Tàu chở hàng quá tải vô tư vượt trạm cân

Kê khai 30 tấn chở gần 63 tấn 

Theo đó, ngày 23-6 lực lượng chức năng ngành đường sắt Đà Nẵng đã tiến hành mở niêm phong để kiểm tra và cân thực tế hàng hóa đã xếp trên toa xe 231108.

Công nhân ngành đường sắt đang khắc phục sự cố lật tàu tại đèo Hải Vân (Đà Nẵng). LÊ PHI.

Theo hóa đơn gửi hàng số 13586, thì toa xe này chỉ chở 30 tấn tấm lợp fibrôximăng đi từ Ga Bỉm Sơn công nghiệp (Thanh Hóa) đến Hố Nai (Đồng Nai).

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện toa xe này đã được xếp gần 63 tấn vượt tải 33 tấn (tương đương vượt tải trọng tới 112%). Sau đó, số hàng quá tải này đã được hạ tải và xếp hàng lên toa xe số 232269 để tiếp tục di chuyển. Trước việc tàu chở quá tải này, Ga Đà Nẵng đã tiến hành xử phạt thu tiền cước bội tải, sang toa đối với số hàng trên là 96,4 triệu đồng.

Điều đáng nói là toa tàu hàng này đã chở quá tải gấp đôi so với thực tế khai báo. Thậm chí, cả bốn tổ lò xo xả nhún (giảm xóc) bị xẹp, lò xo nằm ở vị trí 2 và 4 bị gãy….nhưng khi đi qua sáu trạm cân khám toa xe từ Thanh Hóa vào đến Đà Nẵng thì mới bị Trung tâm Ứng phó sự cố Thiên tai và Cứu nạn đường sắt Khu vực 2 (Đà Nẵng) phát hiện? Nhiều người đặt câu hỏi : “Không biết toa tàu 231108 đã phù phép kiểu gì để qua các trạm cân khám?”.   

Báo động tàu hàng chở quá tải

Trước tình trạng các toa xe ùn ùn chở hàng quá tải, ngày 24-6, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã gửi công điện số 458 đến các cơ quan cấp dưới trong đó có Xí nghiệp toa xe Đà Nẵng, Ga Đà Nẵng, Trung tâm Ứng phó sự cố Thiên tai và Cứu nạn đường sắt Khu vực 2…để báo động.

Tàu chở quá tải có thể lật và gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được chấn chỉnh kịp thời (trong ảnh: một vụ lật tàu trên đèo Hải Vân). LÊ PHI

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam: kể từ ngày 1-4-2014 khi Bộ GTVT chỉ đạo tổ chức đồng loạt nhiều trạm cân kiểm soát tải trọng trên các tuyến quốc lộ thì chủ hàng đã dồn về đường sắt.

“Tuy nhiên, công tác tổ chức vận tải hàng hóa còn bộc lộ những tồn tại, thiếu sót để chủ hàng lợi dụng chở hàng quá tải, thiếu cước. Dẫn đến việc gây thất thu vừa đe dọa đến an toàn công trình ngành đường sắt”, công điện này nêu.

Công điện này “báo động” tiếp : “Trong tháng 5 và 6-2014, Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và Cứu nạn đường sắt Việt Nam tổ chức cân kiểm tra tải trọng đã phát hiện một số toa xe chở hàng quá tải từ 9-21% tại các ga Việt Trì, Yên Bái. Đặc biệt, nghiêm trọng là toa xe 231108 được kiểm tra tại Ga Đà Nẵng đã vượt tải trọng tương đương 112%. Trạng thái kỹ thuật toa xe bị hư hỏng, đe dọa tới an toàn công trình, bốn tổ lò xo xà nhún đều bị xẹp, trong đó lò xo xà nhún vị trí 2-4 bị gãy”.

Nhận định về việc lò xo toa xe bị gãy, ông Phan Thành Liên, Phó Giám đốc Xí nghiệp toa xe Đà Nẵng, cho biết : “Nếu chỉ xác định lò xo toa tàu trên gãy là do quá tải thì chưa chính xác. Có hai yếu tố làm lò xo gãy là do lò xo đó đã đến chu kỳ nhất định và toa xe chở quá tải”.

Ông Liên cũng nhận định :“Gãy lò xo thì chắc chắn sẽ mất an toàn rồi, nhưng uy hiếp đến sự an toàn chạy tàu thì thấp”. 

Theo ông Liên, các trạm cân khám tàu của ngành đường sắt hiện tại không có khả năng khám toa xe quá tải thường xuyên. “Chủ yếu là khám toa xe bằng thủ công, mỗi lần cân khám rất phức tạp nên cũng ít khi khám đột xuất. Khi khám thì cũng không dám kết luận là quá tải dù nhìn thấy các lò xo toa tàu bị xẹp. Chỉ người xếp dỡ hàng lên mới biết quá tải hay không còn những anh cầm búa đi gõ gõ, nhìn bằng mắt thường (cán bộ cân khám tàu quá tải-PV) thì không tài nào biết được”, ông Liên cho hay.

Ông Phan Thành Liên, Phó Giám đốc Xí nghiệp toa xe Đà Nẵng cũng chua chát nói, hiện tại các phương tiện phục vụ cân khám, kiểm tra và xử lý tàu quá tải của ngành đường sắt còn hết sức lạc hậu. Các “chuyên gia” khám tàu vẫn đang phải chủ yếu nhìn bằng mắt thường.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm