Tạo dựng không gian thân thiện cho người khuyết tật

Năm 2002, Bộ Xây dựng ban hành bộ quy chuẩn và ba tiêu chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo cho người khuyết tật (NKT) tiếp cận sử dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều công trình vẫn không tuân thủ các quy định này hoặc làm theo kiểu đối phó, đánh đố NKT như đường cho xe lăn có độ dốc quá cao, không bố trí tay vịn, thiếu biển báo hay biển chỉ dẫn cần thiết…

Sớm cải tạo công trình cũ

Để ngăn chặn tình trạng trên, cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt quá trình thẩm định thiết kế các công trình phục vụ cộng đồng. Cạnh đó, cần sớm thực hiện hai phần việc lớn mà lâu nay chúng ta đã bỏ sót. Đầu tiên, phải rà soát, cải tạo những công trình cũ chưa có các hạng mục dành cho NKT. Quá trình cải tạo có thể tốn nhiều kinh phí, làm mất phần nào thẩm mỹ công trình nhưng nhất thiết phải làm.

Trên thế giới, khi cải tạo các công trình cũ, thậm chí là công trình cổ có giá trị về kiến trúc-lịch sử, nhiều nước đã dành hẳn một khu vực làm lối tiếp cận cho NKT. Ví dụ, trụ sở tòa đô chính của TP Rotterdam (Hà Lan) có lịch sử gần 300 năm nhưng cũng được đập bỏ một phần mặt tiền để làm lối đi cho NKT. Việc này ít nhiều ảnh hưởng đến thẩm mỹ của tòa nhà nhưng chính quyền TP vẫn thực hiện và nhận được sự ủng hộ của người dân.

Điều thứ hai cần làm là phải mở rộng các hạng mục dành cho NKT ra toàn không gian đô thị (gồm đường phố, công viên, bãi đỗ xe, các di tích, điểm tham quan…). Vừa qua, khi thiết kế xây dựng đền thờ các vua Hùng trong Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc của TP, chúng tôi rất băn khoăn khi tính toán đưa thang máy vào. Về nguyên tắc kiến trúc điều này không hợp lý nhưng nhờ hệ thống thang máy mà NKT mới có điều kiện vào tham quan công trình như những người bình thường. Do vậy, đây là điều rất đáng làm.

Tạo dựng không gian thân thiện cho người khuyết tật ảnh 1

Hầu hết người khuyết tật đều có người thân hỗ trợ khi sinh hoạt trong môi trường công cộng. Ảnh: HTD

Cần mở rộng khái niệm NKT

Để xây dựng TP thân thiện hơn với NKT, ngoài việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chúng ta cần tăng cường xây dựng nếp sống văn minh và văn hóa đô thị, chú trọng đến tinh thần “tương thân tương ái” đối với NKT. Lâu nay văn hóa đô thị ở ta đang thực hiện chủ yếu bằng công tác vận động. Điều này đúng nhưng chưa đủ, thay vào đó cần có những chế tài đủ sức răn đe mới có hiệu quả.

Một vấn đề nữa, không nên hiểu NKT chỉ là những người có khiếm khuyết về cơ thể. Theo nghĩa rộng hơn, đó là những người mà các chức năng bình thường bị hạn chế. Như vậy, những người già yếu cũng có thể đưa vào nhóm đối tượng này. Họ là những người bình thường nhưng do sức khỏe yếu dẫn đến những khó khăn trong đi lại và sử dụng các công trình công cộng. Phải hiểu như thế thì chúng ta mới có được sự quan tâm đúng mức, từ đó chăm lo tốt hơn cho đời sống của họ.

Ở các nước phát triển, các khu vui chơi giải trí có rất nhiều NKT tham gia vì họ cảm thấy rất thoải mái khi sinh hoạt ở nơi công cộng. Còn ở ta, người già hoặc NKT phải rất vất vả khi tham gia các hoạt động nơi công cộng nếu không muốn làm phiền con cháu và những người xung quanh. Điều đó khiến họ mặc cảm và gần như “nói không” với những tiện ích công cộng. Đó là một thiệt thòi lớn và chúng ta không nên để sự thiệt thòi này kéo dài.

Lộ trình cải tạo các công trình công cộng

1. Đến ngày 1-1-2020, các trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục, thể thao phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT.

2. Đến ngày 1-1-2025, tất cả nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội còn lại phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT.

Nội dung điều 40 Luật Người khuyết tật 2010

Tất cả NKT đều có khả năng tự xoay sở để thích ứng với hoàn cảnh và hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, khi chứng kiến sự kỳ thị của một số người, chúng tôi rất tủi thân. Do đó, ngoài việc ban hành các quy chuẩn trong xây dựng và cải tạo các công trình công cộng, nên chăng cần có thêm những biện pháp chế tài đối với hành vi phân biệt đối xử hoặc không giúp đỡ NKT. Đó cũng chính là những hành xử văn minh và đầy tình người trong cuộc sống đô thị.

Anh VƯƠNG LAI THUẬN, hội viên Hội Nạn nhân chất độc màu da cam dioxin TP.HCM

KTS NGUYỄN TRƯỜNG LƯU (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư TP.HCM )

VIỆT HOA ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm