Tăng trạm thu phí lấy vốn làm thêm cầu, đường

Trên địa bàn TP.HCM hiện có các trạm thu phí trên các trục đường quan trọng như xa lộ Hà Nội (quận 9), quốc lộ 13 (quận Thủ Đức), quốc lộ 1 (quận Bình Tân), Nguyễn Văn Linh (quận 7), vành đai đông (chân cầu Phú Mỹ phía quận 2). Bên cạnh các trạm thu phí đang hoạt động còn có các trạm thu phí nằm trên đường Mai Chí Thọ (quận 2) dự kiến thu phí với các loại ô tô qua lại đường hầm vượt sông Sài Gòn và Trạm thu phí Phú Hữu nằm trên đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu (quận 9) thu phí hoàn vốn cho việc đầu tư tuyến đường nối này.

Bỏ bớt hai trạm thu phí

Hiện việc thu phí hoàn vốn đầu tư (cầu, đường) ở các trạm thu phí chỉ thực hiện đối với các loại xe ô tô. Tuy nhiên, từ năm 2013, các loại ô tô đã phải đóng phí sử dụng đường bộ nên để tránh việc phí chồng phí (vừa nộp phí sử dụng đường bộ, vừa đóng phí cầu đường - PV) nên TP.HCM đã rà soát, giảm bớt các trạm thu phí trên địa bàn. Cụ thể, trạm thu phí trên đường Kinh Dương Vương đã đóng cửa trước thời hạn. Mới đây, Sở GTVT tiếp tục kiến nghị không tổ chức thu phí ở trạm nằm đầu đường hầm sông Sài Gòn vì chưa phù hợp với chủ trương, lại nằm ở điểm có thể gây mất an toàn giao thông.

Ngoài ra, cơ quan chức năng đang “lấn cấn” với trạm thu phí trên trục đường Nguyễn Văn Linh dài gần 18 km do Công ty Phú Mỹ Hưng xây dựng với kinh phí khoảng 100 triệu USD. Công ty đang thu phí để duy tu, bảo dưỡng tuyến đường và mục đích này trùng lắp với quỹ bảo trì đường bộ (đã thu với ô tô và sắp tới là xe máy) nhưng theo thỏa thuận trước đó thì họ được thu đến tháng 9-2027. Tuy nhiên, Công ty Phú Mỹ Hưng vẫn đồng ý dừng thu phí mà không cần trả lợi nhuận nhưng TP.HCM phải lo việc duy tu, bảo dưỡng tuyến đường và không tái thu phí trên đường vì bất cứ lý do gì, bất kể có xây thêm các công trình giao thông trên tuyến đường, ít nhất cho đến hết tháng 9-2027.

Vị trí các trạm thu phí hiện hữu và dự kiến xây mới đến năm 2020. ĐH: L.Hiền

Sẽ duy trì, kéo dài và lập mới thêm 12 trạm

Sở GTVT đề xuất vẫn tiếp tục duy trì trạm và cho phép nâng cấp lên công nghệ thu phí để quản được nguồn thu. Sau này nếu TP.HCM tiếp tục đầu tư các công trình giao thông trên trục đường Nguyễn Văn Linh (nhất là các nút giao khác mức) theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) sẽ kêu gọi Công ty Phú Mỹ Hưng (hoặc các đơn vị khác có năng lực) đầu tư để có thể tận dụng, phát huy trạm thu phí này. Tương tự, Trạm thu phí cầu Bình Triệu dự kiến sẽ được kéo dài đến hết tháng 9-2015. Tuy nhiên, trạm này sẽ được duy trì để thu phí hoàn vốn cho các tuyến đường trong cụm dự án cầu đường Bình Triệu. Hiện nay còn các dự án TP như mở rộng quốc lộ 13, đường Ung Văn Khiêm, Chu Văn An, xây nút giao ngã năm đài liệt sĩ với kinh phí dự kiến hàng ngàn tỉ đồng.

Cũng như Trạm thu phí Bình Triệu, Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM chi trả khoảng 3.300 tỉ đồng để xây mới cầu Rạch Chiếc và mở rộng cửa ngõ vào TP.HCM ở phía đông nên việc thu phí ở xa lộ Hà Nội dự kiến kéo dài đến năm 2054. Còn ở khu vực phía tây của TP.HCM, Công ty IDICO đã bỏ gần 1.580 tỉ đồng (chia làm nhiều giai đoạn) để nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc, gắn dải phân cách, xây thêm cầu vượt… nên thời hạn của trạm thu phí này được điều chỉnh kéo dài đến năm 2033.

Theo Sở GTVT, việc duy trì trạm hiện hữu và xây mới các trạm thu phí (theo công trình cầu đường BOT) phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với phát triển, đồng bộ với hạ tầng giao thông và còn tạo nguồn để hoàn vốn cho nhà đầu tư, nhằm thu hút nguồn lực xã hội bỏ vốn xây cầu, mở đường. Để không gây ra tình trạng phí chồng phí, Sở GTVT kiến nghị không xây mới trạm thu phí trên các trục quốc lộ 1, 1K, 13 và quốc lộ 50 (trừ trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý). Nhưng cần xây thêm trạm thu phí trên quốc lộ 22 (tại Củ Chi) để hoàn vốn cho việc mở rộng quốc lộ với tổng vốn khoảng 12.850 tỉ đồng; trên đường nối đại lộ Võ Văn Kiệt vào cao tốc Trung Lương (hoàn vốn cho việc đầu tư 1.400 tỉ đồng). Dự kiến đến năm 2020 toàn TP có 13 trạm (tức tăng sáu so với hiện nay) và đến năm 2025 là 20 trạm thu phí.

Nhu cầu vốn đầu tư vào việc xây cầu, mở đường ở TP.HCM rất lớn nhưng nguồn ngân sách chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Và đường sá ở TP ngày càng rộng mở là do TP.HCM linh hoạt trong việc sử dụng, thu hút từ nguồn lực xã hội bằng nhiều nguồn, trong đó có hình thức BOT.

Theo kế hoạch phân kỳ đầu tư, đến năm 2020 dự kiến trên địa bàn có thêm sáu trạm mới (cho các dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, mở rộng quốc lộ 22, tỉnh lộ 15, vành đai 3, đường nối từ đại lộ Võ Văn Kiệt vào cao tốc Trung Lương và đường vào Khu công nghiệp Phú Hữu). Kế đến, sau năm 2020 tổng số trạm thu phí ở TP.HCM dự kiến lên đến 20 trạm. Trong đó có một trạm trên cao tốc TP.HCM đi Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và năm trạm thu phí trên năm tuyến đường trên cao. Mức đầu tư cho từng dự án nêu trên đều vào hàng “khủng”, với 18 dự án vừa nêu (Bộ GTVT quản lý ba dự án) thì tổng mức đầu tư khái toán đã lên đến 233.500 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm