Tàu 8.000 tấn nằm sông Lòng Tàu đang gây thiệt hại nặng

Ngày 15-11, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã cùng nhiều đơn vị liên quan đi khảo sát hiện trường vụ chìm tàu Vietsun Integrity trên sông Lòng Tàu vào rạng sáng 19-10.

Gần 1 tháng nữa mới thông luồng hàng hải

Tại hiện trường, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khuyến khích Ban Quản lý dự án thực hiện phương án thông luồng càng sớm càng tốt, phục vụ cho lưu thông hàng hải mùa lễ, tết cận kề. Tuy nhiên, cần đặc biệt chú ý đến nguyên tắc an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đến hiện trường vụ chìm tàu 8.000 tấn sáng 15-11.

Theo ghi nhận, tại hiện trường phao quây vẫn đang được triển khai ngăn tràn dầu, nhiều container hàng đã được trục vớt lên, một số container bị rách bươm.

Công ty TNHH Hàng Hải Thái Bình Dương, đơn vị triển khai nhiều tàu cẩu trục, sà lan, các phương tiện khác trên thực địa để tiến hành việc trục vớt và tiếp tục rà quét thu gom các container chìm dưới lòng sông.

Nhiều thùng container được trục vớt bị móp méo.

Theo đó, đơn vị trục vớt đã trình lên hai phương án, trong đó phương án 1 là xoay phần lái tàu ra khỏi luồng, dự kiến đến 25-11 có thể lưu thông hàng hải một chiều.

Phương án 2 là rút hết tất cả container hàng trong hầm, tiến hành kéo tàu ra khỏi luồng, dự kiến từ ngày 10 đến 15-12 sẽ lưu thông hàng hải trở lại.

Đơn vị trục vớt cũng cho biết hiện còn khoảng 180 container chưa được trục vớt, sau khi được trục vớt sẽ đưa về cảng VICT (quận 7, TP.HCM) để giải phóng luồng.

Tuy nhiên, cảng VICT cho rằng số hàng container trên đang gây khó khăn về kho bãi, ngoài ra còn có nguy cơ gây ô nhiễm bởi đã bị chìm trong nước thời gian dài.

Trong chiều cùng ngày, thứ trưởng Bộ GTVT đã chủ trì cuộc họp gồm nhiều đơn vị liên quan, trong đó có chủ tàu và các doanh nghiệp thường xuyên có tàu ra vô luồng hàng hải nơi xảy ra sự cố bị ảnh hưởng.

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết ngoài phương án đơn vị trục vớt thì Bộ GTVT cũng đang tiến hành nhiều phương án song song khác.

“Phương án 1, chúng tôi sẽ đề xuất Bộ Tài chính sử dụng nguồn ngân sách nhà nước duy tu, nạo vét khẩn cấp một số điểm cạn trên luồng Soài Rạp. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang chỉ đạo các đơn vị liên quan như Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM… tiến hành khảo sát khu vực tàu chìm để nghiên cứu đo đạc và có thể nạo vét khẩn cấp, tạo 1 luồng tạm để tàu hàng hải lưu thông một chiều trên luồng Lòng Tàu với sự hỗ trợ kinh phí của các doanh nghiệp” - Thứ trưởng Công cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng, đây là sự cố ngoài mong muốn nhưng đã gây ra nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải, chủ tàu, chủ cảng và cả cơ quan quản lý nhà nước.

“Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ cam kết chỉ đạo làm sao để trục vớt tàu trong thời gian sớm nhất hoặc ít nhất sẽ tạo ra luồng tạm hàng hải một chiều cho các tàu vận tải lớn, còn các tàu vận tải nhỏ thì tiếp tục khai thác luồng hàng hải trên sông Soài Rạp bình thường” - Thứ trưởng Công nói.

Nhiều đơn vị tham gia cuộc họp chiều 15-11.

Theo đánh giá của các cơ quan tại cuộc họp, sự cố không chỉ gây ách tắc giao thông đường thủy, mà còn ảnh hướng lớn về kinh tế, khiến nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn vì vận chuyển hàng hóa chậm trễ, chi phí tăng cao và dẫn đến tổn thất về doanh thu.

Anh Nguyễn Hữu Sơn, chủ doanh nghiệp vận tải, cho biết doanh thu sau sự cố bị ảnh hưởng rất nhiều, doanh nghiệp đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Toàn, chủ một doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cũng bày tỏ ý kiến, tàu muốn lưu thông phải giảm tải từ cảng Cái Mép nên chi phí thuê sà lan vận chuyển hàng hóa qua luồng hàng hải, nơi xảy ra sự cố rất cao.

“Hiện chúng tôi vẫn phải đóng các tiền như hoa tiêu, cảng vụ, tải trọng và tiền an toàn hàng hải cả cho Vũng Tàu và TP.HCM. Ngoài ra, còn tốn tiền thuê sà lan giảm tải nên tôi mong muốn cơ quan chức năng xem xét giảm cho doanh nghiệp trong thời gian khó khăn này” - ông Toàn nói thêm.

Sự cố còn gây tác động về môi trường do tàu, hàng hóa chìm đắm. Tuy nhiên, các đơn vị đã có phương án để giải quyết hiệu quả vấn đề này, riêng đối với sự cố tràn dầu thì cơ quan chức năng chưa ghi nhận được.

Theo Tổng cục Hải quan, trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm thủ tục tại các cảng ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, nếu có nhu cầu thì có thể làm thủ tục tại cảng Cái Mép - Thị Vải để đẩy nhanh thủ tục thông thương.

 

Trước đó, vào rạng sáng 19-10, tàu vận tải Vietsun Integrity thuộc Công ty cổ phần Việt Nhật, tải trọng trên 8.000 tấn chở theo gần 300 container trên đường từ TP.HCM đi TP Hải Phòng. Khi đến cầu phao số 28, luồng Sài Gòn - Vũng Tàu (sông Lòng Tàu, huyện Cần Giờ) thì gặp sự cố và bị chìm. Rất may, 17 thuyền viên trên tàu đều an toàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm