi tố vụ án và nhận ra sai lầm? Báo chí nêu chúng ta có 17 cơ quan nhưng dường như những gia đình tôi gặp họ rất đơn độc. Vì vậy, tôi yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH có thái độ kiên quyết hơn nữa để cùng cơ quan khác vào cuộc. Tôi cũng chính thức yêu cầu cơ quan tố tụng trả lời câu hỏi về cháu ở Thủ Đức có bị xâm hại…?.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trả lời về tình trạng xâm hại tình dục.

Tán thành cao ý kiến của ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng hệ thống pháp luật đảm bảo quyền lợi cho trẻ em cơ bản đồng bộ.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành lao động thừa nhận thời gian qua có một số vụ việc để kéo dài, xử chưa nghiêm minh. Đặc biệt, có vụ có ý kiến của các lãnh đạo cấp cao rồi mới tiến hành. Ông Dung đề nghị các cấp, các ngành đánh giá thực chất lại hoạt động của mình.

“Còn đối với Bộ LĐ-TB&XH, hầu như các vụ việc xâm hại trẻ em, nhất là các vụ việc nghiêm trọng, đơn vị đều có ý kiến trực tiếp. Nhiều vụ tôi trực tiếp có ý kiến. Như vụ ông Nguyễn Khắc Thủy, sáng kết thúc phiên tòa, chiều tôi đã trao đổi trực tiếp với chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao thể hiện với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi không đồng tình với kết quả này. Hay vụ án Minh (Minh Béo), về nước khi bị xử vẫn tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Bộ đã có ý kiến và được chấp nhận…” - ông Đào Ngọc Dung dẫn chứng.

Giải đáp thêm vấn đề này, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, cho rằng đây là vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội. Đơn vị cũng nhận thức vấn đề này phải bảo đảm tính đồng bộ, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, có sự phối hợp của các cơ quan có liên quan, công tác tuyên truyền giáo dục để bảo đảm giáo dục kỹ năng cho các em. Đặc biệt là khi phát hiện thì xử lý nghiêm để răn đe giáo dục chung...

Người đứng đầu VKSND Tối cao cũng cho biết Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Dân sự đều có quy định để bảo vệ quyền trẻ em. Nhưng pháp luật hoàn thiện rồi vẫn đòi hỏi tính thực thi của pháp luật.

“Đại biểu nói 17 cơ quan có chức năng liên quan đến vấn đề này, vì vậy công tác phối hợp rất quan trọng. Sắp tới các cơ quan phải cân nhắc, nếu có sự phân công của UBTVQH thì hiệu quả hơn…” - ông Lê Minh Trí nói.

Cũng về vấn đề trên, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, mong muốn của ĐB, cử tri là làm sao chúng ta không để xảy ra tình trạng này, để các cơ quan tố tụng “thất nghiệp” thì càng tốt.

Theo thống kê năm năm, tòa án đã giải quyết hơn 8.000 tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, liên quan đến năm tội danh khác nhau. Theo đó xâm hại tình dục trẻ em đã trả hồ sơ 549 vụ, các vụ xét xử đúng người, đúng tội khoảng 93%.

Số vụ trả hồ sơ số lượng không nhiều (6%) nhưng gây bức xúc trong xã hội. Đây là những vụ việc có khó khăn trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, vì đây là những vụ án truy xét, không có người làm chứng, gia đình, nạn nhân ngại khai báo, thậm chí che giấu cơ quan điều tra. Có vụ giám định là yêu cầu bắt buộc nhưng gia đình bị hại lại từ chối giám định.

“Tòa án đã làm nhiều việc để thực hiện nhiệm vụ này. Tòa án đã xây dựng những bộ giáo trình riêng, tập huấn riêng đối với tội xâm hại tình dục trẻ em. Phối hợp với các cơ quan tố tụng ban hành các hướng dẫn liên tịch. Tiến hành các cuộc tập huấn để nâng cao năng lực. Ngoài ra có việc ban hành các thông tư hướng dẫn xây dựng tòa thân thiện, tòa gia đình với yêu cầu thân thiện với các cháu vị thành niên khi các vụ án này xảy ra…” - người đứng đầu ngành tòa án nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm